Sốt đất không phải là mới trên thị trường BĐS bởi nước ta đã có 4 đợt sốt đất từ năm 1993 trở lại đây. Vậy, nguyên nhân của việc sốt đất do đâu? Đối tượng nào hưởng lợi? Thấy gì từ sau những cơn sốt đất?
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sốt đất gắn với mấy yếu tố: đưa giá đất về với giá thị trường, điều chỉnh các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế ở những điểm lấy đất gắn với sự gia tăng giá trị đất, gắn với nhu cầu của người dân về sở hữu cải thiện chất lượng sống gắn với nhà ở của mình. Cuối cùng là các chiêu thức đầu cơ, tin đồn, bất cập trong những thông tin không công khai, minh bạch.
“Tùy từng địa phương, từng thời điểm, các yếu tố nói trên hội tụ lại tạo nên những cơn sốt đất. Nhưng về cơ bản những cơn sốt đất hiện nay không còn lan tỏa toàn vùng như ngày trước mà chỉ còn một địa điểm nào đó, nhỏ hẹp hơn, thời gian nhanh hơn”, vị chuyên gia nhận xét.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không bao giờ triệt tiêu được những cơn sốt đất vì ở bất cứ thời điểm nào thì giới “cò đất”, những nhà môi giới đều có nhiều cách để làm giá. Mặc dù người dân đã có hiểu biết và có thông tin nhiều hơn, nhưng thông tin thân cận khác từ bạn bè, hàng xóm ảnh hưởng đến người dân rất nhanh chóng, lợi dụng tình trạng đó, giới môi giới “thổi phồng” giá đất lên.
Đồng quan điểm, ông Phong khẳng định, không thể dập tắt được tất cả những cơn sốt đất, đây như những hiện tượng kinh tế thị trường nhưng có thể cải thiện, điều chỉnh hướng của nó trên cơ sở công khai các quy hoạch, minh bạch các thông tin nhất là thông tin dự án.
Vậy, đối tượng nào sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất sau những cơn sốt đất?
Ông Phong cho rằng, có hai nhóm hưởng lợi lớn nhất, một là những người có thông tin mà giấu giếm để mật báo cho người thân hoặc tự mình đi mua bán.
Thứ hai là nhóm tạo sóng, đầu cơ chi phối thị trường, khi nào thích lên thì tạo sóng lên mọi người ùa nhau mua, khi nào thích hạ xuống thì cho hạ mọi người lại tự bán rẻ.
“Tóm lại, quyền lợi liên quan đến 2 nhóm: Nhóm người có thực quyền về mặt quản lý nhà nước và nhóm người đầu cơ trên thị trường”, ông Phong nói.
Thấy gì và cần làm gì sau những cơn sốt đất?
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, khi giá đất lên nhanh, lên cao có hiện tượng “bong bóng” trong đó, nếu đổ xô vào đầu tư ở những nơi có “bong bóng” thì thiệt hại nắm chắc trong tay. “Bong bóng” có thể “nổ” bất cứ lúc nào, mua với giá cao nhưng giá xuống thấp không kịp trở tay bán.
“Thường giá đất tăng lên khoảng 20% trở lên trong thời gian ngắn là những hiện tượng cần thận trọng khi đầu tư vào khu đó, bởi có thể do môi giới tự “thổi giá””, ông Hiếu nêu dấu hiệu.
Cũng theo ông Hiếu, tất cả các thành phần tham gia vào thị trường có “bong bóng” đều chịu thiệt hại, kể cả ngân hàng. Song, người thiệt hại đầu tiên là người đầu tư, trong đó có dân chúng. Tâm lý của những nhà đầu cơ, ăn xổi muốn tung tiền vào một miếng đất nào đó đến khi giá xuống nhanh thì chính họ là nạn nhân của việc đầu cơ. Ngay cả những người đầu cơ có nhiều kinh nghiệm, có tiền nhưng họ cũng chính là nạn nhân của họ khi rơi vào vòng xoáy của đầu cơ do lòng tham của họ.
Còn theo ông Phong, cần kiểm soát tất cả hoạt động phao tin, đầu cơ đất mang tính chất nhũng nhiễu thị trường theo những quy định cạnh tranh cũng như quy luật về kiểm soát hoạt động đầu cơ.
“Quan trọng hơn phải tăng cường tuyên truyền, cấp chính quyền địa phương nơi sốt đất cần nhảy vào cuộc ngay, công bố rộng rãi các thông tin dự án để đảm bảo minh bạch, khi công khai thì sẽ điều chỉnh nhanh, chứ nếu ù mờ để cố tình “đục nước béo cò” mới tạo ra sốt đất. Sốt đất rất nguy hiểm, gắn liền với nợ xấu, đổ vỡ hoạt động đầu tư, đầu cơ đất và sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng, có thể dẫn đến khủng hoảng như ở Mỹ, Thái Lan”, ông Phong nói.
Ông Hiếu còn cho rằng, cần có Trung tâm quản lý đất đai, từ trung tâm đó có những chi nhánh đi đến từng địa phương để có những thông tin chính thống, chính xác cho người dân thì mới có thể giảm tình trạng sốt đất.