Aa

Người từ ngõ lỗ thủng

Thứ Sáu, 30/10/2020 - 07:00

Trung Trung Đỉnh như một lãnh tụ tinh thần của người thân họ hàng. Ngay cả gia đình tôi hay bất kỳ người bạn thân nào, anh cũng có một vị trí đặc biệt.

Năm 1990, tiểu thuyết “Chuyện tình ngõ lỗ thủng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh ra đời, tạo ra một sức hút đáng kể với độc giả. Đó là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về thời bao cấp và đối tượng phản ánh là những công dân của một ngõ phố Hà Nội rất đặc biệt. Tôi đã mê mẩn cuốn sách đến mức không chỉ đọc đi đọc lại mà còn không ít lần xâm nhập vào cái ngõ nguyên mẫu ấy. 

Cái ngõ có lỗ thủng để dân tình vô tư đi vào công viên ở khu Vân Hồ 3. Câu chuyện về cái lỗ thủng đặc biệt thú vị. Công viên Thống Nhất từ rất lâu đã được quây kín bằng hàng rào xi măng chỉ mở một số cổng và ai vào phải mua vé. Vì vậy, những công dân của ngõ có sáng kiến để tiện lợi cho mình, họ dỡ tường rào tạo ra một lỗ thủng để vào công viên. Tất nhiên là chẳng chính quyền nào cho phép. Lỗ thủng bị bít lại. Nhưng ngay sau đó nó lại bị người dân đục ra. 

Cứ thế thành một cái vòng bất tận. Câu chuyện về cái ngõ lỗ thủng ngày đó ám ảnh tôi rất nhiều. Cũng thời điểm đó, nhà văn Trung Trung Đỉnh còn có một cuốn tiểu thuyết đình đám “Tiễn biệt những ngày buồn”, viết về thời bao cấp của các nhân vật là người lính bước ra khỏi cuộc chiến tranh, phải bươn chải vật vã để tồn tại với đời sống thường nhật. Bộ đôi tiểu thuyết này đã cuốn hút và chinh phục tôi hoàn toàn. Nói không quá, ở thời điểm ấy, Trung Trung Đỉnh là nhà văn hiếm hoi tôi coi là thần tượng.

Tôi gặp Trung Trung Đỉnh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội khi lần đầu tiên tôi được một giải thưởng văn chương ở cuộc thi năm 1989 - 1990 của tạp chí. Bấy giờ anh ở ban văn và là người cực kỳ nổi tiếng trong khi tôi chỉ mới là anh viết văn tập sự. Với riêng tôi, sự ngưỡng mộ văn của anh chẳng chỉ riêng ở hai tiểu thuyết viết về đời sống hậu chiến của những người lính sau trận mạc và bối cảnh của thời bao cấp mà còn là mảng sáng tác đồ sộ về Tây Nguyên. 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh ký sách tặng bạn đọc (Ảnh sưu tầm)

Những tiểu thuyết, truyện ngắn chiến tranh của Trung Trung Đỉnh, trong đó tiêu biểu là những tác phẩm “Đêm nguyệt thực”, “Lạc rừng” về vùng đất mà suốt những năm chống Mỹ anh chiến đấu có những giá trị rất riêng, không hề lẫn với ai. Lần gặp Trung Trung Đỉnh ở tòa soạn VNQĐ khiến tôi thất vọng về sự lạnh lùng của anh. Không vồn vã đã đành, vẻ khinh khỉnh của Trung Trung Đỉnh tạo ra cho tôi cảm giác anh là con người kiêu ngạo. 

Tính tôi cương cường nên rất ghét những ai làm mặt kiêu với mình. Có lẽ, phải rất lâu sau đó tôi mới lại gặp Trung Trung Đỉnh. Cũng là sự dẫn dắt của một thứ gì đó không thể cắt nghĩa. Những bạn bè văn chương của tôi, cả vong niên lẫn cùng thời, đều là bạn của anh. Sự dắt dây này đã khiến tôi và Trung Trung Đỉnh gần nhau và rồi trở nên thân thiết từ bao giờ, tôi cũng chẳng còn nhớ rõ và cũng chẳng biết vì lẽ gì. Chỉ biết tôi và anh thâm tình như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm. Về cái duyên muộn này giữa tôi và Trung Trung Đỉnh chỉ có thể gói vào chữ “duyên” mới có thể hòa hợp được hai tính cách có phần không hề đơn giản này.

Thực thì nhà văn Trung Trung Đỉnh quảng giao, dễ hòa đồng với đám đông. Bạn bè của anh trải khắp đất nước. Đi đến bất cứ một xó xỉnh nào anh cũng có bạn rượu. Dù chỉ sau một lần nâng chén, những người có vinh dự được “chén chú chén anh” với Trung Trung Đỉnh đã coi anh nhà văn có vóc người thâm thấp với khuôn mặt cực đàn ông đẹp một cách từng trải, râu ria tươi tốt, đã là người thân của mình. 

Quảng giao thế thôi nhưng đừng đùa, bởi Trung Trung Đỉnh là người sắc sảo có cặp mặt nhìn bề ngoài nheo nheo, ấm áp đấy nhưng cực kỳ soi xét đến tận kẽ tâm can kẻ đối diện. Rộng rãi nhưng thực chất anh khắt khe đến mức cực đoan sự chân thành ở bạn bè, người thân. Đổi lại, Trung Trung Đỉnh hơn ai hết là người quan tâm, sống đến tận cùng với mọi nỗi vui buồn của những người anh coi là thân thiết và ruột thịt.

Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh. Anh kể cái tên văn chương kia là một định mệnh. Đó là người biên tập nhầm họ anh từ Phạm sang Trung, thấy hay hay nên anh để luôn tên đó trong suốt sự nghiệp của mình. Đúng thế thật, tôi chưa thấy ai ngoài anh mang cái họ chẳng giống ai này. Từ quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Trung Trung Đỉnh nhập ngũ vào chiến trường Tây Nguyên. 

Anh lính Phạm Trung Đỉnh do một lý do đi lạc đặc biệt đã trở thành một người lính địa phương suốt những năm chiến đấu. Vốn sống Tây Nguyên của một anh lính chiến đã cho anh những chất liệu ngồn ngộn để anh viết ra những tác phẩm độc đáo về vùng đất, nếu không có tầm hiểu biết cặn kẽ, không thể viết nổi. Tôi vẫn đùa anh là già làng. Bạn Tây Nguyên của anh không ít. Vào nhà anh, dù là ngôi nhà hiện đại, vẫn phảng phất cái không khí rừng núi rất Tây Nguyên. 

Những chum, lọ sành, bức tranh cùng những đồ vật của chính mảnh đất này hay cách bài trí nhỏ nhất như cắm một lọ hoa dân dã đều mang nét Tây Nguyên phóng túng. Những vết thương súng đạn của người có thẻ thương binh ít khi Trung Trung Đỉnh khoe nhưng không ít lần uống rượu tới tầm, anh phanh ngực trưng ra vết sẹo lớn ở ngực. Đó là vết sẹo do dùng thanh củi đang đượm lửa dí vào ngực ở một lễ hội thề đồng bào nào đó. 

Không chỉ Tây Nguyên, hầu như dấu chân Trung Trung Đỉnh có ở khắp mọi miền đất nước. Tôi vinh dự tự hào được tham dự cùng anh trong nhiều chuyến đi. Có lần chỉ trong một năm, tôi với anh đã đi khắp vùng địa đầu Móng Cái đến tận mũi Cà Mau. Tôi nghiệm ra rằng, Trung Trung Đỉnh viết nhiều và hay là bởi vốn sống thu nhặt được trong những chuyến đi. Anh là nhà văn của thực tế đời sống. Tất nhiên tài năng mới là điều quyết định.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Chơi với Trung Trung Đỉnh, tôi biết anh là người tình nghĩa đến tận cùng. Anh hay mời bạn bè về quê. Có lần tôi cùng mấy nhà văn về quê anh. Mâm rượu của đám nhậu khá lâu nhưng vẫn thấy rất đông con cháu họ hàng của anh ngồi túm tụm đợi. Ai cũng bảo anh được con cháu quý đến thế là cùng. Khi lũ chúng tôi ngà ngà ngủ thiếp đi thì nghe thấy anh cùng những người kia phân xử từng việc làng, việc họ, việc nhà rành rẽ. Vỡ nhẽ thì ra họ đợi để anh giải quyết những nhu cầu rất riêng của từng người. Có khi chỉ là dăm triệu vay để sửa nhà hay xin việc làm cho con cháu lớn mới ra trường. Tất tần tật việc lớn nhỏ của gia đình, họ mạc đều phải qua tay ông Đỉnh, bác Đỉnh, cậu Đỉnh mới xong. Tôi hiểu cái uy anh có được là nhờ anh nhiệt tâm can dự vào đời sống của gia đình ở làng quê, dù anh là người Hà Nội đã từ tám hoánh.

Có một lần đã lâu lắm, từ cái thời còn nghèo, anh dúi cho tôi mấy tờ trăm đô dặn như thế, như thế. Là thằng cháu ở quê ra vay tiền mở tiệm sửa xe máy. Anh dặn tôi coi như tiền của Tiến cho vay nhé để giúp cho cháu nó không dựa dẫm, có ý chí phấn đấu. Tôi đưa tiền cho cu cháu giao kèo cho vay một năm. Y hẹn cu cháu lễ mễ mang con mực tươi phải đến mấy ký. Ngon cực, đánh chén tĩ tã sương sương, khi đứa cháu khất nợ, tôi đã quên béng không phải tiền của mình để hào phóng, bảo tiền bạc gì, chú tặng mày, nhớ làm ăn cho tốt nhé. 

Trung Trung Đỉnh cười tủm tỉm. Sang năm sau, khi tôi đã quên chuyện thì cu cháu mang tiền trả lại, nói cảm ơn chú rất nhiều, tiệm của cháu đã cực ngon nghẻ. Thế đấy, không chỉ vật chất có thể nói không quá, Trung Trung Đỉnh như một lãnh tụ tinh thần của người thân họ hàng. Ngay cả gia đình tôi hay bất kỳ người bạn thân nào, anh cũng có một vị trí đặc biệt. 

Thế nên không có gì lạ khi anh lâm nạn bệnh tật suy thận phải chạy thận mỗi tuần hai lượt, sức khỏe suy kiệt thì đứa cháu gái ruột gọi anh bằng cậu đã hiến một quả thận để anh thay. Vợ tôi, một bác sĩ bảo, tặng một quả thận là cho nửa cuộc đời. Thật quý giá, tôi biết chính xác là đứa cháu cảm cái đức cậu mình đối với gia đình chị ruột nên không hề đắn đo hiến thận để cứu cậu.

Trung Trung Đỉnh viết nhiều và đã giành nhiều giải thưởng lớn. Tác phẩm của anh được ghi nhận trong lòng bạn đọc. Từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh chuyển ngành ra làm Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ và sau cùng làm Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn trước khi nghỉ hưu. 

Một cảnh trong phim "Ngõ lỗ thủng". (Ảnh sưu tầm)

Trở lại với những ám ảnh về cái ngõ trong “Chuyện tình ngõ lỗ thủng” hơn chục năm sau khi cuốn sách ra đời, tôi đã xin phép tác giả gộp nó lại cùng tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn” để chuyển thể thành một kịch bản phim truyền hình 24 tập lấy tên là “Ngõ lỗ thủng”. Có lẽ đó là một phim dài tương đối đầy đủ về một con ngõ phố Hà Nội của thời bao cấp. Phim thành công mức nào, tôi chả nói, chỉ biết sau khi phát sóng, “Ngõ lỗ thủng” nhận được giải kịch bản hay nhất năm do khán giả bình chọn. Tôi đi nhận giải mang về chiếc phong bì đựng tiền thưởng trao ở trường quay, bảo với biên kịch Đặng Diệu Hương đồng tác giả ghi mấy chữ tặng lại cho nhà văn nguyên tác Trung Trung Đỉnh. Hương nắn nót ghi vào ngoài phong bì lời đề tặng đầy kính trọng và yêu quý. 

Tôi đưa phong bì cho Trung Trung Đỉnh trong mâm tiệc ở một hội nghị Văn học quốc tế tổ chức ở Hồ Tây. Anh vui vẻ nhận, hẹn sẽ dành để nhậu vào lúc khác. Hôm sau, gọi điện hỏi phong bì bao nhiêu tiền thưởng, thấy Trung Trung Đỉnh ắng đi. Tiền nào? Tiền phong bì giải hôm qua em đưa anh ở Hồ Tây ấy. À, thôi bỏ mẹ, mất rồi Tiến ạ. Anh về tìm mãi không thấy chắc nó rơi đâu đó.

Đến tận bây giờ, cả tôi và anh đều không rõ có bao nhiêu tiền thưởng trong cái phong bì tặng ấy. Thề là nhờ thế mà nó được ghi lại trong ký ức như một kỷ niệm. Cũng như anh mãi xuất hiện trong tôi ở ảnh hình con ngõ nhỏ: Ngõ lỗ thủng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top