Aa

Người Việt sẽ chọn lựa học ngoại ngữ nào?

Thứ Ba, 25/06/2019 - 06:00

Nếu bạn biết tiếng Trung thì bạn chỉ có thể nói chuyện và làm việc với người Trung Quốc, nhưng nếu bạn biết tiếng Anh thì bạn sẽ giao tiếp và làm việc với toàn thế giới...

Chuyện học ngoại ngữ của người Việt Nam trong quá khứ phần lớn là lệ thuộc vào thời cuộc và những vấn đề mang tính chính trị. Còn bây giờ thì chúng ta cần phải suy nghĩ khác đi trong việc lựa chọn. Chúng ta không vì ghét Mỹ, Pháp, Nhật mà không học tiếng của họ nếu những thứ tiếng đó thực sự cần thiết cho sự phát triển quốc gia. Và càng không vì phụ thuộc vào một quốc gia nào đó khi thứ tiếng của quốc gia đó không thực sự cần thiết cho sự phát triển của quốc gia mình. Có thời chúng ta đột ngột không dạy tiếng Trung bởi quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức tồi tệ bằng cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lên toàn bộ biên giới phía Bắc của chúng ta. Quyết định dạy và học một môn ngoại ngữ như vậy là cảm tính và phải chấm dứt cách nhìn như vậy.

Vừa rồi, Quốc hội bàn đến việc có đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai hay không ? Và kết quả thăm dò về việc này trong Quốc hội là quá thấp. Tôi đang tự lý giải vì sao Quốc hội không đồng ý coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Phải chăng cách gọi đó làm phần lớn các đại biểu Quốc hội lo ngại? Phải chăng họ sợ, nếu coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì đến một ngày nào đó cái ngôn ngữ thứ hai này sẽ thay thế ngôn ngữ thứ nhất – tiếng Việt – chăng? Nếu cho rằng các đại biểu Quốc hội đúng về mặt tình thì họ đã sai về mặt lý.

Một đất nước gần 100 triệu người và là một đất nước độc lập thì khả năng một ngôn ngữ nào đó có thể thay thế tiếng Việt là một điều không tưởng. Phong kiến phương Bắc đô hộ đất nước ta gần 1000 năm nhưng không thế nào đồng hóa được dân tộc Việt. Tiếng nói, thời trang, ẩm thực, kiến trúc nhà cửa… của người Việt vẫn sống với những đặc trưng riêng biệt của mình. Pháp đô hộ chúng ta ngót 100 năm nhưng người Việt vẫn là người Việt và đặc biệt tiếng Việt vẫn càng phát triển và mở rộng những chiều kích của nó. Trong giới nhà văn, có các nhà văn nói tiếng Pháp "như người Pháp", như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Nhiều văn nghệ sỹ hay các nhà văn hóa khác nói tiếng Pháp làu làu nhưng tiếng Việt của họ thực sự là những viên ngọc sáng trong.  

nếu bạn biết tiếng Anh thì bạn sẽ giao tiếp và làm việc với toàn thế giới.

Nếu bạn biết tiếng Anh thì bạn sẽ giao tiếp và làm việc với toàn thế giới.

Một hiện thực không ai trên thế giới này có thể chối cãi được, là tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung của thế giới trong mọi lĩnh vực hoạt động. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ cập thế giới và có không ít các quốc gia coi đó là ngôn ngữ thứ hai hay ngôn ngữ hành chính của họ, bởi lịch sử của ngôn ngữ này, bởi tính phù hợp và khoa học của nó, cho dù tiếng Anh xuất phát từ một quốc gia không có số lượng dân số áp đảo. Trong khi đó, tiếng Trung, Nga, Mỹ La tinh, Ả Rập có số lượng người dùng chính thống như ngôn ngữ mẹ đẻ khá lớn so với các thứ tiếng khác. Nhưng tất cả những ngôn ngữ này không thể thế chỗ tiếng Anh được, trừ khi người Trung Quốc, Pháp, Nga… thống trị toàn thế giới và bắt toàn bộ nhân loại phải quên tiếng mẹ đẻ của mình đi, ai chống lại đều bị chặt đầu hoặc bỏ vào vạc dầu. Nhưng đó chỉ là một viễn cảnh khi thế giới bị cai trị bởi một đế chế tàn bạo và độc tài như quỷ dữ.

Vì thế, việc lựa chọn một ngoại ngữ phổ cập để dạy và học của người Việt vẫn phải là tiếng Anh. Bất cứ sự lựa chọn nào khác sẽ là sai lầm, không những không có lợi cho sự phát triển đất nước mà còn có nguy cơ chứa đựng những tiềm ẩn bất trắc và hiểm họa khôn lường.

Việc học các ngoại ngữ khác là lẽ thường tình, theo nhu cầu của từng cá nhân, từng tổ chức dựa theo lĩnh vực nghiên cứu, ngoại giao hoặc thương mại mà cá nhân đó hay tổ chức đó liên quan. Nếu bạn biết tiếng Trung thì bạn chỉ có thể nói chuyện và làm việc với người Trung Quốc, nhưng nếu bạn biết tiếng Anh thì bạn sẽ giao tiếp và làm việc với toàn thế giới. Tôi học tiếng Tây Ban Nha ở Cuba, trong mấy chục năm nay, kể từ khi rời Cuba về nước, nếu tôi dùng tiếng Tây Ban Nha 1 thì tôi dùng tiếng Anh là 1000. Không phải tôi ghét tiếng Tây Ban Nha hay yêu tiếng Anh mà bởi tính phổ cập của tiếng Anh trong thế giới của chúng ta.

Cho dù Quốc hội chưa quyết định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, thì người dân vẫn nên chọn tiếng Anh là ngoại ngữ đáng quan tâm đầu tiên. Hiện thực cho thấy từ nông thôn đến thành thị, các gia đình đều hướng con em họ chọn lựa ngoại ngữ hàng đầu là tiếng Anh. Việc xác lập sự cần thiết và phù hợp của ngoại ngữ đó là ‘’ngôn ngữ thứ hai’’ hay “ngoại ngữ thứ nhất’’ chẳng hệ trọng gì, vì đó chỉ là một cách gọi mà thôi. Thế giới vẫn sử dụng tiếng Anh cho hầu hết mọi công việc bởi tính phổ cập và khoa học của ngôn ngữ này.. Ngôn ngữ là di sản văn hóa và phương tiện giao tiếp của loài người và nó tồn tại theo những căn nguyên hết sức khách quan, đầỳ sức thuyết phục thực tế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top