Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào vận hành năm 2026 sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Để chuẩn bị cho sân bay lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động, địa phương đang tích cực triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Dự kiến năm 2026, sân bay Long Thành sẽ hoàn thành năm 2026. Ảnh: Internet
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là giúp học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn, đặc biệt là những hộ bị thu hồi đất, đáp ứng cao nhất các yêu cầu về nhân lực khi sân bay đi vào khai thác.
Theo kế hoạch, Đồng Nai đặt mục tiêu đào tạo và hỗ trợ việc làm tại sân bay Long Thành cho 4.800 lao động thường trú trên địa bàn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2024-2026 sẽ đào tạo theo hình thức lồng ghép cho 1.600 người, còn giai đoạn 2027-2030 kết hợp giữa đào tạo lồng ghép và đặt hàng đào tạo cho 3.200 người.
Quá trình thực hiện sẽ gắn kết cung - cầu lao động, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng và các tổ chức hàng không trong và ngoài sân bay Long Thành. Địa phương cũng ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn ngành hàng không.

Các hộ gia đình bị thu hồi đất phục vụ dự án sẽ được ưu tiên đào tạo nghề, làm việc tại sân bay. Ảnh minh họa
Đề án hướng đến nhóm lao động có nhu cầu làm việc tại sân bay Long Thành, bao gồm học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đáp ứng yêu cầu sức khỏe, cũng như các đối tượng có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp đang thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại Đồng Nai. Đồng thời, tỉnh ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động địa phương, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ và hộ bị thu hồi đất.
Lĩnh vực đào tạo nhân lực phục vụ sân bay Long Thành được chia thành 5 nhóm chính gồm: hàng không, quản lý bay, vận tải hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không và cảng vụ hàng không với tổng nhu cầu 13.769 lao động. Ngoài ra, đề án còn mở rộng đào tạo các ngành dịch vụ liên quan như logistics, nhà hàng, khách sạn, thương mại, tài chính - ngân hàng, du lịch và lưu thông hàng hóa.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 121 tỷ đồng, trong đó vốn vay hỗ trợ cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2024-2030 là 72 tỷ đồng. Việc triển khai đề án không chỉ đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sân bay Long Thành mà còn góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt là những hộ bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển hạ tầng tại địa phương.