Dự án thế chấp ngân hàng không phải tin xấu
Trong bối cảnh hiện nay, hiếm có doanh nghiệp bất động sản nào triển khai dự án mà không vay vốn ngân hàng. Những năm qua, Luật Nhà ở có nhiều thay đổi nhưng luôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo quy định, từ ngày 1/1/2019, nguồn vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%, hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Điều này khiến van tín dụng vào bất động sản hẹp hơn. Tuy nhiên, việc siết tín dụng này sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn. Những dự án được ngân hàng cho vay sẽ được thẩm định kỹ và người mua sẽ an toàn hơn.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho biết, việc vay ngân hàng để đầu tư là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và được pháp luật cho phép. Ngân hàng luôn có nhu cầu cho vay vốn, nhưng trong thời điểm Ngân hàng Nhà nước “siết” van tín dụng thì để tìm được doanh nghiệp uy tín, làm ăn đàng hoàng rót vốn cho vay không phải dễ. Ngược lại, những ngân hàng đồng ý rót vốn cho dự án hiện nay cũng an toàn hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù vừa mang tính chất kinh doanh vừa mang tính chất kiểm soát. Theo quy định, tỷ lệ vốn tự có bắt buộc tối thiểu của một doanh nghiệp là 20%. Số còn lại doanh nghiệp có thể vay ngân hàng hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác.
Việc ngân hàng đang bị kiểm soát chặt chẽ hiện nay, hầu như không có chỗ cho những doanh nghiệp “tay không bắt giặc” có thể tiếp cận nguồn vốn này bởi doanh nghiệp phải qua quy trình kiểm soát chặt chẽ mới được thế chấp, vay vốn. Doanh nghiệp muốn vay được vốn phải có tài sản hợp lệ để thế chấp, nguồn gốc đất và quy hoạch rõ ràng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có dự án đang thế chấp tại ngân hàng nói: “Khách hàng cần phải hiểu khi dự án thế chấp ngân hàng, đồng nghĩa toàn bộ sản phẩm đều do ngân hàng quản lý, tiền thu của khách hàng ngân hàng sẽ phong tỏa. Chủ đầu tư muốn rút ra chi tiêu phải có mục đích rõ ràng là dùng để xây dựng dự án thì ngân hàng mới đồng ý giải ngân”.
Người mua an toàn hơn
Quan hệ mua bán giữa khách hàng tại dự án đã được ngân hàng tài trợ vốn là quan hệ ba bên gồm khách hàng – chủ đầu tư – ngân hàng. Rõ ràng khách hàng là người có quyền lựa chọn dự án tốt để mua, chủ đầu tư có quyền lựa chọn ngân hàng tốt để vay và ngân hàng có quyền thẩm định kỹ trước khi rót vốn.
Theo Điều 147, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Cùng với đó, theo quy định của Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp.
“Như vậy, việc thế chấp dự án được thực hiện theo quy định pháp luật. Trách nhiệm còn lại là của ngân hàng phải thẩm định về mặt pháp lý và năng lực của chủ đầu tư. Những dự án thế chấp ngân hàng là dự án đã được thẩm định về các mặt pháp lý và năng lực chủ đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có lịch sử vay - trả tốt, làm ăn uy tín mới được ngân hàng cho vay. Ngược lại những doanh nghiệp rơi vào nợ xấu tất nhiên ngân hàng sẽ không cho vay, nhưng không phải ai cũng hiểu điều này”, luật sư Hồ Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh.
Theo luật sư Diệp, khi chủ đầu tư và ngân hàng ký kết hợp đồng chắc chắn đã cam kết rõ sẽ giải chấp từng phần các căn hộ và chủ đầu tư cũng phải đăng ký tiến độ giải chấp với ngân hàng thì ngân hàng mới đồng ý cho vay. Điều đáng nói, hiện nay, người mua nhà chỉ cần nghĩ tới thế chấp ngân hàng đã tỏ ra lo lắng, nhưng ít biết rằng, từ trước đến nay, gần như dự án nào cũng phải thế chấp mới có đủ nguồn vốn để triển khai dự án và đây là nghiệp vụ thông thường của ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia bất động sản, khi mua nhà hình thành trong tương lai, yếu tố cần quan tâm đầu tiên của khách hàng chính là uy tín của chủ đầu tư và ngân hàng nói chung và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư nói riêng.