Mới đây, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Theo như quy hoạch đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình sẽ là cảng hàng không bậc nhất phía Bắc, góp phần "chia lửa" hành khách và hàng hóa cho sân bay quốc tế Nội Bài.
Quy hoạch trước đó được Bộ Xây dựng phê duyệt, sân bay Gia Bình đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của ICAO), công suất khoảng 1 triệu hành khách mỗi năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn 2050, cảng sẽ đạt công suất khoảng 3 triệu hành khách mỗi năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Mặc dù vậy, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh, do công suất hành khách chưa phù hợp.

Vị trí triển khai xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Gia Bình.
Nguyên nhân do sân bay này được xây dựng nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài trong quá trình vận tải hàng hóa và hành khách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.
Do đó, việc mở rộng quy mô và công suất của sân bay Gia Bình được cho là cần thiết cho sự phát triển dài hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên tinh thần đó, Bộ Xây dựng đã tiến hành họp và điều chỉnh theo hướng giữ nguyên quy mô của sân bay nhưng nâng công suất của sân bay lên 5 triệu hành khách mỗi năm, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay tăng công suất lên 15 triệu hành khách mỗi năm.
Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.
Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Hiện nay, Vùng Thủ đô đang có một sân bay là sân bay quốc tế Nội Bài.
Sân bay Gia Bình được định hướng phát triển thành cảng hàng không thứ hai của Vùng Thủ đô Hà Nội, với quy mô lớn và chức năng đa dạng, vừa phục vụ mục đích quân sự, vừa đáp ứng nhu cầu hàng không dân dụng trong dài hạn.
Theo quy hoạch, sân bay sẽ có hệ thống sân đỗ trực thăng chuyên dụng phục vụ Trung đoàn Không quân Công an nhân dân, đồng thời quy hoạch khu sân đỗ máy bay dân dụng và chuyên cơ với tổng số khoảng 21 vị trí đỗ, dự kiến mở rộng lên đến 53 vị trí trong tương lai.
Đài Kiểm soát không lưu và trung tâm điều hành bay được bố trí tại phía Đông Bắc khu nhà ga hành khách, trên diện tích khoảng 1,33ha, đảm bảo kiểm soát không lưu hiệu quả và đồng bộ với tổng thể hạ tầng kỹ thuật.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Gia Bình. Ảnh minh họa
Một điểm nhấn trong quy hoạch là nhà ga VIP chuyên phục vụ chuyên cơ, được đặt ở phía Nam khu sân đỗ chuyên cơ, với quỹ đất khoảng 3,2ha, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp và đối tượng đặc biệt.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Gia Bình trong giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước tính trên 408ha, thể hiện định hướng đầu tư dài hạn, bền vững, đáp ứng vai trò chiến lược của sân bay trong mạng lưới giao thông Vùng thủ đô.
Ngày 3/3/2025, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung quy hoạch đối với Cảng hàng không quốc tế Gia Bình, thuộc quy hoạch ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung đề xuất, Bộ Công an cho biết quy hoạch chi tiết hiện hành của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đang xác định nhu cầu sử dụng đất khoảng 363,5ha, nhằm đáp ứng công suất khai thác đến năm 2050 với khoảng 1 triệu tấn hàng hóa và 3 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Đáng chú ý, trong quy hoạch cũng dự phòng phương án mở rộng nhà ga hành khách và ga hàng hóa, cho phép nâng công suất lên đến 2 triệu tấn hàng hóa và 5 triệu hành khách mỗi năm, tùy theo nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển trong tương lai.
Bộ Công an nhấn mạnh, việc nâng quy mô công suất của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình có ý nghĩa chiến lược trong việc giảm tải cho sân bay Nội Bài, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc.
Đồng thời, cảng hàng không này sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển hạ tầng hàng không theo hướng hiện đại, bền vững và đồng bộ.
Bộ Xây dựng đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trên cơ sở tiếp thu báo cáo thẩm định của Vụ Kế hoạch - Tài chính, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và các bên liên quan để tổ chức công bố, quản lý và triển khai quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm rà soát, cập nhật nội dung quy hoạch sân bay vào hệ thống quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan. Đồng thời, cần đảm bảo quản lý tĩnh không, cao độ xây dựng khu vực xung quanh cảng hàng không theo quy chuẩn kỹ thuật; nghiên cứu giải pháp thoát nước cho vùng phụ cận, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động vận hành sân bay trong tương lai.
Tỉnh cũng được yêu cầu bảo vệ và bố trí quỹ đất phù hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời lập kế hoạch sử dụng đất hợp lý, sẵn sàng cho các giai đoạn mở rộng khi nhu cầu tăng lên.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng giao Bắc Ninh có trách nhiệm đầu tư và hoàn thiện tuyến giao thông kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, đảm bảo năng lực khai thác, phát huy vai trò cửa ngõ hàng không phía Đông Bắc vùng Thủ đô.
Với định hướng và quy mô trên, sân bay Gia Bình sẽ là hạ tầng chiến lược thứ hai của vùng Thủ đô, sau sân bay Nội Bài, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho hệ thống hàng không quốc gia và thúc đẩy phát triển vùng kinh tế Bắc sông Hồng.
Dự án sân bay Gia Bình được khởi công xây dựng tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 10/12/2024 trên diện tích 125ha.
Sân bay Gia Bình ban đầu là sân bay nhằm phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên với quy hoạch mới trên, sân bay Gia Bình sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế.
Bắc Ninh là một phần của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam, đây cũng là tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Tính đến năm 2023, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong cả nước, với tổng diện tích tự nhiên chỉ 822,7km2, chiếm khoảng 0,15% diện tích của Việt Nam và nhỏ hơn 20 lần so với Nghệ An - tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, là 16.490,25km2. Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và nếu thành công, đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của Việt Nam.