Aa

Nghịch lý trong phát triển doanh nghiệp tư nhân

Thứ Sáu, 22/09/2023 - 13:30

Những nghịch lý trong phát triển khu vực doanh nghiệp tiếp tục đặt cao yêu cầu cấp thiết trong tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, để “thông mạch, thông các nguồn lực”.

Những nghịch lý

“Doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói ngay khi bắt đầu trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, diễn ra ngày 19/9.

Trước đó, ông Cung có bài tham luận hơn 10.000 chữ gửi Diễn đàn, bóc tách thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện tại theo các góc nhìn vùng kinh tế, phân ngành, quy mô, loại hình doanh nghiệp, cơ cấu vốn, các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu đến hiệu quả hoạt động.

Thế yếu của doanh nghiệp tư nhân mà ông nhắc tới được rút ra khi so sánh với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở gần hết góc cạnh, bao hàm cả năng lực hội nhập, năng lực cạnh tranh trên sân nhà, sự hiện diện trong các ngành dịch vụ chuyên môn, khoa học, công nghệ...

Đặc biệt, ông Cung phát hiện, tốc độ tăng số doanh nghiệp gia nhập thị trường của doanh nghiệp FDI cao hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn 2017 - 2022. Tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân trong nước giảm nhẹ từ 96,7% giai đoạn 2017 - 2020 xuống còn 96,6% năm 2022; trong khi khu vực FDI tăng từ 2,9% lên 3,1%. Tình trạng này đáng ngại hơn khi đặt trong bối cảnh tốc độ tăng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt tốc độ tăng số gia nhập những năm gần đây.

“Các chủ trương, giải pháp trong các văn kiện và nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng là khá đầy đủ và vẫn còn phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước nhiều về số lượng, đa dạng về ngành nghề, quản trị tốt, năng động, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao…”, ông Cung giải thích sự lo ngại của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp như thế sẽ là động lực tăng trưởng cao bền vững, tạo việc làm tốt và ổn định cho người dân, tạo nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước; đóng góp chủ yếu vào các quỹ dự trữ quốc gia. Hơn thế, doanh nghiệp mạnh cũng là động lực để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Dù chia sẻ mối lo về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước “có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường”.

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất của nhận định đó là hiếm có nơi nào trên thế giới mà doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam - thường cao gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường bình thường trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” khác cũng thường cao vượt trội.

Kỳ diệu hơn, ông Thiên nói, việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, mang tính nhất thời và đơn lẻ, mà trường kỳ hàng chục năm. “Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế ‘mở’, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại - một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước”, TS. Thiên phân tích.

Chỉ có điều, với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy, đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”... Theo ông Thiên, “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023.

Xoay chuyển nghịch cảnh

Khi phân tích sự phát triển đầy nghịch lý của khu vực doanh nghiệp, TS. Thiên cũng nhìn thấy những nghịch lý không kém mà nền kinh tế đang đối mặt. Nền kinh tế khát vốn, nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn.

“Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển, có thể là luận chứng về trạng thái bất thường - khác thường của nền kinh tế hiện nay. Chúng giúp khẳng định rằng, chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên ‘bất động hóa’ các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành ‘động lực phát triển’, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn”, TS. Thiên phân tích.

Thực tế này đang không chỉ làm khó các kế hoạch tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế trong năm 2023 hay giai đoạn 2021 - 2025. Đây là điều TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi nhắc tới tỷ trọng 20% GDP, 73,4% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trong nền kinh tế.

“Nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm, thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như cao su - nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí...”, ông Hiển nói.

Công nghiệp chế biến - chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn, bài toán cải thiện năng suất lao động vẫn quá khó tiếp tục thách thức mục tiêu thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Nền kinh tế đứng trước câu hỏi động lực nào để tận dụng tối đa cơ hội trong không gian phát triển mới của cuộc cách mạng 4.0, các xu thế phát triển xanh, bền vững..., trong khi các động lực hiện hữu chưa được cải thiện.

“Giải pháp là ‘thông mạch, thông các nguồn lực’ để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Hai định hướng ưu tiên là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm”, TS. Trần Đình Thiên đề xuất.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, phải thể chế hóa quan điểm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Với góc nhìn này, TS. Cung cho rằng, phải thể chế hóa và đảm bảo thực thi các định hướng như xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh...

“Chúng ta phải thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu; phát triển được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế... Đây chính là điểm tựa để xoay chuyển nghịch cảnh, tạo nên động lực mới cho khu vực doanh nghiệp”, ông Cung khuyến nghị.

Như vậy, yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể chậm trễ để kiến tạo các nhân tố phát triển mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top