Aa

Nghĩ về trách nhiệm xã hội của doanh nhân

Thứ Sáu, 03/02/2017 - 22:23

Trong một trao đổi về trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt, một vị tiến sĩ “Tây học” đã ca ngợi hết lời sự vĩ đại, bác ái của những doanh nhân Âu – Mỹ rồi anh quay lại “tình hình đất nước” và nói đại ý rằng: Ở Việt Nam mình làm gì có doanh nhân!

“Quá trình đổi mới đã góp phần tạo ra một lớp nhà giàu mới nổi hay nói theo ngôn ngữ vỉa hè là một tầng lớp “đại gia”. Họ chủ yếu bộc lộ bản thân như những người lắm tiền nhiều của, đắc chí, phô trương. Vấn đề quan trọng nhất với họ không phải là “làm giàu bằng cách nào” hay “quản trị sự phồn vinh cá nhân như thế nào” mà là sẵn sàng làm giàu bằng mọi cách, kể cả tìm đến các thủ đoạn vượt quá giới hạn cho phép của lương tri loài người và đạo lý dân tộc.

Vì thế, từ chỗ mang một hàm ý kính trọng và ngưỡng mộ của số đông, một biểu tượng của khát vọng “đổi đời”, dần dà, hai tiếng “đại gia” hàm chứa một nỗi hoài nghi, bất bình của xã hội trước thành quả thịnh vượng bất chính của một thiểu số - mà thực chất là các nhóm lợi ích đang tung hoành ngang dọc trên vốn tài nguyên đã trở nên còm cõi của quốc gia…”

Quan điểm này lập tức nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn comment và hàng vạn lượt like trên facebook – gần như tất cả đều đồng thuận?!

Tôi cứ suy nghĩ mãi về nhận định này cũng như tình trạng “ném đá” của cư dân mạng vào giới nhà giàu mà điển hình là các nhà doanh nghiệp. Bất luận tốt xấu, nhưng, mỗi khi có một bài viết về doanh nghiệp, doanh nhân nào đó, tốt cũng vậy mà xấu cũng thế, “gạch đá” đều phải nhận ào ào. Tại sao người Việt mình lại ghét nhà giàu, ghét doanh nhân đến vậy? Có thật doanh nhân Việt chỉ toàn là “bọn ăn trên ngồi trốc”, là trọc phú, con buôn?

Tôi từng đem nỗi băn khoăn ấy hỏi thẳng một chủ tịch tập đoàn danh tiếng. Anh cười bảo rằng: “Cơ bản là buồn vì tài sản mình làm ra kiểu gì cũng là để lại cho xã hội chứ chết có mang đi được đâu! Vậy mà xã hội vẫn miệt thị… Nhưng, có lẽ đó cũng là lẽ thường tình, bởi xã hội đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải có trách nhiệm hơn những gì họ đang thể hiện. Đó là kỳ vọng chính đáng và khi sự kỳ vọng không như mong muốn thì sự phàn nàn âu cũng là điều dễ hiểu!...”

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Cũng về câu chuyện này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng có lần chia sẻ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân đừng nghĩ quá xa vời. Cần phải hiểu là nó được thể hiện trước hết qua việc đóng thuế đầy đủ, cùng với đó là trách nhiệm với môi trường và cuối cùng mới là trách nhiệm đạo lý.

Quả đúng là như vậy! Các doanh nghiệp đóng thuế không phải chỉ để nuôi nhà nước, mà là để nhà nước có nguồn kinh phí chăm lo cho các nhu cầu của xã hội. Về cơ bản, các doanh nghiệp tạo ra của cải, nhà nước tạo ra sự công bằng. Nhưng của cải phải có trước, sự công bằng mới xảy ra. Nếu chúng ta chỉ hưởng được sự công bằng về nghèo khổ thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì?

Chúng ta cũng đừng đem sức khỏe và tương lai của xã hội ra làm “vật tế thần” cho lợi nhuận. Làm được vậy đã là rất tốt. Những bài học lớn về chuyện này đã có. Nhưng đây cũng là bài toán khó không chỉ cho Việt Nam mà cho toàn thế giới; không chỉ của hôm nay mà của cả tương lai.

Với trách nhiệm đạo lý. Đây là thứ trách nhiệm xã hội dễ nhìn và hay kỳ vọng nhưng nó lại chỉ được điều chỉnh bởi lương tâm. Chẳng ai có thể bắt buộc các doanh nhân phải bỏ tiền ra để xây nhà tình nghĩa hoặc lớp học tình thương, ngoài những thôi thúc của đạo đức. Dù rằng “tương thân tương ái”, sẻ chia là đạo lý sống ở đời trong đó có các doanh nhân; Dù rằng, một xã hội nhân bản và bác ái là rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh; Dù rằng, trong xã hội của sự sẻ chia, sự giàu có sẽ dễ được chấp nhận và dù rằng, nếu thiếu điều này động lực của hoạt động kinh doanh sẽ bị tước bỏ… nhưng đây dù sao vẫn phải là điều phải xuất phát từ tâm, từ nhận thức.

Nguyên lý về trách nhiệm xã hội của doanh nhân là thế! Nhưng nói như ông Giản Tư Trung, thì trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có ba nhóm người: doanh nhân, trọc phú và con buôn. Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị tốt đẹp cho người tiêu dùng, cho xã hội. Nói ngắn gọn, doanh nhân là những người “kiếm” bằng cách “mang lại” và không “gây ra”. Còn trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô thôi (con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn). Để đánh giá là một doanh nhân hay là con buôn người ta không nhìn vào quy mô và tầm tiền sở hữu mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ.

Trở lại với câu chuyện của vị chủ tịch tập đoàn nọ, anh tâm sự rằng: Gần đây, bằng nhiều câu chuyện đẹp, chúng ta ca ngợi tấm lòng bác ái của những đại gia Âu - Mỹ. Nhưng chúng ta quên mất rằng nước Mỹ có “những gã khổng lồ tốt bụng” như Andrew Carnegie hay John D. Rockefeller thời trước hoặc Bill Gates, Warren Buffett đương thời nhưng cũng có rất nhiều “gã nhà giàu chơi bẩn”, có những  Gatsby (Đại gia Gatsby) lắm tiền, nhiều của và cực kỳ đắc chí, phô trương...

Xã hội đang chờ đợi sự “trở mình” của những doanh nhân muốn khẳng định mình trong thời đại mới.

Xã hội đang chờ đợi sự “trở mình” của những doanh nhân muốn khẳng định mình trong thời đại mới.

Chúng ta cũng quên mất, Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, trốn thuế, phá hoại môi trường, dùng truyền thông bẩn để trục lợi thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chân chính và có trách nhiệm xã hội rất cao. Và liệu, chúng ta có biết nước Mỹ cũng có những làn sóng biểu tình phản đối nhà giàu mạnh chẳng kém làn sóng “ném đá” trong dư luận Việt? Hãy đừng để những “chuyện cổ tích” về đại gia Âu - Mỹ có thể gây hiểu lầm, gây sự bi quan trong xã hội chúng ta. Phát triển là một quá trình. Để hình thành một đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm xã hội cũng cần có thời gian. Âu – Mỹ đã phát triển trước ta rất nhiều thập kỷ, thậm chí là cả thế kỷ rồi!

So với lịch sử doanh thương thế giới thì sự hình thành một tầng lớp doanh nhân thực thụ ở Việt Nam vẫn còn quá ngắn. Suốt chiều dài của giai đoạn phong kiến, với tâm lý “trọng nông, ức thương” người Việt đã xem kinh doanh là việc không đáng trọng. Mãi đến đầu thế kỷ XX, một khúc quanh rực rỡ của kinh thương mới được vẽ nên bởi các doanh nhân tiền bối như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi… Nhưng rồi, dù tài năng và khát vọng có thừa, thế hệ doanh nhân “tiền bối” này cũng phải sớm dừng bước theo dòng chảy của thế sự.

Rồi một thời gian rất dài tiếp theo, lịch sử kinh thương của ta là những trang sử khá buồn tẻ và đơn điệu. Kinh doanh gần như không có chỗ trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bảo hộ mậu dịch... Cho đến khi “đổi mới” thì những mạch ngầm của dòng chảy kinh thương Việt Nam mới lại bắt đầu được khơi gợi... Chính trong bối cảnh này, những doanh nhân thế hệ 1.0 đầu tiên của lịch sử kinh thương thời “đổi mới” đã ra đời. Phần đông trong số họ ra sức làm ăn để kiếm cơm, kiếm tiền và làm giàu, mang lại hạnh phúc cho mình và tạo dựng sự nghiệp riêng. Nhưng chính sự bộc phát này cũng tạo nên những hạn chế nhất định trong tính cách của đa số doanh nhân 1.0: họ chưa quan tâm nhiều đến trách nhiệm xã hội hay đạo đức kinh doanh, và thường chỉ quanh quẩn làm ăn đơn lẻ trong nước và chủ yếu là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt với nhau.

Đến giai đoạn hội nhập được đánh dấu bằng việc Việt Nam tham gia vào WTO, với sự xuất hiện của những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu vào Việt Nam, với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, sự trở về cùng chất xám và khát vọng cống hiến của những người Việt xa quê; những doanh nhân Việt uy tín hơn, có tâm và có tầm hơn đã xuất hiện - Đây có thể gọi là thế hệ doanh nhân 2.0.

Và nay, trong công cuộc hội nhập vào “thế giới phẳng”, tại Việt Nam, chúng ta đang bàn đến công cuộc đổi mới lần hai và doanh nhân chính là lực lượng tiên phong. Chúng ta bắt đầu nói đến khái niệm “doanh nhân 3.0” với đại diện là những ông chủ tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân xuất sắc và các doanh chủ trẻ có tri thức, có khát vọng dấn thân. Họ không còn tư duy “né tránh” tích lũy tư bản. Họ có khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới; có khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân VN xấu xí” mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân Việt và đồng thời có cái “đạo kinh doanh” là tôn chỉ, giá trị, phẩm chất, văn hóa để thực hiện các khát vọng. Thế hệ doanh nhân này được kỳ vọng sẽ cùng chia sẻ sứ mệnh: kiếm tiền bằng cách phục vụ xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xã hội đang chờ đợi sự “trở mình” của những doanh nhân muốn khẳng định mình trong thời đại mới. Xã hội đang mong mỏi sự xuất hiện của những niềm tự hào quốc gia có thể ca khúc khải hoàn trong cuộc đua tranh toàn cầu. Xã hội đang sẵn sàng tôn vinh những người con người dấn thân vào sự nghiệp kinh thương, để tạo dựng những giá trị vững chắc và trường tồn cho chính mình, cho dân tộc mình và mang nhiều giá trị cho thế giới.

Trong nỗ lực chung ấy, sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nhân là điều kiện tiên quyết, là tối quan trọng. Và trong những “cái mới” cần có để hình thành nên một đội ngũ doanh nhân mới thì yếu tố văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Để được xã hội tin tưởng và tôn trọng, thì trước hết người doanh nhân phải biết tôn trọng xã hội và tôn trọng chính mình. Bản chất của doanh nhân là kiếm tiền. Nhưng nếu như khả năng kiếm tiền là thước đo năng lực thì việc trả lời câu hỏi “kiếm tiền thế nào?” là thước đo văn hóa.

Qua những gì đang diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội. Song, nói đi thì cũng cần nói lại. Chúng ta kỳ vọng thì cũng phải biết “tạm ứng niềm tin” cho họ. Và cùng với sự kỳ vọng vào trách nhiệm xã hội của người khác (của doanh nhân) thì mỗi người trong xã hội cũng cần biết nhắc nhở nhau lao động chăm chỉ, tiết kiệm, khiêm nhường và tự lực. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top