Ngày 29/2 (tức 20 tháng Giêng âm lịch) tại Công viên biển Hà Khê (đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã diễn ra Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024. Đây là lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có truyền thống lâu đời, là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung, cư dân ở các làng chài ven biển Đà Nẵng, trong đó có ngư dân làng biển Thanh Khê.
Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông; được ra đời và phát triển dựa trên những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất. Đồng thời, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của ngư dân làng chài tại đây. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, cầu mong một năm "trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang".
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư, ông Nguyễn Hữu Công cho biết qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, các thế hệ làng biển Thanh Khê theo cha truyền con nối đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với sóng gió nơi biển cả. Ngày nay, nghề đánh bắt cá ở làng biển Thanh Khê vẫn tiếp tục hoạt động, tuy còn gặp những khó khăn nhất định nhưng truyền thống hoạt động nghề cá của dân vạn chài và đời sống tinh thần, tín ngưỡng vẫn tồn tại và giữ vững. Đây chính là nền tảng gốc cho Lễ hội Cầu ngư làng biển Thanh Khê được duy trì hằng năm trên mảnh đất đầu sóng, ngọn gió.
"Việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật… Đồng thời, đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, tạo điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương", ông Công nói.
Năm nay, lễ diễn ra trong 3 ngày, phần lễ chính thức bắt đầu từ 7 giờ đến 10 giờ 30 ngày 29/2 tại công viên biển Hà Khê với nhiều chương trình phần lễ và phần hội đặc sắc.
Tương tự, tại làng Thuận An (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), dân làng cũng long trọng tổ chức lễ cầu an và cầu ngư đầu năm. Theo các bậc cao niên làng Thuận An, lễ cầu an, cầu ngư đầu năm là nghi lễ quan trọng bậc nhất trong năm gắn với lịch sử và văn hóa truyền thống miền biển. Nghi lễ này thể hiện lòng thành kính và biết ơn của dân làng đối với các vị thần linh. Đặc biệt là tưởng nhớ ơn đức Ông (tức thần Nam Hải) đã chở che ngư dân, giúp trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, phù hộ ngư dân đánh bắt tôm dày cá được.
Nghi lễ của làng chia làm 4 phần. Đầu tiên là cúng thần linh xứ sở, sau đó cúng thần Nam Hải trên biển, nghinh thần và rước Ông về ngự tại lăng Ông Nam Hải. Cuối cùng là lễ cúng tiền hiền, tưởng nhớ ơn đức các vị tiền bối lập làng.
"Đối với người dân miền biển chúng tôi, lễ cầu ngư vô cùng quan trọng. Nhiều đời qua, dân làng nỗ lực gìn giữ, lưu truyền, phát triển để giữ giá trị văn hóa đặc sắc, phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Đồng thời gia tăng tình đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khích lệ phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo thu nhập cho gia đình và làm giàu quê hương", ông Nguyễn Đức Ba, người đảm nhận vai trò chấp lệnh trong lễ cầu an và cầu ngư nói.
Được biết, Lễ hội Cầu ngư ở làng Thuận An còn gắn với tục thờ cúng cá voi - loài cá thường giúp ngư dân tai qua nạn khỏi khi đi biển, ngư dân tôn kính gọi cá Ông hay thần Nam Hải.
Mỗi khi phát hiện cá voi "lụy" trôi dạt vào bờ, ngư dân sẽ làm lễ tang, chôn cất trang nghiêm và thờ cúng trong lăng Vạn Niên. Ngư dân tổ chức lễ hội cầu ngư vào đầu năm để bày tỏ công ơn đối với thần, cầu nguyện phù hộ quốc thái dân an, người dân làng biển đánh bắt thủy sản được mùa bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.