Aa

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: “Thị trường BĐS tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định”

Thứ Năm, 19/01/2017 - 06:01

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường BĐS tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố như: Giá cả ổn định, thanh khoản tăng, tồn kho tiếp tục giảm mạnh...

Báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, sự ổn định của thị trường được thể hiện qua 6 yếu tố là: giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho tiếp tục giảm mạnh; tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và tốc độ giải ngân gói hỗ trợ NƠXH tốt. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đánh giá, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, góp phần cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Liên quan đến diễn biến thị trường BĐS thời gian qua và triển vọng của thị trường năm 2017, bên lề Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng cũng như một số cơ quan liên quan có trách nhiệm theo dõi thị trường; đánh giá, phản ánh diễn biến thị trường BĐS để báo cáo Chính phủ.

“Tôi rất thận trọng khi nói về dự báo phát triển thị trường BĐS vì đây là một vấn đề hết sức khó, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận, đánh giá tổng quát rất nhiều vấn đề liên quan. Nhưng trong ngắn hạn, tôi cho rằng, chúng ta vẫn có khả năng điều tiết, kiểm soát tốt thị trường BĐS; thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng trên một số phân khúc có thể sẽ chững lại”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bộ Xây dựng đã có một số định hướng, giải pháp cụ thể để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bao gồm:

Một là, tiếp tục hoàn chỉnh thể chế. “Vừa rồi chúng ta đã có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng,… đã tạo ra một hành lang pháp lý rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có những quy chế phù hợp hơn nữa với thực tiễn”, Bộ trưởng cho hay.

Hai là, cần quan tâm phát triển NƠXH nhằm đảm bảo sự lành mạnh trong phân bố cung cầu những sản phẩm nhà ở phục vụ cho mọi đối tượng. Đặc biệt, chúng ta hướng tới những người thu nhập thấp, đối tượng là người nghèo, ở khu vực nông thôn cũng như công nhân trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, sinh viên...

Ba là, cố gắng đẩy mạnh phân khúc cho thuê. Hiện nay, tại các nước xung quanh hoặc một số nước trên thế giới, phân khúc cho thuê trong phân khúc sản phẩm nhà ở chiếm khoảng 50 – 70%, nhưng tỷ lệ của chúng ta rất thấp. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã và sẽ phối hợp cùng với địa phương nhất là các đô thị lớn thúc đẩy phân khúc này.

Bốn là, tạo dựng được những kênh vốn theo thông lệ quốc tế phù hợp cho sự phát triển thị trường BĐS thay vì như hiện nay, chúng ta chủ yếu huy động qua kênh vốn tín dụng của Nhà nước.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: “Kênh tạo vốn cho thị trường BĐS hết sức quan trọng và đều phải làm theo thông lệ quốc tế để bảo đảm tính thị trường trong hoạt động kinh doanh BĐS. Hiện nay, tại Việt Nam, kênh huy động vốn cho BĐS rất hạn hẹp, chủ yếu mới thông qua tín dụng ngân hàng. Cho nên, đây là một vấn đề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, buộc chúng ta trong thời gian tới phải tìm ra và thiết lập những kênh mới cho thị trường BĐS…”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có một số việc phải làm để sớm tạo nguồn vốn cho BĐS. Ví dụ như thành lập một số quỹ tiết kiệm, quỹ đầu tư, thành lập một số hợp tác xã phát triển nhà ở, các quỹ tiết kiệm… “Vấn đề ở chỗ, chúng ta đã có một hành lang thể chế nào để cho các quỹ này hình thành trên thực tiễn chưa? Sắp tới, vấn đề này phải được xem xét rất cụ thể. Tôi muốn nhấn mạnh, trước hết, phải có hành lang pháp lý; tiếp đến cần áp dụng một số mô hình tốt ở các nước trên thế giới để dần dần mình chuyển hóa nó và thay đổi cho phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nay đất nước cũng đã phát triển đến mức thu nhập trung bình, cái đói cơ bản đã được giải quyết, bây giờ nhu cầu về ở trở nên bức thiết. Trách nhiệm đảm bảo về nhà ở thuộc về Nhà nước, của người dân và của cả cộng đồng xã hội. Vì thế cần quan tâm tới việc huy động phần tích lũy rất lớn của người dân để phát triển nhà ở. Ngoài ra, nguồn kiều hối hiện nay cũng rất lớn. Lượng kiều hối mỗi năm có đến trên chục tỉ USD. Phải làm sao để huy động được nguồn kiều hối này vào thị trường BĐS đang phát triển”.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ giới đầu tư BĐS do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định: định hướng cơ bản nhất là phải kiểm soát để thị trường BĐS vận hành một cách minh bạch, bền vững, bởi sự ổn định của thị trường này có tác động quan trọng trong việc phát triển kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các tín hiệu lạc quan, Bộ trưởng Hà cũng đưa ra ba cảnh báo mà thị trường cần đặc biệt lưu ý đó là: Sự lệch pha trong nguồn cung khi nguồn cung căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng nhiều hơn NƠXH, nhà thu nhập thấp. Bên cạnh đó, dù dư nợ tín dụng BĐS hiện nay vẫn ở giới hạn an toàn nhưng phân bố không đều làm tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như chúng ta không kiểm soát tốt nguồn tài chính vào thị trường. Và dù chưa phổ biến nhưng đã có dấu hiệu về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề ra 6 giải pháp để góp phần kiểm soát tốt hơn thị trường BĐS. Đó là: Phải nắm bắt thông tin, minh bạch hóa; Tăng cường tập huấn, phổ biến tuyên truyền các kiến thức về đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực BĐS; Tiếp tục nghiên cứu và có chính sách mới thúc đẩy thị trường vốn cho thị trường BĐS; Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quản lý thị trường BĐS; Thực hiện chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, có cơ chế khuyến khích NƠXH, giảm thiểu thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong hoạt động về BĐS… Đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm giải quyết bài toán lệch pha về cung cầu sản phẩm bởi đây là trụ cột trong chính sách an sinh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải thực hiện tốt các quy định đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia thị trường BĐS. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra BĐS nhưng không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top