Aa

Người tiêu dùng có bị ảnh hưởng khi thương hiệu Việt nhất loạt đổi chủ ngoại?

Thứ Sáu, 27/09/2019 - 06:22

Nhiều những thương hiệu tiêu dùng Việt "bán mình" với giá không hề nhỏ. Tuy nhiên, người tiêu dùng bên cạnh mặt lợi cũng có những điểm bất cập.

Bùng nổ các thương vụ M&A ngành tiêu dùng

Trong những năm qua, thị trường kinh doanh không khỏi dậy sóng bởi những thương vụ thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám của ngành hàng tiêu dùng cho doanh nghiệp ngoại.

Thương Vụ nhượng quyền sớm nhất phải kể đến là kem đánh răng P/S nhượng quyền sở hữu với giá 5 triệu USD trong năm 1995.

Được đà chuyển nhượng, rất nhiều công ty có tiếng của người Việt được bán cho doanh nghiệp ngoại. Kinh Đô chuyển 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelez International với với giá khoảng 370 triệu USD và đổi tên thành Công ty CP tập đoàn KIDO. Nguyễn Kim rơi vào tay Central Group của gia tộc tỉ phú Chirathivat (Thái Lan) với sự chuyển nhượng 49% cổ phần.

Hay như Sabeco đã thoái vốn cho công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty con của ThaiBev) của tỷ phú Thái với 53,59% cổ phần Nhà nước với giá trị 4,8 tỷ USD.

Highlands Coffee và Phở 24 lại nhanh chóng “bán mình” cho đại gia Jollibee Food Corp của Philippines.

Còn rất nhiều thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức người Việt như Diana, Xmen cũng đều bán mình cho nhà đầu tư ngoại.

Các chuyên gia phân tích, sở dĩ M&A trong ngành hàng tiêu dùng đang vô cùng sôi động vì thị trường đang tạo ra sự thuận lợi cho cả phía cung lẫn cầu. Việt Nam đang có dân số hơn 96 triệu người với hơn một nửa là trong độ tuổi lao động vì thế nghiễm nhiên tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định.

Các nhà đầu tư hiển nhiên nhận rõ được điều đó và bỏ tiền mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng, những hoạt động M&A không chỉ là mua thương hiệu mà còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận dòng khách hàng tiềm năng này.

Mai một lòng tự tôn dân tộc của người Việt

Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony – Nhật Bản, đã phát biểu trong bài diễn văn ngày thành lập công ty (năm 1946): "Phải đem công nghệ đóng góp vào sự phục hưng của tổ quốc chúng ta". Câu nói này đã trở thành biểu tượng của tinh thần tự tôn dân tộc.

Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc rất giỏi trong việc giữ chân người dân dừng ở hàng nội địa. Có thể là do những mặt hàng tiêu dùng của họ được đánh giá chất lượng cao.

“Người dân dùng hàng Nhật không chỉ bởi nó tốt mà còn do họ tự hào về văn hóa của họ. Hay như Hàn Quốc có một món ăn rất phổ biến là kim chi. Nó đã trở thành một thứ văn hóa, vũ khí đem đi toàn thế giới. Họ làm hội thảo, tọa đàm, những bộ phim về kim chi và họ làm cho cả thế giới phải biết tới sản phẩm này của Hàn Quốc”, Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định.

Tỷ trọng giá trị M&A theo ngành 2016-2017. Nguồn: MAF, IMAA

Nhưng các thương hiệu Việt “bán mình” cũng không phải là những thương hiệu “rởm” bởi nó đã khắc sâu trong tiềm thức của người Việt. Làm gì có sản phẩm ngoại nào từng phổ biến khắp ngõ ngách của dải đất hình chữ S như P/S, như Kinh Đô, như Xmen, như Diana…

Người ta rất hãnh diện nói tôi ăn bánh kẹo Kinh Đô, tôi uống bia Sài Gòn, tôi đang ăn phở 24 của người Việt thì giờ đây người ta lại phải nói tôi ăn bánh kẹo Kinh Đô, uống bia Sài Gòn của Thái, ăn phở 24 của Philipines,…

Chưa kể đến việc các ông lớn của nước ngoài vào Việt Nam thì họ có giữ nguyên được bản chất “Việt” của thương hiệu đó hay không. Có doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm của nước họ vào kệ sản phẩm của mình, sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng do Việt Nam sản xuất cung ứng. Điều này không phải chưa có tiền lệ.

Khi để những thương hiệu Việt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, vô hình chung các sản phẩm Việt dần mai một trong tiềm thức của chính người Việt, vô tình người Việt sẽ chấp nhận những sản phẩm ngoại nhập và không còn nhớ sản phẩm nào là “made in Vietnam” nữa.

Đơn cử như P/S do Công ty Hóa phẩm P/S thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM phát triển từ năm 1975. Năm 1995, Tập đoàn đa quốc gia Unilever trả 5 triệu USD để mua đứt thương hiệu kem đánh răng này. Đến đây, công ty P/S đã không còn liên quan đến sản phẩm kem đánh răng mang tên mình.

Hay như Sabeco, ThaiBev hiện đã đưa người của họ vào nắm giữ những vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp bia này. Dù theo thỏa thuận, ThaiBev phải giữ tên Bia Sài Gòn nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tương lai số phận của Sabeco không biết sẽ đi về đâu khi bị rơi vào tay người nước ngoài.

Chuỗi cửa hàng "phở máy lạnh" đầu tiên của Việt Nam cũng đã bán cho nhà đầu tư ngoại

Vấn đề này cũng không chỉ đơn thuần là văn hóa mà còn liên quan đến kinh tế. Văn hóa bổ trợ cho kinh tế rất tốt. Bằng chứng là các nước Nhật Hàn đã làm rất tốt điều đó. Tự tôn dân tộc, tự hào văn hóa là đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Ông Long cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, "mặc dù nghe không liên quan nhưng văn hóa và kinh tế lại có mối quan hệ mật thiết. Bởi vì thứ để gắn kết con người với nhau chính là văn hóa. Như chúng ta rất ngưỡng mộ văn hóa của người Nhật hay hàng hóa của Đức và lùng tìm mua những sản phẩm của nước họ.

Quốc gia nào có nền văn hóa đậm đặc thì đương nhiên khi đó họ có bản sắc, lòng tự tôn dân tộc là vũ khí cực kỳ tốt. Để có sự liên kết tất nhiên phải dựa trên quyền lợi, nhưng một phần cũng dựa nên văn hóa chung văn hóa với nhau”


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top