Doanh nhân Thái Hương và sứ mệnh phụng sự của kinh tế tư nhân
***
Mười năm trước tôi đặt chân đến vùng đất Nghĩa Đàn. Trong những nơi tôi từng đi qua và quan sát thấy trên truyền thông thì ít có nơi nào rộng mênh mông, hoang sơ và nghèo đến thế. Mùa Hè năm nay, Nghĩa Đàn đã khác. Người dân giàu hơn. Họ cười nhiều hơn và tôi cảm nhận được nét hạnh phúc trên khuôn mặt của họ.
Trong những ngày nắng nóng ngột ngạt nhưng Nghĩa Đàn thật dịu mát. Nắng Hạ trong veo và dịu nhẹ mùi thơm cây cỏ. Tầm mắt bằng phẳng như không có điểm cuối cùng. Bước chân đi như không muốn dừng lại. Tôi ước có thể đưa những người thân của mình đến đây để tận hưởng cảm giác này. Và tôi cũng ước những vùng đất nghèo khó khác sẽ may mắn được Tập đoàn TH và doanh nhân Thái Hương lựa chọn, đầu tư.
Với sự xuất hiện của Tập đoàn TH, những người nông dân đã dần trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất, khi lần đầu tiên được làm chủ công nghệ hiện đại. Từ đó, vị thế của chính người nông dân đã thay đổi sâu sắc.
Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại trang trại của Tập đoàn TH hồi tháng 7 vừa rồi, có hai chuyên gia trí tuệ trong hai lĩnh vực, kinh tế và khoa học chính trị mà tôi may mắn có cơ hội được học tập và làm việc cùng nhiều lần, đó là PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tình cờ là, cả hai ông đều là người con của quê hương xứ Nghệ và đều là thành viên của Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, cùng với Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược - người sáng lập Tập đoàn TH.
Người Nghệ An rất thẳng thắn, không ngại khen mà cũng chẳng ngại góp ý với ai. Chính vì thế mà ngay sau chuyến công tác, khi tôi đề xuất được trò chuyện để làm rõ hơn về con đường, phẩm chất và hình mẫu của doanh nhân Thái Hương và Tập đoàn TH đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thì TS. Nguyễn Sĩ Dũng lập tức đồng ý. Dù trước giờ, ông chưa bao giờ trực tiếp bàn luận về một doanh nhân cụ thể trước công luận. Và như tôi biết, ông cũng không phải người quá thân thiết và có mối quan hệ gắn bó gì với doanh nhân Thái Hương, ngoài việc cùng là Tổ viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.
- Thưa ông, trong cả năm lần trò chuyện với chúng tôi, Anh hùng Thái Hương đều mở đầu và kết thúc câu chuyện bằng cụm từ “Tình đất”. Nữ doanh nhân nói mình mắc nợ với đất, làm giàu từ đất và cách trả ơn cho cuộc đời cũng từ chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. PGS. TS. Trần Đình Thiên, người đồng hành cùng ông trong chuyến công tác Nghệ An vừa rồi, gọi bà Thái Hương là “tia lửa bùng cháy trên đất”, là người “vượt thoát khỏi những giới hạn cũ”. Ông nghĩ sao về lựa chọn khởi nghiệp từ đất, làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp và phương thức hành động của doanh nhân Thái Hương trong 10 năm qua?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thái Hương là doanh nhân có tầm nhìn. Tầm nhìn đó được thể hiện ở ba điểm:
Thứ nhất, khả năng nhìn thấy tiềm lực và cơ hội, vì rõ ràng nông nghiệp là thế mạnh từ ngàn đời nay của Việt Nam. Vì nhiều người làm nông nghiệp mãi mà không giàu lên được nhưng tiềm năng của nông nghiệp luôn rất lớn. Nếu doanh nhân có tầm nhìn thì chắc chắn sẽ thấy được tiềm năng và biết cách làm giàu từ nông nghiệp, đó là điều đáng quý.
Thứ hai, khả năng nhìn ra tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân là rất lớn, cộng với thị trường thế giới đầy cạnh tranh luôn rộng mở. Nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà không có thị trường và không quan tâm đến thị trường thì không thể lớn mạnh được.
Nếu không có tầm nhìn thì sẽ chỉ thấy khó khăn, không thấy cơ hội, vì khó khăn và cơ hội luôn đan xen. Rõ ràng trước đây, người Việt ít có thói quen uống sữa do hai nguyên nhân: Vì Việt Nam không có sữa, nhập khẩu lại đắt. Sữa hoàn toàn có thể trở thành thói quen của người Việt. Muốn vậy, cần phải truyền thông để sữa góp phần giải quyết vấn đề nòi giống của người Việt. Nếu truyền thông đúng và thực tế thì hoàn toàn tạo nên nhu cầu, thay đổi cách thức lựa chọn sản phẩm đồ uống của người Việt. Doanh nhân Thái Hương đã làm được điều đó.
Như vậy, trong bối cảnh đó đòi hỏi doanh nhân phải có tầm nhìn, có bản lĩnh, có phẩm chất của một doanh nhân dân tộc. Vì phẩm chất đầu tiên của một doanh nhân là khả năng chấp nhận rủi ro. Thường rủi ro cao thì thành công lớn. Đối với một doanh nhân, dám chấp nhận rủi ro là một phẩm chất lớn. Thái Hương hội tụ được điều đó, là người nhìn ra tiềm năng của vùng đất Nghĩa Đàn, Nghệ An, nhìn ra thị trường và giải quyết tốt mối quan hệ với người nông dân.
- Ngoài tầm nhìn nêu trên, ông có cảm nhận được tố chất gì đặc biệt trong con người doanh nhân Thái Hương?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tất nhiên, một doanh nhân sẽ có nhiều kỹ năng khác như: Biết huy động nguồn vốn, biết áp dụng công nghệ cao… Thực chất, khi đầu tư vào một dự án, TH phải huy động nguồn vốn rất lớn. Nhiều người nghĩ nguồn vốn đó đều đến từ Ngân hàng Bắc Á. Nhưng sự thực thì nguồn vốn chính lại do Tổng thống Israel Shimon Peres - người đoạt giải Nobel Hòa bình, quyết định tài trợ 100 triệu USD không cần thế chấp. Để có thể tiếp cận được nguồn vốn đó là sự thể hiện kỹ năng cần thiết của doanh nhân trong việc huy động nguồn vốn, việc lựa chọn công nghệ, việc tổ chức thực thi kế hoạch đầu tư, kinh doanh…
Bà Thái Hương cũng là người đầu tư rất lớn vào truyền thông. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, đó là truyền thông cho cộng đồng và vì cộng đồng. Các chương trình Vì tầm vóc Việt tác động trực tiếp đến thương hiệu của Tập đoàn TH và hình doanh nhân Thái Hương. Nhưng để thương hiệu có sức sống lâu bền, được người dân đón nhận trong hàng chục năm qua thì chất lượng sản phẩm là điều quyết định chứ không phải truyền thông.
Bên cạnh đó, cần phải đánh giá thêm rằng, đây là doanh nhân vừa có tài và vừa có tâm. Tâm xuất phát từ mục đích kinh doanh. Bà quyết định nuôi bò ở Nghệ An và làm nông nghiệp công nghệ cao không phải là để kiếm tiền mà có mong muốn phát triển vùng đất rất khó khăn của Nghệ An. Thái Hương muốn thúc đẩy phát triển kinh tế và thay đổi cuộc sống cho người nông dân vùng đất đó. Đó là động lực chính cho quyết định táo bạo và quyết tâm vượt khó của bà.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thái Hương đi theo một triết lý được cái tâm dẫn dắt, có những nét tương đồng với các doanh nghiệp của Nhật Bản. Đó là sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, khách hàng, để khách hàng được hưởng lợi. Trên cơ sở những lợi ích đó thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và làm giàu chính đáng. Cái giàu có, thu nhập là hệ quả của cách đối xử với khách hàng.
TH luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mục đích hướng tới sứ mệnh nâng cao tầm vóc việt. Nhiều doanh nghiệp cứ nói rất hay, bóng bẩy lắm nhưng cái tâm không phải; nhiều khi nói không đi đôi với làm. Nhưng TH thì khác.
Khi Thái Hương đưa ra thị trường những sản phẩm vượt trội thì sẽ giống những doanh nghiệp tại Nhật Bản và sự giàu có đó đến từ hệ quả của sự tử tế, của cái tâm trong sáng, hướng thiện.
Thái Hương là doanh nhân rất tích cực làm từ thiện ở rất nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Bà chủ yếu làm từ thiện một cách thầm lặng.
- Ông có nhắc đến việc Tổng thống Israel quyết định tài trợ nguồn vốn lớn cho Tập đoàn TH. Vì sao doanh nhân Thái Hương lại làm được điều đó, nhất là khi thuyết phục được Tổng thống của một nước như Israel tài trợ cho việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đầy rủi ro và khó khăn của Việt Nam?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ cơ sở để Tổng thống Israel quyết định chính là từ tầm nhìn, sự khéo léo và tử tế của bà Thái Hương. Cụ thể, bà Thái Hương đã mời được ngài Tổng thống thử sữa TH và theo cảm nhận trực quan thì ông ấy rất ấn tượng, thấy được sự khác biệt. Đó là cơ hội để nhận được sự trợ giúp, vì rõ ràng sản phẩm phải chất lượng thì mới đủ sức thuyết phục.
Nhưng sự khéo léo để thuyết phục ngài Tổng thống uống sữa và cảm nhận thực tế thôi chưa đủ. Thực chất, đằng sau đó là sự cố gắng, cách thức tiếp cận không ngừng nghỉ, uy tín và tầm nhìn tốt thì mới có được lòng tin. Trên thực tế, việc có thể gặp được ngài Tổng thống Israel đã là điều rất khó khăn.
- Là người Nghệ An, ông có cảm nhận gì khi chứng kiến sự đổi thay của xứ Nghệ nói chung và Nghĩa Đàn nói riêng, kể từ khi Tập đoàn TH đầu tư vào vùng đất này?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trong chuyến công tác gần đây về Nghĩa Đàn, tôi cảm nhận được TH đã sử dụng nhiều công nghệ cao trong sản xuất, không chỉ khâu nuôi và chăm sóc bò lấy sữa mà từ việc trồng cỏ, trồng ngô… cũng rất hiện đại. Đó là trình độ sản xuất đẳng cấp, thể hiện xu hướng công nghiệp trong nông nghiệp chứ không chỉ làm nông nghiệp truyền thống.
Khi áp dụng công nghệ thì năng suất tăng nhưng giải quyết việc làm cho người nông dân là một vấn đề không nhỏ. Hiện tại, đang có xu thế là nhiều người Nghệ An đi làm ở các tỉnh khác hoặc đi xuất khẩu lao động dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Năm 2021, “Nghệ kiều hối” lớn hơn toàn bộ thu hút đầu tư của tỉnh. Nghệ An thu được khoảng 19 nghìn tỷ đồng thì “Nghệ kiều hối” là 1 tỷ USD. Nếu tiếp tục theo xu thế đó thì việc cơ giới hoá của TH không thành vấn đề.
Trước đây, cũng ở cánh đồng đó thì có cả trăm người lao động, giờ chỉ có vài ba người. Những người được tuyển vào công ty sẽ được đào tạo để trở thành công nhân với mức lương cao. Trước đây, xu hướng này có lẽ sẽ trở thành vấn đề nhưng bây giờ thì không, vì công nghiệp hoá ở Nghệ An diễn ra rất mạnh. Ở góc độ tích cực, nếu tình trạng thiếu nhân lực tiếp diễn thì cơ giới hoá nông nghiệp của Tập đoàn TH sẽ góp phần quan trọng giải phóng được nhân lực lao động. Đó là xu thế lành mạnh.
Trong chuyến công tác tại Nghĩa Đàn, tôi rất ấn tượng và ghi lại được đoạn hội thoại giữa Thủ tướng, bà Thái Hương, một số nhà khoa học và người nông dân.
- Thủ tướng: Bác có thể cho biết cách làm của người nông dân ở đây là như thế nào?
- Người nông dân: Rất hiệu quả thưa Thủ tướng. Năm 2011, người nông dân liên kết với TH làm ngô sinh khối. Nếu làm ngô lấy hạt thì thời gian kéo dài 4 tháng, làm ngô sinh khối chỉ 3 tháng trở lại là cho thu hoạch. Như vậy, một năm có thể làm được 3-4 vụ ngô sinh khối.
- Thủ tướng: Nếu như chỉ trồng trọt thì thời gian kéo dài và có rủi ro. Còn trồng trọt trên cánh đồng mẫu lớn, kết hợp với chăn nuôi là thay đổi cơ bản nhất và tạo ra hiệu quả.
- Bà Thái Hương: Người nông dân là mắt xích quan trọng, TH quy tụ đất về và đưa giống, đưa công nghệ vào, kết hợp với chăn nuôi để tạo ra sản phẩm, năng suất cao hơn.
- Thủ tướng: Tức là phải có doanh nghiệp, có khoa học công nghệ, giống, tích lũy ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi thì mới có hiệu quả.
- PGS. TS. Trần Đình Thiên: Phải có doanh nghiệp dẫn dắt và sự đồng thuận của người dân.
- Thủ tướng: Tức là phải có sự kết hợp giữa người nông dân với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với nhà khoa học; giữa doanh nghiệp, người nông dân và thị trường; giữa sản xuất nhỏ nâng lên sản xuất lớn. Từ đó, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Cảm xúc lớn nhất của bác lúc này là gì?
- Người nông dân: Khi nhà máy TH hình thành trên vùng đất Phủ Quỳ này, người dân tự tin hơn trong sản xuất ngô sinh khối. TH bao tiêu sản phẩm, số lượng không hạn chế. Trong thời gian hợp tác, TH rất quan tâm, sát sao trong khuyến nông. TH hỗ trợ giống, công nghệ cho người nông dân.
- Thủ tướng: Chính sách an sinh xã hội được quan tâm như thế nào?
- Người nông dân: TH đặc biệt quan tâm hỗ trợ đến tất cả các gia đình chính sách và hỗ trợ đến những hộ dân khó khăn.
- Thủ tướng: Nói thì chỉ trong vòng mấy phút, nhưng thành quả này là kết quả của một quá trình rất dài, suốt từ Đại hội VI (1986) đến nay, khi Việt Nam bắt đầu Đổi mới. Đó là chặng đường hơn 35 năm, kiên trì thực hiện ba trụ cột chính: Xóa quan liêu bao cấp; xây dựng kinh tế thị trường nhiều thành phần và hội nhập quốc tế. Nền tảng là xây dựng nền dân chủ XHCN để phát huy tối đa trí tuệ tập thể, đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thứ ba là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt là chính sách an sinh xã hội, tức là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Bác thấy công lao của ai là lớn nhất?
- Người nông dân: Công lao là của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ạ.
- Thủ tướng: Ai là người làm chủ?
- Người nông dân: Là dân ạ.
- Thủ tướng: Vì người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Tất cả mọi người cùng cười giòn tan, khuôn mặt tràn đầy niềm tự hào và hạnh phúc.
- Ông nghĩ sao về câu trả lời của người nông dân trước Thủ tướng trên cánh đồng mẫu lớn ở Nghĩa Đàn?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta đã có sự thay đổi rất lớn trong chính sách và sự đồng hành của Nhà nước cùng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Và ngược lại, doanh nghiệp tư nhân đã chứng minh bản lĩnh, thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của mình và TH là minh chứng điển hình.
Từ chủ trương canh tác tập trung của doanh nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tập thể chuyển sang ủng hộ doanh nghiệp tư nhân là cả một quá trình thay đổi trong tư duy, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực chất, điều đó khẳng định tư nhân là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Trước đó, đã có những chính sách nới lỏng, đổi mới, với nhiều thành phần kinh tế. Từ đó, kinh tế tư nhân được công nhận và dần được coi trọng hơn. Từ Đại hội XII, kinh tế tư nhân chính thức trở thành chủ trương mới, tiên phong, là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đó là nền tảng chính trị, khẳng định rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, sau đó cũng trong nhiệm kỳ XII, đã có nghị quyết rất đột phá của Ban Chấp hành TW về phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Sau đó, Luật của Quốc hội đã trở thành nền tảng pháp lý. Khi vừa có nền tảng chính trị và nền tảng pháp lý thì doanh nghiệp tư nhân mới phát triển. Và từ đó, mới có những doanh nghiệp như TH và người nông dân mới có nhiều cơ hội và thành quả như vậy.
- Nhưng việc giải quyết mối quan hệ giữa người nông dân với doanh nghiệp chưa bao giờ là đơn giản. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quá phức tạp và gian nan, ở Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp làm được. Ngoài sự can đảm của một doanh nhân thì cũng cần sự quả cảm và cam kết đồng hành của chính quyền tỉnh Nghệ An trong câu chuyện của Tập đoàn TH?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ngoài những năng lực của bà Thái Hương thì để làm được như vậy là nhờ có sự đồng hành của chính quyền địa phương. Nếu không có sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền thì rất khó có thể thành công. Bởi vì đó là một quyết định dũng cảm về mặt chính trị của chính quyền, khi lấy đất nông trường để giao cho doanh nghiệp tư nhân. Đó là những người vượt qua giáo điều để thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Những người dũng cảm về mặt chính trị luôn cần cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội hiện đại nói chung.
Rõ ràng, những người đứng đầu tỉnh đã dám chấp nhận rủi ro, dũng cảm thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Nếu không có đất thì doanh nghiệp không có gì để làm, bởi đất đã chia hết cho dân. Sau này, khi bà Thái Hương đã làm được thì mới dễ thuyết phục người khác tin theo. Vì người dân sẽ tin vào những gì họ thấy, họ cảm nhận được chứ chỉ lý luận trên giấy thì người dân sẽ chưa tin.
- Bà Thái Hương nói với tôi rằng, chỉ khi nhìn thấy người nông dân hạnh phúc thì bà mới thực sự thấy hạnh phúc. Hạnh phúc nhất của bà là đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Ông có so sánh doanh nhân Thái Hương kinh doanh theo một triết lý được cái tâm dẫn dắt, có những nét tương đồng với các doanh nghiệp của Nhật Bản. Còn ở góc độ thể chế, có gợi mở gì để tạo dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển như doanh nghiệp của Nhật Bản hay không?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ở đây tôi muốn nói đến góc độ văn hoá nhiều hơn là thể chế. Văn hoá mình chưa thể đạt được giống với Nhật Bản. Có thể bà Thái Hương tiệm cận được với điều đó, còn đa số doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ là kinh doanh, làm ăn đơn thuần, chưa đạt đến độ phụng sự khách hàng, phụng sự xã hội. Người Nhật Bản luôn tin vào sản phẩm của nước họ, vì một khi đã làm là rất chuẩn mực và chất lượng. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, sức khoẻ người dân, thương hiệu quốc gia sẽ được nâng cao nếu ta có văn hoá phụng sự như văn hoá doanh nghiệp của Nhật Bản. Bà Thái Hương có thể đã làm được điều đó và Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp như thế.
Như vậy, có thể thấy vấn đề này nằm ở góc độ văn hoá nhiều hơn là thể chế.
- Từ câu chuyện của TH thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khả năng lập nên những kỳ tích, hay tạo nên được những thương hiệu, biểu tượng quốc gia hay không?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi tin doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có thể lập nên những kỳ tích. Tập đoàn TH của doanh nhân Thái Hương khởi nghiệp từ sữa tươi sạch TH true Milk, sau đó là hàng loạt thương hiệu thực phẩm, đồ uống được chế biến từ nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch, hữu cơ... Đó là hành trình xây dựng, vun đắp các sản phẩm gắn với chữ Thiện, vì sức khỏe cộng đồng. Đó là phạm trù của đạo đức.
Thực chất, thương hiệu quốc gia bao gồm rất nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp mạnh cộng lại chứ Nhà nước không thể thể đứng ra làm được. Về mặt thể chế, khi Nhà nước thúc đẩy những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chất lượng thì sẽ thúc đẩy sự phát triển thương hiệu của quốc gia. Đồng thời, thương hiệu quốc gia nằm ở khía cạnh văn hoá: Văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp… và các chuẩn mực đạo đức phải được tuân thủ.
Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích bằng thuế, tuyên dương, khen thưởng cho bất kỳ doanh nghiệp nào, miễn sao có chuẩn mực đạo đức tốt. Mỗi doanh nghiệp nên có một quy chế đạo đức riêng biệt của doanh nghiệp mình, mà quy chế đạo đức đó là thiêng liêng. Doanh nghiệp càng có thương hiệu thì quy chế đạo đức đó càng cần phải được tuân thủ tuyệt đối.
Ban đầu phải đặt ra chuẩn mực đạo đức rất cao, ví dụ như bất cứ một người nào vào học trường Đại học Fulbright thì đều phải tuyên thệ trung thực tối đa trong nghiên cứu, học tập.
Đối với doanh nghiệp thì có cần phải tuyên thệ như vậy không? Chúng ta cần các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong sản xuất hay trong bảo vệ môi trường. Nhân sự khi vào làm trong một doanh nghiệp thì phải tuyên thệ. Trong hợp đồng lao động cần có yêu cầu tuân thủ quy chế đạo đức của doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có được những thương hiệu, biểu tượng của quốc gia.
- Trong những lần chia sẻ với chúng tôi, doanh nhân Thái Hương vẫn đau đáu và luôn khát khao có một bộ chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiên phong đi vào những lĩnh vực khó và là mũi nhọn của quốc gia, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đề xuất này rất hợp lý nếu chiếu theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Nếu theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì Nhà nước có vai trò thúc đẩy, hoạch định chính sách. Nếu muốn đầu tư phát triển nông nghiệp thì Nhà nước phải có chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp lớn. Những lĩnh vực Nhà nước có thể thúc đẩy được một cách mạnh mẽ là truyền thông, thay đổi thái độ của người tiêu dùng Việt đối với doanh nghiệp Việt… Nhà nước hoàn toàn có thể có một chiến lược truyền thông và định hướng mạnh mẽ để ủng hộ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
- Thành công và đóng góp của TH là câu chuyện nổi bật của Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và hướng đến khát vọng đã đề ra. Ông có niềm tin ra sao về sứ mệnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất, các nước và vùng lãnh thổ đã hóa rồng ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và cả Singapore (ở Đông Á nhưng thực chất là văn hóa Đông Bắc Á) thì đó là mô hình nhà nước dẫn dắt, phát triển. Nhà nước hoạch định đường lối phát triển, tác động vào thị trường để hiện thực hóa đường lối của mình. Họ đều vươn lên mạnh mẽ nhờ những hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân. Ở đây có 2 vấn đề: Doanh nghiệp tư nhân có động lực để vươn lên và doanh nghiệp tư nhân không bị ràng buộc bởi thể chế của lĩnh vực công.
Như vậy, phải có không gian thể chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển và có chính sách sử dụng người tài. Có những lĩnh vực mà Nhà nước phải đầu tư mạnh mẽ hơn.
Với tầm nhìn xa hơn, thì đầu tư của Nhà nước trong nghiên cứu phát triển, nhất là khoa học, công nghệ là rất quan trọng.
Việc giao một sứ mệnh cho doanh nghiệp tư nhân khác với giao cho một cơ hội. Nếu chỉ giao cơ hội thì đối với những doanh nhân tỷ phú nhiều khi có thể là sự đánh giá thấp đối với họ. Ngược lại, khi giao cho sứ mệnh sẽ thúc đẩy họ cống hiến.
- Thưa ông, để giải quyết vấn đề như vậy nó nằm ở việc lựa chọn mô hình phát triển. Thực ra, việc lựa chọn mô hình phát triển chính là lựa chọn cách ứng xử với nền kinh tế, đúng không ông?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quá đúng. Bởi khi lựa chọn mô hình Nhà nước phúc lợi thì Nhà nước làm tất cả. Lựa chọn mô hình Nhà nước điều chỉnh thì Nhà nước làm ít nhất, thành thử người Mỹ thường nói nhà nước là một vấn đề chứ không phải giải pháp. Còn Nhà nước kiến tạo phát triển mà chúng ta đề cập tới là một giải pháp. Đây là những cách tư duy khác nhau và Việt Nam cần phải lựa chọn cho phù hợp.
- Khu vực kinh tế tư nhân có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nếu chúng ta không bảo vệ được những doanh nhân tư nhân chân chính thì chúng ta khó lòng có nền kinh tế tự chủ và phát triển. Chúng ta đang bảo vệ và cần bảo vệ doanh nhân, nhưng bảo vệ như nào và bằng cách nào để tránh sự hiểu lầm?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa nhiều. Những người có tố chất để trở thành doanh nhân lớn, có tầm nhìn vươn lên mạnh mẽ cũng không nhiều. Do một thời chúng ta chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ buôn bán kinh doanh được coi là thứ gì đó hạ cấp, cùng với những nghi kỵ. Đó là văn hóa ứng xử của một thời kỳ chưa khắc phục ngay được. Đó là một khó khăn và trở ngại của doanh nghiệp tư nhân. Bây giờ muốn bảo vệ họ, chúng ta phải xây dựng văn hóa mới, hệ thống giá trị mới chứ không thể bảo vệ một doanh nhân cụ thể.
Tiếp theo, phải có chiến dịch truyền thông để xây dựng văn hóa trân trọng doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân cống hiến, dẫn dắt, định vị nền kinh tế. Đó là những tài sản quý báu của nền kinh tế. Nếu không bảo vệ những người như vậy thì làm sao có nền kinh tế tự chủ và sự khác biệt được. Ví dụ, Bill Gate đã làm nên sự chuyển động khổng lồ của nước Mỹ.
Để bảo vệ doanh nhân thì Nhà nước phải có một chiến dịch truyền thông đúng đắn và thực chất, phải có sự vinh danh xứng đáng. Chúng ta muốn kinh tế Việt Nam, người Việt Nam có vị thế thì doanh nhân phải cạnh tranh, phải dấn thân. Và vì thế, cần có sự tôn vinh và bảo vệ những doanh nhân chân chính.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!