Dự án kéo dài hàng chục năm
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng dự án. Trong đó, nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, không ít dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện, một số dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục, điều chỉnh tiến độ thực hiện nhiều lần. Cũng có những dự án thực hiện không đảm bảo quy mô, mục đích đầu tư đăng ký ban đầu, nhiều nhà đầu tư cố tình chây ì không thực hiện dự án dẫn đến tình trạng dự án "treo" kéo dài hàng chục năm.
Theo luật sư Phạm Hùng Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hợp Danh Hoàng Gia, Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa thì pháp luật không quy định khái niệm thế nào là quy hoạch treo hay dự án treo. Tuy nhiên, có thể hiểu quy hoạch treo hay gọi chính xác là quy hoạch sử dụng đất treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định, ghi trong kế hoạch sử dụng đất cho một hoặc nhiều mục đích khác nhau, đã có công bố sẽ thu hồi để thực hiện kế hoạch nhưng vẫn không thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch thì gọi là quy hoạch treo.
Để thực hiện các quy hoạch đã duyệt, người ta cụ thể hoá bằng các dự án, tiểu dự án. Nếu dự án đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho đầu tư vào khu vực phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Khoản 8, Điều 49, Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định như sau: "Diện tích đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, đã công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc chuyển mục đích sử dụng mà hết 3 năm không có quyết định thu hồi, hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất".
Cũng có thể hiểu, thời gian thực hiện dự án theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo từng dự án cụ thể kể từ khi có công bố quy hoạch sử dụng đất hàng năm mà: Không thực hiện kế hoạch sử dụng đất và cũng không công bố điều chỉnh, hủy bỏ, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất trên.
Dự án treo là các dự án mà chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện xong các thủ tục đầu tư như: Được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, đã có Quyết định thu hồi đất để triển khai dự án… Nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai dự án hoặc chỉ làm qua loa, đình trệ tùy thuộc vào thời gian thực hiện của từng dự án và không quá 3 năm.
Những cái tên tiêu biểu trong hàng chục dự án du lịch chậm tiến độ tại Thanh Hóa có thể kể tới như: Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (Tổng Công ty Bất động sản Đông Á); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện (phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn); Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang (Công ty TNHH SOTO); Dự án Trung tâm dạy nghề y tá điều dưỡng quốc tế tại Quảng Xương;....
Các chuyên gia bất động sản nhận định, nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ quy hoạch, tư vấn quy hoạch chưa đủ năng lực, thiếu hoặc yếu về chuyên môn dẫn đến các dự án không đảm bảo cũng như không phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội, định hướng phát triển lâu dài của địa phương.
Các dự án quy hoạch treo do không tính toán toàn diện về nguồn tài chính, biến động kinh tế - xã hội, môi trường, giao thông dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, gây tốn kém nhưng vẫn không thể thực thi được.
Bên cạnh đó, tiến độ triển khai không đảm bảo kế hoạch, việc quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép, lấn chiếm đất, tăng chi phí bồi thường... nên sau thời gian nhà đầu tư không còn khả năng thực hiện hoặc lo ngại cho dự án không được sự quan tâm đúng mức dẫn đến dừng và bị treo dự án.
Việc quy hoạch nhiều dự án gây ra tình trạng chồng chéo, không thống nhất nên không thể thực hiện. Năng lực tài chính của nhà đầu tư không phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Việc thu hồi đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo lợi ích giữa người dân và chính quyền, nhà đầu tư nên khó khăn khi thực hiện dự án.
Ngoài ra, một số dự án chủ đầu tư chỉ xây dựng cầm chừng hoặc không tiến hành xây dựng mà chờ thời điểm giá bất động sản tăng để chuyển nhượng nhằm thu lợi nhuận.
Rất nhiều bất cập!
Hậu quả của quy hoạch treo, dự án treo là gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của chính quyền, đời sống của nhân dân và làm chậm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội vì không phát triển theo định hướng, không bắt kịp hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất mà các dự án treo, quy hoạch treo còn làm đảo lộn các vấn đề xã hội, thiếu hụt cơ sở hạ tầng công cộng như trường học, y tế... Dân cư sống trong vùng có quy hoạch treo thường chịu thiếu thốn về cơ sở vật chất, kế hoạch định hướng lâu dài, chậm phát triển kinh tế.
Được biết, năm 2018, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 85 dự án, trong đó, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đối với 51 dự án; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ra quyết định thu hồi 34 dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất của 28 dự án trong năm 2019.
Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tạm dừng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn (trừ các dự án đề xuất thực hiện trong khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các huyện trong danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư).
Đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, không đảm bảo quy mô, mục đích đầu tư đã đăng ký và vi phạm các quy định khác, nếu đủ điều kiện thu hồi đất thì kiên quyết thực hiện trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi đất theo quy định.
Còn đối với các dự án thương mại, dịch vụ có quy mô nhỏ, các dự án có chủ đầu tư không đủ năng lực, không triển khai thực hiện, các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước ngày 30/9/2017 nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đã hết thời gian hiệu lực pháp lý của quyết định thì không được gia hạn thêm thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại không ít những dự án đã được chấp thuận đầu tư hơn ¼ thế kỷ gây ra không ít hệ lụy, cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà những dự án này vẫn được “ưu ái” cho tồn tại mà không hề bị thu hồi?.
Hay việc thu hồi đất của các dự án “treo” này là câu chuyện phức tạp bởi còn những vấn đề nhất định về khung chính sách pháp luật, giá đền bù, đặc biệt là việc thu hồi các dự án sau chuyển nhượng đã và đang được triển khai xây dựng.
Việc thu hồi dự án hay không thu hồi dự án "treo" còn phụ thuộc rất lớn từ "tinh thần" của các cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, từ những thực tế tại những dự án treo này cho thấy, hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án treo, quy hoạch treo rơi vào cảnh mất đất, mất nhà, nhà cửa không được phép sửa chữa, xây mới, thiếu nước sạch để sinh hoạt, con cái trưởng thành nhưng không được chuyển nhượng đất, đất đai không được cấp quyền sử dụng đất,… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.
Không những vậy, dọc theo tuyến bờ biển dài hơn 100km tại Thanh Hóa có không ít dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng được chấp thuận chủ trương đầu tư từ hàng chục năm qua, có những dự án lên đến 20 - 25 năm nhưng chủ đầu tư không tiến hành xây dựng mà chỉ tiến hành chặt hạ rừng phi lao, san ủi bằng phẳng cồn cát chắn sóng thành bình địa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Huy Ba, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện tỉnh Thanh Hóa tồn tại hàng chục dự án treo, quy hoạch treo, nguyên nhân là do năng lực tài chính của nhà đầu tư yếu, chính sách pháp luật đất đai chồng chéo,... gây nên rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất, đồng thời, người dân sống trong vùng dự án này lâm vào cảnh đi không được, ở không xong, khó khăn vô cùng.
Thế nhưng, việc thu hồi dự án treo, quy hoạch treo lại không hề đơn giản. Để thu hồi được những dự án này thì cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ hoặc kiên quyết thu hồi những dự án có vi phạm về pháp luật đất đai".
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phường Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn): “Gia đình tôi cũng là một trong những hộ chịu án “đày đọa” bởi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện được lập quy hoạch từ những năm 1994 của thế kỷ trước. Nhưng đến nay, sau hơn 20 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi hàng chục hộ dân chúng tôi phải sống trong hoàn cảnh đi không được, ở không xong.
Gia đình tôi có tới 4 thế hệ phải sống chung, chen chúc trong căn nhà ngói cũ kỹ, dột nát được xây dựng từ hàng chục năm trước. Bây giờ con cái đã khôn lớn, xây dựng gia đình, nhưng không được xây nhà mới, phải đi ở nhờ người ta trong khi đất của gia đình còn rất rộng”.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.