Aa

Người dân kêu trời vì doanh nghiệp núp bóng để tận thu khoáng sản?

Thứ Hai, 14/06/2021 - 16:31

Quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại thôn Hà Tây 2 (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) kết hợp tận thu, khai thác đất của Công ty TNHH MTV Phước Điệp khiến nhiều người dân bức xúc.

Chiều ngày 12/6, chúng tôi có mặt tại thôn Hà Tây 2 để tìm hiểu về những phản ánh của người dân xung quanh việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực này. Tại đây, không khó để có thể chứng kiến được nỗi bức xúc của người dân về những hoạt động của đơn vị thi công dự án nêu trên.

Nhiều khu vực không phải là đất ruộng cũng bị khai thác quá trớn, từ đáy lên bề mặt trước khi múc cao ngang đầu của người trưởng thành.
Nhiều khu vực không phải là đất ruộng cũng bị khai thác quá trớn, từ đáy lên bề mặt trước khi múc cao ngang đầu của người trưởng thành.

Chỉ tập trung tận thu khoáng sản?

Ông Lê Trung Vương, Tổ trưởng Tổ đoàn kết số 2 (thôn Hà Tây 2) lắc đầu ngao ngán: “Thật sự thì tôi cũng không biết đây là cải tạo đồng ruộng hay là khai thác đất theo dạng tận thu để mang đi bán. Bởi lẽ nếu là cải tạo đồng ruộng thì phải có xe ủi kết hợp với xe múc, nhưng đây thì chỉ toàn là xe múc và xe ben chở đất ra vào thường xuyên ở trên cánh đồng. Vào những lúc cao điểm, trên cánh đồng thôn Hà Tây 2 có đến 7 xe múc đang làm việc cật lực, cùng với đó là hàng chục xe ben nằm trên cánh đồng chờ đến phiên để lấy đất”.

Xe chở đất sét tận thu trên cánh đồng thôn Hà Tây 2
Xe chở đất sét tận thu trên cánh đồng thôn Hà Tây 2

Theo Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực thôn Hà Tây 2, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào ngày 1/11/2017 thì mục tiêu chính là cải tạo nhằm mục đích tạo mặt bằng để chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kết hợp với việc xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đảm bảo chủ động tưới, tiêu cho sản xuất 2 vụ/năm, tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng. Trong khi đó, theo giấy phép khai thác khoáng sản là đất sét làm vật liệu xây dựng trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng do UBND tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty TNHH MTV Phước Điệp vào tháng 1/2020 thì tổng khối lượng đất cải tạo chỉ là 116.072m3, trong đó tổng khối lượng đất thu hồi (trữ lượng khai thác cũng chỉ có 108.870m3, mỗi năm được phép khai thác 37.000m3), còn lại dùng để đắp đường, kênh mương nội đồng…

Tuy nhiên, theo người dân, từ khi triển khai thì đơn vị thi công hầu như chỉ chăm chăm vào việc khai thác đất sét mang đi bán, còn các hạng mục như mương nước thủy lợi thì chỉ cho xe múc làm cho có lệ để che mắt cơ quan chức năng. Bà Hồ Thị Thơ cho biết: “Tôi đã nộp tiền để đơn vị thi công dọn mương đưa nước vào cánh đồng, nhưng họ lại không dọn đến đám ruộng của tôi, làm nước không vào được ruộng. Mặc dù đã có tuổi, nhưng 3h sáng tôi phải thức dậy để đi đắp mương, đưa nước vào ruộng, rất nguy hiểm".

Người dân cũng cho biết nhiều nơi bị máy múc múc quá trớn, sâu hơn rất nhiều so với trước khi được phép cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Nhiều nơi từ đáy lên đến mặt bằng cũ có độ cao ngang đầu của một người trưởng thành. Ngoài ra, các cột mốc ranh giới được đơn vị thi công đóng một cách tạm bợ, nên người dân không thể xác định được vị trí mốc cốt nền để đối chiếu với độ sâu của các đám ruộng đã được thi công. “Nhiều khu vực đã được cải tạo trước đó có độ sâu thấp hơn so với mực nước chết của sông Bầu Sấu (nhánh sông nhỏ thuộc hệ thống sông Thu Bồn, nằm ở phía Bắc cánh đồng thôn Hà Tây 2). Mùa nắng, nhưng người dân vẫn phải ra đồng xả nước vì nếu không nước sẽ tràn ngược vào ruộng, gây ngập úng lúa. Mấy ngày gần đây, trên địa bàn có những trận mưa khiến nước từ sông chảy vào làm ngập một số cánh đồng, đấy là do việc múc đất quá sâu trước đó”, ông Lê Trung Vương chia sẻ thêm.

Đất nằm ven sông Bầu Sấu
Đất nằm ven sông Bầu Sấu cũng bị "tận thu" khiến bờ sông nham nhở, rất dễ bị sạt lở mỗi khi mưa bão, lũ lụt

Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Phước Điệp còn có dấu hiệu khai thác đất ngoài phạm vi đất trồng lúa nằm trong phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng thôn Hà Tây 2. Người dân cho biết, khu vực đất hoa màu (nằm giữa đường bê tông nội đồng và sông Bầu Sấu) cũng được công ty này đưa xe xuống múc đất và mang đi bán, chỉ để lại phần đất tính từ bờ sông vào khoảng 5m làm thành bờ đê. Tuy nhiên, lớp đất trên mặt của bờ đê cũng bị cày xới và múc đi. Hiện nay, bờ đê đang bị sạt lở, không ai có thể biết trước nó chịu được mùa mưa lũ ở miền Trung với nguy cơ xói lở luôn rình rập…

Công khai nhưng liệu có minh bạch?

Trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Trung Vương cho biết thêm: “Người dân chúng tôi không thể nào xác định được điểm mốc cốt nền để đối chiếu với độ sâu tại những nơi đã được đơn vị thi công múc đất. Đáng lý, họ làm như vậy thì phải công khai một điểm cốt nền để người dân dễ dàng giám sát. Đằng này lại không công khai và luôn cố tình lảng tránh khi chúng tôi hỏi đến”. Trước đó, khi phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng chưa triển khai thì chính quyền có tổ chức họp dân để lấy ý kiến. “Họ có mời chúng tôi họp 1 lần. Tôi cũng như nhiều bà con khác không đồng ý vì lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất nên không ai ký vào biên bản chấp thuận. Nhưng rồi xe múc vẫn xuống múc đất, khi được hỏi thì họ bảo xã đã ký rồi nên họ cứ vậy mà xuống làm”, bà Hồ Thị Thơ cho hay.

Cùng chung nỗi bức xúc với bà Thơ, bà Lê Thị Tịnh (62 tuổi) ở thôn Hà Tây 2, cho biết: “Tôi có 2 sào ruộng tại đây, lúc đầu tôi cũng không đồng ý để cải tạo nhưng rồi cũng bị xe vào múc. Sau này khi cải tạo xong, tôi có đề nghị với xã cấp ruộng để tôi sản xuất, kiếm gạo nuôi mẹ già. Nhưng cán bộ ở xã lại từ chối vì lý do không ai đo đất cho tôi. Hôm sau thì những người này tiến hành đo đất, cấp cho dân để bắt đầu sản xuất vụ mới, còn tôi thì không có. Sau đó tôi phản ứng quá nên mới được chia lại cho tôi 2 sào để tạm sản xuất, nhưng đất ở đó xấu và khó sản xuất”.

Công trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực thôn Hà Tây 2 do UBND xã Điện Hòa làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Phước Điệp, đây cũng là đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Tổ giám sát việc khai thác khoáng sản trong quá trình cải tạo đồng ruộng được thành lập với tổng cộng 11 thành viên. Tuy nhiên, người dân cho biết tổ giám sát này không phát huy được hiệu quả, lập ra chỉ để cho có, thậm chí có những người đã ngoài 70 tuổi, không đảm bảo về sức khỏe, nhưng vẫn nằm trong danh sách.

ơn vị thi công chưa làm mương nước nội đồng cho người dân sản xuất
Đến thời điểm này, đơn vị thi công chưa làm mương nước nội đồng cho người dân sản xuất

Những bức xúc của người dân ở thôn Hà Tây 2 về quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng đã tồn tại trong nhiều năm qua. Nhưng thời điểm ấy vì tâm lý ngại va chạm, sợ bị thù vặt nên nhiều người đã chọn cách im lặng. Trong nhiều cuộc họp, ông Lê Trung Vương, đại diện cho Tổ đoàn kết số 2 (thôn Hà Tây 2) đã có nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề trên. “Sau khi có nhiều ý kiến về việc cải tạo đồng ruộng, gia đình tôi đã bị cắt danh hiệu Gia đình văn hóa trong khi chúng tôi không vi phạm gì hết. Hỏi ra mới biết là do ý kiến quá nhiều trong vấn đề cải tạo đồng ruộng”, ông Vương bức xúc nói.

Những ý kiến bức xúc của người dân và thực tế diễn ra tại công trình đang thi công là những điều mà đơn vị thi công không muốn PV ghi nhận nên mới ra sức ngăn cản với thái độ hung hãn và lời lẽ như vậy. Liệu chính quyền xã Điện Hòa có nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân xung quanh việc cải tạo, chỉnh trang ruộng đồng ở thôn Hà Tây 2? Và Công ty TNHH MTV Phước Điệp còn có những khuất tất, vi phạm gì khi khai thác đất sét trong quá trình cải tạo đồng ruộng?

PV Reatimes sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả!

Theo Quyết định phê duyệt Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực thôn Hà Tây 2 (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn), tổng diện tích khu vực cải tạo là 42,8ha, gồm 859 thửa thuộc Tờ bản đồ số 08, 09 và 12 của xã Điện Hòa. Hiện trạng là khu vực trồng lúa, nhưng không bằng phẳng, các thửa chênh lệch nhau trung bình từ 40 – 70cm, manh mún, nên áp dụng nông cụ cơ giới khó khăn, sản xuất kém hiệu quả. Phương pháp cải tạo sẽ theo kiểu cuốn chiếu, đặc biệt giữ lại tầng đất mặt (độ dày khoảng 30cm) để phủ lên mặt ruộng sau khi hạ độ cao.

Việc cải tạo đồng ruộng nhằm hạ độ cao, tạo ra sự đồng bộ và tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng là một chủ trương vô cùng hợp lý và mang lại lợi ích cho người dân. Chủ trương này đã được tỉnh Quảng Nam triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, trước nhiều thông tin mà báo chí phản ánh về việc cải tạo đồng ruộng nhưng thực chất là lấy đất mang đi bán cho các nhà máy sản xuất gạch, ngói, san lấp nền là chính. Diện tích ruộng sau cải tạo thiếu dưỡng chất, lúa không phát triển được do đơn vị thi công không làm theo phương án ban đầu đã được phê duyệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top