Chuyên gia Savills: Người mua bất động sản ngôi nhà thứ hai chủ yếu để đầu tư
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, xu hướng mua Ngôi nhà thứ hai “để nghỉ dưỡng” cũng đang dần phổ biến hơn bên cạnh mục đích “mua đầu tư”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, xu hướng đầu tư các sản phẩm ngôi nhà thứ hai tại các điểm đến nghỉ dưỡng tại Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ bất chấp những khó khăn lớn đến từ đại dịch Covid-19. Các đơn vị phát triển dự án cũng đang đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư bài bản và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển theo hướng trưởng thành và chuyên nghiệp hơn.
“Xu hướng đầu tư ngôi nhà thứ hai nhằm phục vụ mục đích nghỉ dưỡng đã bắt đầu từ rất lâu tại các nước châu Âu và một số thị trường châu Á như Thái Lan. Dẫu vậy thị trường Ngôi nhà thứ hai tại Việt Nam chỉ mới đang trên đà phát triển. Có thể nói, người mua sản phẩm ngôi nhà thứ hai trong giai đoạn trước đây chủ yếu nhằm mục đích đầu tư”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Căn hộ cho thuê được “để mắt” trở lại
Giá bán liên tục tăng làm giảm cơ hội mua nhà, song theo một số thành viên thị trường, điều này có thể mở ra xu hướng mới về căn hộ cho thuê tại Việt Nam như với nhiều thị trường đi trước.
Trong một chia sẻ mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào thời điểm 4 năm trước, người dân Việt Nam cần tối thiểu 35 năm để mua được một căn hộ chung cư, nhưng hiện tại phải cần tới 57 năm. Giá nhà tăng phi mã khiến cơ hội tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân vốn đã khó càng thêm khó.
Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, tại Hà Nội, các dự án đang mở bán trong khu vực nội đô đều neo ở mức giá cao, gần như không có dự án mở bán sơ cấp giá dưới 30 triệu đồng/m².
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản cuối năm: Lạc quan nhưng cần thận trọng
Bước vào giai đoạn nước rút của năm 2022 với những tín hiệu tích cực từ chính sách “thông thoáng” hơn, thị trường bất động sản cho thấy những biểu hiện lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng.
Xét về các chỉ số vĩ mô của Việt Nam trong quý III/2022, mọi số liệu đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, đặc biệt so với thời kỳ cách ly diện rộng vào quý III/2021. Chỉ số GDP đạt 8,83% vẫn nằm trong kế hoạch kiểm soát lạm phát tốt, giải ngân FDI tốt, tỷ giá đồng USD so với đồng Việt Nam ở mức 3% vẫn duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản có sự cải thiện khi trong 9 tháng đầu năm, có 7.124 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và 1.769 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao hơn con số 998 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021. Vốn giải ngân đầu tư công dù chậm hơn so với kế hoạch nhưng vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ.
Đáng chú ý, động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước khi chính thức thông tin điều chỉnh hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng trên thị trường bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tăng cường quản lý đất đai tại các địa phương
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản gửi Ban Dân nguyện trả lời ý kiến và kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3. Tại đây, các cử tri đề cập nhiều đến tình trạng sốt đất ảo, "cò đất", chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phân lô bán nền và kiến nghị đơn vị đưa ra giải pháp.
Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ TN&MT về vấn đề tăng cường công tác chỉ đạo, có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tự phát, không theo quy hoạch tại một số địa phương, gây khó khăn trong hoạt động quản lý đất đai nhất là quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi “thổi giá” đất của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
“Người nghèo, người có thu nhập thấp không thể mua được đất để cất nhà; đất bỏ hoang hóa, lãng phí tài nguyên ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách quản lý Nhà nước, cuộc sống của người dân. Đề nghị ban hành chính sách để quản lý vấn đề đất đai chặt chẽ”, cử tri An Giang nêu ý kiến.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội thanh kiểm tra, rà soát các dự án “treo”, dự án chậm làm sổ đỏ
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.
Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở. Các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích.
Thanh tra, kiểm tra các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; công tác xác định giá đất; công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.