Aa

“Nghìn lẻ một” cách doanh nghiệp địa ốc xoay xở thời khó khăn

Thứ Sáu, 27/03/2020 - 13:48

Trên thị trường địa ốc hiện nay, tuỳ vào đặc thù loại hình doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo công ty đã phải căng mình lựa chọn các cách thức vận hành khác nhau nhằm giải quyết "cơn bĩ cực" trong mùa dịch Covid-19.

“Cắt giảm lương, khuyến khích nghỉ không lương…”

Từ hơn tháng nay, anh Nhật, giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại Nam Từ Liêm cho biết, đã buộc phải thực hiện chính sách cho nghỉ làm việc không lương với gần như toàn bộ nhân viên sales. Dịch Covid-19 xuất hiện, tâm lý khách hàng e ngại gia tăng dẫn đến toàn bộ hoạt động của công ty tê liệt.

Trước đó, với hy vọng rằng dịch Covid-19 có thể chỉ diễn ra trong khoảng 2 tháng đầu năm cùng việc không nỡ bỏ đội ngũ hai ba chục anh em bán hàng đã mất công xây dựng trong vài năm vừa qua, anh cùng một số lãnh đạo trong công ty đã "rút sạch" tiền túi để chi trả lương và các khoản chi phí hoạt động lên tới vài tỷ đồng.

Trong khi nguồn thu không có, các khoản nợ thuế, lãi vay ngân hàng dồn dập… khiến công ty này kiệt quệ về tài chính và buộc phải xoay xở bằng việc tạm thời cho thông báo nghỉ việc không lương. Tâm sự rằng đó là việc đặng chẳng đừng, anh Nhật đã phải viết tâm thư gửi các nhân viên, mong họ chia sẻ và đồng cam cộng khổ vượt khó cùng doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn này.

Không đến nỗi phải buộc cho tất cả nhân viên nghỉ không lương, nhưng lãnh đạo một đơn vị môi giới bất động sản có tiếng tại Hà Nội cũng cho biết, hiện nay đã cho nhân viên nghỉ hết để trốn dịch, chỉ còn lại dàn lãnh đạo công ty đến làm việc, nhưng vẫn chi trả lương cơ bản bình thường cho những nhân viên có hợp đồng chính thức.

"Hiện nay, một phần vì không có dự án, một phần dịch bệnh nên công ty cho nghỉ vì có đến cũng không có việc làm, lại có khả năng lây bệnh. Đến khi dịch bệnh được khống chế hẳn sẽ tuyển dụng nhân sự trở lại và tìm kiếm nguồn hàng”, lãnh đạo công ty này cho hay.

Tình trạng này không chỉ diễn ra với công ty nhỏ như công ty của anh Nhật, mà ngay cả với những sàn giao dịch lớn. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty Đất Xanh Miền Bắc, một trong những đơn vị phân phối lớn nhất miền Bắc lên tới cả ngàn người hiện tại cũng đã phải thực hiện cho phép nhân viên ở Hà Nội nghỉ không lương.

Mặc dù nhiều đơn vị thông báo các hoạt động kinh doanh vẫn được triển khai bình thường, nhưng số người tạm nghỉ hiện nay cũng đã chiếm tới 1/3 tổng nhân viên.

Thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong tổng số khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước.

Thậm chí, có doanh nghiệp cả năm không có dự án nào mới ra hàng, không có hoạt động gì nổi bật nên ban lãnh đạo phải kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác để lấy tiền cầm cự với thị trường. Một số công ty đẻ thêm các công ty con để kiếm thêm lợi nhuận bù vào khoản lỗ từ việc đầu tư nhà/đất.

Khó khăn tạo cơ hội vượt lên

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dịch Covid-19 trước mắt đã gây ảnh hưởng nặng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Song với bất động sản, tác động từ dịch chỉ là khó khăn tạm thời, về lâu dài không thể kìm hãm sự phát triển của thị trường. Hiện tại, nguồn cung bị nghẽn có thể khiến sức cầu bị nén lại. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các chủ đầu tư ra hàng, sức cầu sẽ bung ra với lượng khách hàng cơ hữu rất nhiều.

"Nhìn tổng thể về bản chất thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt, còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới. Vấn đề của doanh nghiệp lúc này là làm sao duy trì hoạt động, đảm bảo được nguồn lực chờ dịch bệnh lắng xuống để có thể nắm bắt những cơ hội mới", ông Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong cả chục năm gần đây. Thông thường, quý I hàng năm, lượng sản phẩm chào bán ra thị trường không cao bằng quý IV, song chưa bao giờ có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn giao dịch.

Thị trường thiếu nguồn cung, nhiều dự án đình trệ bởi quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, nay lại thêm dịch Covid-19 khiến ngành môi giới chịu cú đánh kép. Do ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại các sự kiện tụ tập đông người, toàn bộ các hoạt động chào bán, mở bán hoặc các buổi giới thiệu sản phẩm ra thị trường của chủ đầu tư lẫn nhà phân phối đều không thể thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Đính, đây cũng là lúc các doanh nghiệp địa ốc thể hiện sức sáng tạo và đo sự kiên trì bền bỉ tích lũy trong những năm vừa qua. Trên thực tế, các sàn môi giới có tiếng tăm đến bây giờ như Cengroup, Đất Xanh Miền Bắc, Maxland, Hải Phát Land… cũng đều trải qua những giai đoạn sóng gió. Khi đó, chính trong sự khó khăn này lại là cơ hội để các sàn bất động sản cơ cấu lại bộ phân nhân sự, nguồn lực tài chính để sẵn sàng đón nhận cơ hội ngay khi thị trường bất động sản hồi phục.

Theo ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Hải Phát Land, có lẽ đây là giai đoạn để doanh nghiệp dừng lại quan sát, nhìn lại những thiếu sót thời gian qua để từ đó cơ cấu lại hoạt động, chuẩn bị cho những bước đi kế tiếp. Trong đó, giải pháp đầu tiên phải tính đến là việc nghiên cứu tích hợp các mô hình bán hàng phù hợp.

Cụ thể, thay vì phương pháp bán hàng truyền thống trước đây là nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hay tổ chức các buổi bán hàng tập trung, thì hiện nay, hoạt động bán hàng chuyển sang hình thức online, vừa tránh được dịch lây lan, vừa đảm bảo khách hàng vẫn có thể giao dịch một cách an toàn. Ngoài phương thức bán hàng, ông Giang cũng cho biết, trong khó khăn chung của thị trường, doanh nghiệp còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng.

Trong báo cáo gần đây về triển vọng thị trường bất động sản của Savills cho biết, trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch cúm Covid-19 đã bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế trong nước, và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản như SARS trước đây. Tuy nhiên, dịch SARS xuất hiện vào thời điểm khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, khác với Covid-19 hiện tại khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển.

Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn. Về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top