Aa

Người chung cư sợ lửa

Thứ Ba, 20/06/2017 - 13:31

Một ngày sau vụ hỏa hoạn ở tòa tháp Grenfell Tower, tôi đến London trong một chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, tôi hủy hầu hết các dự định trong ngày của mình, chỉ để dành thời gian đến hiện trường vụ hỏa hoạn.

Ít nhất 17 người đã được xác nhận thiệt mạng, 80 nạn nhân khác đang điều trị trong đó 17 người trong tình trạng nghiêm trọng. Khi tôi đến, một kết cấu từng là tòa nhà hiện đại giữa khu Kensington tráng lệ, giờ chỉ còn là một hình thù khổng lồ đen đúa vẫn còn bốc khói giữa trời xanh. Nhân viên cứu nạn đang phải làm việc gấp gáp để tìm kiếm những nạn nhân mất tích, mặc dù hy vọng sống sót của họ hầu như đã không còn. Quanh đó, các tổ chức của chính phủ và các hội nhóm tình nguyện đang lập các trạm dã chiến và miệt mài hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng. Rất nhiều người đi đường như tôi cũng đến hiện trường để xem mình có đóng góp được gì không. Những bức tường tưởng niệm được dựng lên với rất nhiều hoa và nến cùng những lời nhắn gửi đầy xót xa cho các nạn nhân xấu số.

Một số nhân chứng cho biết chuông báo cháy của tòa chung cư không kêu.

Một số nhân chứng cho biết chuông báo cháy của tòa chung cư Grenfell không kêu.

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định. Nhiều nhân chứng sống sót thông báo rằng họ không hề nghe thấy tiếng chuông báo cháy, cũng như không tìm thấy những phương tiện cứu hỏa cơ bản để đối phó. 

Phòng chống hỏa hoạn trong các tòa nhà công sở và dân sự ở Anh là vấn đề vốn mang tính nguyên tắc rất cao. Khi bước vào phòng khách sạn mà tôi đặt ở London, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là bảng hiệu hướng dẫn những hành động khẩn cấp trong tình huống hỏa hoạn. Khi tôi làm việc ở tầng 11 tòa nhà Đại học Aston, chuông báo cháy giả định thường xuyên réo lên để buộc mọi người phải thực hành sơ tán. Có những hôm mùa đông cả tòa nhà bị sơ tán, mọi người không ai được cầm theo thứ gì, nên rất nhiều người đứng co ro trong giá lạnh giữa sân trường. Ở căn hộ mà tôi đang sống tại Birmingham, thỉnh thoảng việc nấu nướng làm khói bốc lên hơi nhiều thì hệ thống báo cháy lập tức hoạt động reo hú inh ỏi. Mặc dù các tình huống báo cháy giả định thường lặp đi lặp lại nhiều lần, mọi người vẫn tuân thủ nghiêm ngặt để hình thành một phản xạ tự nhiên, trở thành một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn. Những ví dụ trên cho thấy hệ thống phòng chống hỏa hoạn ở Anh được thiết kế và hoạt động rất tốt để ngăn ngừa tất cả những nguy cơ nhỏ nhất dẫn đến hỏa hoạn. Chính vì thế, vụ cháy tòa tháp Grenfell là một bất ngờ quá lớn và làm bàng hoàng rất nhiều người.

Grenfell cũng là tòa nhà có giá thuê rất cao ở London, nằm ngay khu North Kesington, là một trong những quận trung tâm ở London. Cả tòa nhà được xây dựng từ những năm 1970 này vừa được đầu tư gần 10 triệu bảng Anh để duy tu và bảo trì. Nhiều nguồn tin điều tra còn cho thấy nguy cơ hỏa hoạn tại Grenfell đã được cảnh báo từ rất lâu và thường xuyên nhưng không được coi trọng đúng mức. Vụ cháy được coi là một thảm họa sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra. Tại sao những cảnh báo sớm không được coi trọng và tại sao các hệ thống phòng chống hỏa hoạn của một tòa chung cư cao cấp không hoạt động hoặc không được trang bị... là những câu hỏi cần phải được làm rõ bằng các cuộc điều tra toàn diện, theo như các lời kêu gọi của các nghị sĩ quốc hội Anh.

Grenfell chắc chắn cũng là nỗi ám ảnh cho người dân Việt Nam, đặc biệt là những người đang sống tại TP HCM, Hà Nội - hai đô thị mà những ngôi nhà cao ngất ngưởng mọc lên từng ngày để phục vụ dòng người khổng lồ đổ ra thành phố. 

Theo một thống kê năm 2011, Hà Nội có tỷ lệ nhà chung cư lớn nhất cả nước, cũng là nơi hỏa hoạn rình rập từng ngày từng giờ. Tôi đã tìm hiểu, so sánh bộ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy của Việt Nam với một số quốc gia phát triển và nhận thấy bộ tiêu chuẩn của chúng ta chi tiết và chặt chẽ không khác gì các quy định của thế giới. Chẳng hạn, các căn hộ cao tầng phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau: “Cửa đi, cửa sổ và cổng ở tường ngăn cháy phải làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn 45 phút”. 

Nhưng thực tế thì sao? Bạn bè tôi, người thân của tôi vẫn đang sống trong những căn hộ có những cánh cửa bằng gỗ, thậm chí không có các thiết bị chữa cháy. Tiêu chuẩn quy định trong giấy tờ văn bản là một chuyện, quá trình giám sát, phê duyệt lại là một chuyện rất khác. Trong một đợt thanh tra mới đây, Hà Nội có tới 79 công trình xây dựng vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. 78 trong số đó đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Kể cả những công trình đã nghiệm thu, tôi cũng không chắc chúng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về an toàn cháy nổ khi các chủ đầu tư tìm mọi cách tiết kiệm chi phí. Họ có những "giải pháp" ít tốn kém hơn để lách qua cửa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Nhu cầu khẩn thiết về một nơi để “chui ra chui vào” cùng ý thức hạn chế của người dân cũng khiến cho những yêu cầu về phòng cháy bị lơ là. Người ta bán hàng ăn, quạt chả, đun bếp than nghi ngút bên cạnh một cửa hàng buôn bình gas; Người ta bố trí các trạm xăng ngay dưới chân các tòa nhà chung cư; Còn các gia đình vô tư đốt hương, vàng mã mồng một, ngày rằm.

Ngay lúc này, bạn có thể tìm thấy trên mạng danh sách của hàng chục tòa chung cư, với cả nghìn căn hộ và hàng nghìn cư dân đang ngang nhiên hoạt động mà không hề đáp ứng được các yêu cầu PCCC.

Một chiếc tủ lạnh chập điện vừa bị nghi ngờ có thể là thủ phạm thiêu rụi cả tòa nhà Grenfell. Đây mới chỉ là nghi vấn. Nhưng tôi tin rằng, với những điều kiện phòng chống cháy sơ sài, với ý thức kém cỏi của người sử dụng, thì dù ở Anh hay ở Việt Nam, một chiếc tủ lạnh, một nén hương rằm hay một lò than quạt chả… đều có thể biến mọi thứ thành tro bụi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top