Cổ phiếu vốn hóa Top đầu nâng đỡ thị trường
Thị trường mở cửa phiên giao dịch mới với tâm lý khởi sắc nhờ hiệu ứng từ thị trường chứng khoán Mỹ cũng như tiếp nối đà hưng phấn từ phiên giao dịch trước đó. Sắc xanh bao phủ lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VNM, VCB… giúp kéo các chỉ số tăng mạnh, có thời điểm Vn-index đã bật tăng hơn 9 điểm lên 930,37 điểm.
Sắc xanh lan rộng trên thị trường nhưng nhanh chóng hạ nhiệt và chưa đủ sức lan tỏa do vẫn có nhiều mã vốn hóa lớn khác trong nhóm Vn30 giảm điểm như VPB, DHG, BMP… Thị trường diễn biến trong trạng thái phân hóa giữa những mã trụ cột.
Dần về cuối phiên, áp lực bán càng gia tăng, nhất là nhóm ngân hàng, khiến Vn-index không còn giữ được “phong độ” như lúc đầu phiên. Các mã như VCB, VPB, BID, CTG, MBB, ACB… đồng loạt giảm điểm. Cụ thể VCB giảm 1,1% xuống 53.400 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 2,8% và các mã còn lại giảm gần 1%.
Bên cạnh đó, các mã trụ cột lớn khác làm kìm hãm đà tăng của thị trường như NVL giảm 1,3% xuống 68.000 đồng/cổ phiếu. Các mã BVH, PNJ, CII, KDC… cũng chìm trong sắc đỏ. Hôm qua, CTCP Đầu tư Tân Tam Mã cũng đã báo cáo kết quả mua thành công 2.000.000 cổ phiếu CII, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 7.900.270 cổ phiếu (chiếm 3,288%).
Mặc dù giá dầu thế giới có chút hồi phục nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí lại có diễn biến trái chiều. Chỉ có PVD tăng 1% và PXS xanh nhẹ còn lại đa phần là giảm điểm. GAS giảm 200 đồng/cổ phiếu còn PVS giảm 2,1% và PVB giảm 1,7%.
Tuy nhiên, đóng vai trò trụ đỡ tốt nhất cho thị trường là ba cổ phiếu vốn hóa top đầu gồm VNM, VHM và VIC, qua đó giúp Vn-index vẫn giữ được sắc xanh. Trong đó VNM tăng 2,8% lên 126.500 đồng/cổ phiếu, VHM tăng 1,7% lên 78.300 đồng/cổ phiếu còn VIC tăng 1% lên 101,500 đồng/cổ phiếu.
CTD rơi về đáy!
Nhờ hiệu ứng từ 2 ông lớn đầu ngành, các cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng cũng khá khởi sắc khi xuất hiện nhiều mã xanh như CTD, TCH, NTL,NLG, HCD, LCG, PC1.
Đặc biệt, CTD thu hút nhà đầu tư khi hội đồng quản trị công ty đã phê duyệt phương án mua cổ phiếu trên thị trường làm cổ phiếu quỹ với giá mua vào được xác định trong khoảng từ 140.000 đồng/cổ phiếu đến 180.000 đồng/cổ phiếu. Tương ứng CTD dự chi từ 532 đến 684 tỷ đồng để mua số cổ phiếu quỹ này. Nguồn vốn mua vào lấy từ thặng dư vốn cổ phần. Thời gian dự kiến mua từ ngày 23/11 đến ngày 22/12/2018.
Dù vậy, tính từ thời điểm đầu 2018 đến nay, cổ phiếu đã mất đi tới 1/3 giá trị, chốt phiên 27/11, giao dịch quanh mức 155.500 đồng/cổ phiếu, về vùng đáy của khoảng 2 năm trở lại đây.
Theo đó, kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu CTD đạt 20.737 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế còn 1.191 tỷ đồng, xấp xỉ bằng lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2017 (hơn 1.190 tỷ đồng).
Tính đến hết quý III/2018 CTD ghi nhận còn 1.285 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra còn hơn 3.016 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và gần 3.000 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 8.081 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu gần 784 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, một cổ phiếu cũng gây chú ý là VTP khi có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên 125.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 3 ngày chào sàn, cổ phiếu này đã tăng 85% so với giá tham chiếu ngày đầu giao dịch.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Vn-index tăng 2,09 điểm (0,23%) lên 923,12 điểm và Upcom-index tăng nhẹ 0,06% còn Hnx-index giảm 0,79 điểm (0,76%) xuống 103,19 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp khi chưa đạt 3.000 tỷ đồng, tương đương 152 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên cả 3 sàn. Đà tăng của thị trường có sự đồng thuận từ khối ngoại khi họ mua ròng hơn 120 tỷ đồng, tập trung gom mạnh VNM, VTP, HPG, SSI...