Aa

Thanh Hóa: Người dân mong chờ chính quyền quyết liệt thu hồi dự án treo

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 16/08/2022 - 06:06

"Dự án treo", "quy hoạch treo" làm suy giảm kinh tế địa phương, làm chậm đà phát triển của khu vực, gây mất niềm tin của nhân dân và thiệt hại kinh tế hộ gia đình.

Động lực để thu hồi dự án treo

Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã đôn đốc thu hồi lại các dự án “treo” nhưng dường như số các dự án “treo” lại mỗi ngày một nhiều lên.

Những năm trở lại đây tỉnh Thanh Hóa đã ra hàng loạt Quyết định thu hồi những dự án được giao đất quá thời hạn cho phép, trong đó có những quyết định cứng rắn như thu hồi những quỹ đất công có vị trí đắc địa nhưng vi phạm pháp luật, đó là những tín hiệu rất tốt và đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, còn không ít dự án có thâm niên “treo” hàng chục năm nhưng tỉnh Thanh Hóa “khó” thu hồi vì vướng quy định, cơ chế hoặc nhiều lý do khác. Việc giao “đất vàng “cho các nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích thương mại nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng thì phải thu hồi, kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được thì vẫn phải tiến hành thu hồi song việc thu hồi những dự án này tại Thanh Hóa đến nay vẫn chưa thực hiện triệt để. Ví dụ: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn treo gần 20 năm, dự án khu dân cư CL8, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa treo 17 năm...

Nhằm khắc phục tình trạng, đẩy mạnh hơn nữa công tác xử lý, thu hồi các “dự án treo”, “quy hoạch treo”, ngày 13/7/2022, Chính phủ ban hành Công văn 4358/VPCP-CN, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp đồng bộ, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại. Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Thanh Hóa: Người dân hy vọng chính quyền quyết liệt thu hồi dự án treo!
Thanh Hóa tiến hành rà soát đối với các dự án đầu tư đã được UBND cấp huyện chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”, “quy hoạch treo”, ảnh chụp dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn. (Ảnh: Viết Huy).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ban hành Quyết định số 2019/QĐ- UBND thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn do Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang làm tổ trưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện. Trên cơ sở kết quả rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án, nhất là chấm dứt hoạt động, thu hồi các dự án vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng… nếu đủ điều kiện.

Tiếp đến, ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 11527/UBND-CN yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tập trung khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo”.

Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn và theo nhiệm vụ, chức năng quản lý để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; trường hợp cần thiết điều chỉnh quy hoạch thì xác định loại hình điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Rà soát đối với các dự án đầu tư đã được UBND cấp huyện chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”, “quy hoạch treo”.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa qua, ông Đỗ Trọng Hưng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa phải sớm thu hồi các dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai.

Theo đó, ông Đỗ Trọng Hưng cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, gồm các dự án được giao đất, cho thuê đất trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm pháp luật về đất đai.

Cần lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án... Không chấp nhận nhà đầu tư không bảo đảm nguồn vốn và năng lực hoàn thành đầu tư dự án, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư.

Xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất, không để tái diễn tình trạng không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời; đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc quản lý, sử dụng đất đầu tư các dự án.

Như vậy, với những chính sách cụ thể, giải pháp cụ thể, hành động cụ thể, việc kiểm tra, rà soát, thực hiện chấm dứt giấy phép đầu tư, thu hồi dự án chậm tiến độ (dự án treo, quy hoạch treo) được người dân tỉnh Thanh Hóa hy vọng sẽ được các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa xử lý quyết liệt, tiến hành một cách nghiêm túc, triệt để.

Loạt dự án bị tỉnh Thanh Hóa thu hồi

Vấn đề về thu hồi dự án đầu tư do chậm tiến độ, việc lựa chọn, chấp thuận chủ trương chủ đầu tư không đúng quy định và đề xuất thu hồi dự án do vi phạm... được đại biểu đặc biệt quan tâm trong ngày làm việc thứ 2, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82ha.

Thanh Hóa: Người dân hy vọng chính quyền quyết liệt thu hồi dự án treo!
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa thực hiện Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy Vinaxuki, địa chỉ tại 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc có diện tích 46ha. (Ảnh: QH).

Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án (trong đó, có 197 dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, chiếm 12,18 % tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn) đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013, (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay).

Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.

Đơn cử, như mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Lê Đức Giang đã ký quyết định về việc thu hồi khu đất “vàng” hơn 2,2ha của Nguyễn Kim sau khi người sử dụng đất tự nguyện trả.

Tiếp theo, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa thực hiện Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy Vinaxuki, địa chỉ tại 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc có diện tích 46ha.

Cuối cùng, cũng trong thời gian vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Khu công nghiệp Hoàng Long.

Hay như ngày 5/8/2022 gần đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2656/QĐ-UBND thu hồi 89.912,05m2 của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện tự nguyện trả lại cho tỉnh quản lý tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn)...

Cần sự quyết liệt từ chính quyền

Việc tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thu hồi loạt dự án vi phạm trên đã phần nào làm trong sạch môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời tạo dư luận tốt trong xã hội, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đất…

Dư luận hoan nghênh với cách làm cứng rắn, sự quyết tâm loại bỏ những “khối u” dự án treo, dự án vi phạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh còn hàng chục dự án treo, dự án vi phạm pháp luật đất đai chưa bị xử lý, thu hồi.

Cụ thể, tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 6/3/2022, có tất cả 67 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai phải đăng công khai. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp vi phạm bị nêu tên công khai có gần 60 dự án chậm tiến độ đầu tư. Còn lại là các trường hợp không sử dụng đất liên tục.

Các dự án có diện tích vi phạm lớn phải kể đến như: Dự án Trường Trung học dân lập kỹ thuật Visco của Công ty Cổ phần VNJ, diện tích 125.928m2 tại Phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa; Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dịch vụ truyền thông LKC Việt Nam, diện tích 95.000m2 tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và xây dựng trang trại tổng hợp của Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Phú Lộc, diện tích 77.322m2 tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; Dự án xây dựng trạm dừng nghỉ và dịch vụ hậu cần quốc tế (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng có diện tích hơn 64.470m2 tại xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn…

Hay như còn hàng chục “dự án treo” mà báo chí đã phản ánh là gây bức xúc trong nhân dân nhưng đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có biện pháp thu hồi, xử lý triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Thanh Hóa: Người dân hy vọng chính quyền quyết liệt thu hồi dự án treo!
Do bị mắc kẹt trong vùng quy hoạch dự án, cuộc sống của người dân sống tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp toàn Tích Thiện (phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn) lâm vào cảnh khó khăn khi thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản như xây dựng, sửa chữa nhà cửa, cấp sổ đỏ đất đai, nhu cầu nước sạch... (Ảnh: Viết Huy)

Đơn cử như dự án "treo" hơn 20 năm đó là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn. Dù dự án này được chấp thuận từ lâu nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, hàng chục nghìn m2 rừng phi lao chắn sóng bị chặt bỏ không thương tiếc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của cư dân địa phương mỗi khi mưa bão đến. Phải chăng dự án được ưu ái một cách đầy khó hiểu?

Theo phản ánh của người dân sống tại dự án này cho biết, năm 1994, Nhà nước có chủ trương quy hoạch khu vực này để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn.

Theo Quyết định số 1642/QĐ-UB, năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi đất tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn) giao cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện (có địa chỉ: 125 phố Trúc Bạch - phường Trúc Bạch - quận Ba Đình - Hà Nội) thuê để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng diện tích đất 60.345m2 được cho thuê trong thời hạn 50 năm.

Tuy nhiên, Công ty Toàn Tích Thiện không thực hiện dự án theo đúng tiến độ. Do đó, tháng 1/2007, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi đất giao cho UBND xã Quảng Vinh quản lý.

Đến năm 2009, tỉnh Thanh Hóa một lần nữa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện làm chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn (tên thương mại Mai Trang Resort Sầm Sơn), sau đó được đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện.

Sau gần 1 thập kỷ dự án không triển khai, đến năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện, theo đó, dự án sẽ được lùi thời gian khởi công xây dựng đến tháng 10/2018, hoàn thành dưa dự án vào hoạt động trong tháng 12/2020.

Tháng 11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao hơn 22.540m2 đất đợt 1 cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện để thực hiện dự án trên. Tháng 7/2019, Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tại dự án này. Sau đó, đến tháng 9/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chấp thuận chủ trương trên.

Như vậy, tính từ năm 2004 đến nay đã 18 năm, dù nhiều lần được tỉnh Thanh Hóa ưu ái, gia hạn thời gian triển khai nhưng dự án đến nay vẫn nằm trên giấy.

Do bị mắc kẹt trong vùng quy hoạch dự án, khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn khi thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản như xây dựng, sửa chữa nhà cửa, cấp sổ đỏ đất đai, nhu cầu nước sạch...

“Người dân chúng tôi bao nhiêu năm qua cứ như mất quyền công dân vậy, sống vật vờ tạm bợ, đất đai không sổ đỏ có muốn vay tiền ngân hàng để làm ăn, sản xuất cũng không được. Con cái dựng vợ gả chồng muốn làm cái nhà ra ở riêng cũng không xong, gia đình 3 - 4 thế hệ chen chúc trong những căn nhà dột nát, rất khổ. Mong Nhà nước hoặc sớm thu hồi dự án để người dân đỡ khổ”, ông Phan Viết Khôn (phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn) bức xúc nói.

Qua khảo sát của phóng viên Reatimes cho thấy, đa số người dân đều bày tỏ mong muốn cấp chính quyền sớm rà soát lại các dự án, xét thấy cần thiết thì tạo cơ chế thực hiện sớm; còn với những dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện (xin dự án để giữ đất) thì mạnh dạn thu hồi để trả lại quyền lợi cho người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top