Aa

Bất động sản 24h: Nghịch cảnh tại các phiên đấu giá đất

Thứ Hai, 12/09/2022 - 11:16

Nghịch cảnh tại các phiên đấu giá đất; Từng đổ xô đi làm "cò" đất, giờ môi giới lại bỏ nghề vì thị trường trầm lắng... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Nghịch cảnh tại các phiên đấu giá đất

Trong những năm qua, nhu cầu đầu tư bất động sản liên tục tăng cao nhưng nguồn cung có pháp lý rõ ràng trở nên thiếu. Giai đoạn 2020 - 2021, các phiên đấu giá đất dù ở bất kỳ tỉnh thành nào đều thu hút được lượng lớn nhà đầu tư quan tâm, tham gia, tấp nập kẻ bán người mua, sang tay nhau liên tục.

Cùng đó là các mức giá được đưa ra trong phiên đấu giá đất cao ngất ngưởng, kéo theo là mặt bằng giá trong khu vực cũng thay đổi sau mỗi phiên đấu giá. Những người trúng cũng thu được lợi không nhỏ khi có trong tay đất đấu giá.

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành bắt đầu rục rịch tổ chức đấu giá đất trở lại. Tuy nhiên, tình cảnh trái ngược xảy ra khi các phiên đấu giá đất ở các tỉnh hầu như đều đìu hiu, thậm chí chênh lệch nhẹ cũng có thể trúng nhưng vẫn bỏ cọc, còn tại vùng ven Hà Nội liên tục là những mức giá xô đổ những kỷ lục trước đó.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Từng đổ xô đi làm "cò" đất, giờ môi giới lại bỏ nghề vì thị trường trầm lắng

Anh Nguyễn Xuân Lam (32 tuổi) - môi giới bất động sản phân khúc đất nền ở Hà Nội cho biết, khoảng 4 - 5 tháng nay, thị trường bất động sản chững lại, những dự án mà công ty anh chào bán không có khách hàng tìm mua. Trong khi đó, anh Lam vẫn chi tiền quảng cáo trên mạng xã hội để tìm khách. Chưa kể, anh vẫn tốn tiền xăng xe, điện thoại để dẫn khách đi xem nhưng do diễn biến thị trường u ám nên khách không chốt mua.

"Lúc thị trường sốt, giao dịch dễ dàng, làm môi giới thu nhập khá ổn nên tôi đã bỏ nghề kế toán, rẽ ngang sang làm công việc này. Nhưng mới vào nghề được mấy tháng thì gặp thị trường biến động. Nhiều tháng nay tôi chưa chốt được giao dịch nào, tiền sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi tiêu. Số tiền tiết kiệm được cũng dần cạn. Mấy tháng nay, tôi phụ làm thêm tại một nhà hàng để có tiền chi tiêu. Dù không muốn bỏ nghề nhưng cứ như thế này thì chắc tôi cũng không trụ được lâu. Nhiều anh em trong công ty tôi làm đã bỏ hẳn để kiếm một công việc ổn định hơn”, anh Lam chia sẻ.

Không chỉ riêng anh Lam mà nhiều môi giới bất động sản mới vào nghề đang gặp không ít những khó khăn. Người thì chuyển nghề, người thì vẫn cố bám trụ nhưng cũng làm thêm một công việc khác để kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Gỡ "điểm nghẽn" thị trường bất động sản

Sau Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng hàng loạt "điểm nghẽn" của thị trường này sẽ kịp thời tháo gỡ.

Khan hiếm nguồn cung, dòng vốn bị kiểm soát, khiến giá sản phẩm bất động sản bị đẩy lên cao, vượt quá khả năng chi trả của nhà đầu tư, người lao động là “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay. Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản có 2 kênh vốn quan trọng: Kênh vốn thi công dự án thường được doanh nghiệp chủ động từ các nguồn lực có sẵn trong trường hợp vay vốn ngân hàng khó khăn hoặc lãi suất cao và kênh vốn cho vay với khách mua thế chấp bằng bất động sản hình thành trong tương lai. Song, hạn mức tín dụng ngân hàng đang bị siết chặt là “rào cản” với các nhà đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở xã hội gặp khó vì đâu?

Mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

Thứ nhất, đối với quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Qua theo dõi số liệu thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tại một số địa phương còn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nhà ở của người dân trên phạm vi địa bàn địa phương đó.

Cụ thể, ngày 1/4/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP trong đó có quy định đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị quyết 1210 sau khi được ban hành đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị. Sau 5 năm thực hiện, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 5 đô thị loại I, 12 đô thị loại II. Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 33 đô thị loại IV. UBND cấp tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 197 đô thị loại V...

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top