Aa

Nghĩ về phố đi bộ quanh Hồ Gươm

Thứ Hai, 12/09/2016 - 19:30

Nay chuyển toàn bộ các tuyến phố quanh hồ Gươm thành phố đi bộ sẽ tạo điều kiện để hoạt động tại đây an toàn hơn, thân thiện hơn và hấp dẫn hơn, cũng như là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân, cho cộng đồng về lối sống đô thị văn hóa, văn minh.

Kể từ 19 giờ ngày thứ sáu (1/9) đến 24 giờ ngày chủ nhật hàng tuần, khu vực xung quanh hồ gươm đã trở thành phố đi bộ theo chủ trương của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tuy mới thực hiện, nhưng chủ trương trên đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân Thủ đô, đặc biệt là du khách.

Hồ Gươm và khu vực xung quanh hồ vốn là không gian văn hóa tâm linh lịch sử thấm đẫm truyền thuyết của Thành phố có bề dày ngàn năm tuổi với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, Đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, tượng Vua Lê, nhà Thủy Tạ…vì thế, khu vực hồ Gươm  luôn là nơi nhộn nhịp, đông vui bậc nhất Hà Nội, là trung tâm văn hóa, lễ hội của người dân Thủ đô.

Bất kỳ sự kiện văn hóa thể thao, lễ hội lớn nào của Thủ đô đều diễn ra tại nơi đây, thu hút hàng vạn người tham gia. Vào những đêm giao thừa, những tối bắn pháo hoa, mừng ngày giải phóng Thủ đô, ngày Quốc khánh, hội hoa Xuân… thì nơi đây quả là “người xe như nước, áo quần như nêm”. Đặc biệt, dù giao thông quanh hồ Gươm (Phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ) là giao thông một chiều, mà có nhà văn người Anh khi đi thăm hồ Gươm đã có một nhận xét thú vị, khi ông ví  sự chuyển động một chiều này như là cái đèn kéo quân khổng lồ quay mãi, quay mãi vô cùng tận.

Khi chưa trở thành phố đi bộ, không gian bờ hồ vẫn quanh năm luôn rực rỡ sắc hoa và xanh mướt màu xanh cổ thụ. Ngày cũng như đêm cũng luôn nhộn nhịp và sôi động bởi các hoạt động thương mại, giải trí, vui chơi, nghỉ dưỡng của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và du khách bốn phương. Nay chuyển toàn bộ các tuyến phố quanh hồ Gươm thành phố đi bộ sẽ tạo điều kiện để hoạt động tại đây an toàn hơn, thân thiện hơn và hấp dẫn hơn, cũng như là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân, cho cộng đồng về lối sống đô thị văn hóa, văn minh.

KTS Phạm Thanh Tùng

KTS Phạm Thanh Tùng

Tuy nhiên, việc lấy 16 phố khu vực quanh hồ Gươm để làm tuyến phố đi bộ liệu có quá nhiều không, và có thực sự cần thiết không, nếu như ngoài phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay là các phố sát bờ hồ Gươm, thì chỉ cần thêm một vài phố như Tràng Tiền (có Nhà hát Lớn và hoạt động thương mại), Đinh Lễ, Nguyễn Xí (là phố Sách), Lê Trực (sát vườn hoa Lý Thái Tổ), Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Bảo Khánh, Nhà Thờ (có Nhà Thờ Lớn)…là đủ. Còn lại phải để hoạt động bình thường, nhất là nơi đây có Trụ sở làm việc của UBND và HĐNDTP.

Và để các tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm được bền vững, không bị bất tiện, nhàm chán sau những háo hức ban đầu, thì Hà Nội cần bố trí thêm nhà vệ sinh công cộng, thùng đựng rác, những dịch vụ mở như trạm thông tin, bưu điện, kiot bán hoa, đồ lưu niệm, các quầy giải khát nhỏ, các ghế đá, xích đu, cầu trượt, chỗ chơi cho trẻ em trên khu vực đường dạo, công viên bờ hồ, các hoạt động biểu diễn đường phố được khuyến khích và xã hội hóa. Cần có giải pháp thích hợp để các hộ dân tại các tuyến phố này không bị ảnh hưởng cuộc sống (đi lại, kinh doanh).Tăng cường vận động, giáo dục và cả hình thức xử phạt để người dân khi tham gia đi bộ không được xả rác, vứt rác bừa bãi xuống đường.

Rồi nữa khi ga tàu điện ngầm C9 được xây dựng ngay sát hồ Gươm với các cửa lên-xuống số 3-4 ngay sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh công cộng bờ hồ hiện tại, thì với lượng người lên xuống rất lớn, thì mọi hoạt động nơi đây sẽ bị quá tải ảnh hưởng thế nào đến khu vực di tích hồ Gươm. Việc bố trí các điểm đỗ xe máy, ô tô tại một số điểm gần khu vực hồ Gươm hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần tổ chức các bãi gửi xe ngầm như tại vị trí vườn hoa Nhà hát Lớn, cạnh Quảng trường Cách mạng Tháng Tám chẳng hạn.

Việc triển khai nhiều tuyến phố đi bộ ở khu phố cổ và nay là khu vực hồ Gươm ở Hà Nội là một nỗ lực của chính quyền thành phố. Trên thế giới, nhiều thành phố cũng có các tuyến đi bộ nhưng đều gắn với khu vực có nhiều di sản kiến trúc đặc biệt hay quảng trưởng, trung tâm thương mại, du lịch như ở Pháp, Italia, Đức… rất thu hút du khách, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Hơn nữa, việc đi bộ sẽ tạo nên không gian công cộng thân thiện giữa con người với con người, giữa con người với di sản, với môi trường văn hóa đô thị và cũng góp phần bảo vệ sự bền vững cho các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, khí thải độc hại do giao thông cơ giới gây ra.

Mong rằng, phố đi bộ của Hà nội sẽ làm được như thế!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top