Aa

Làm rõ nguồn tiền Quỹ nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 01/07/2022 - 06:16

Dù các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2ha trở lên tại đô thị được quy định phải bố trí 20% quỹ đất làm NƠXH, thế nhưng việc quản lý quỹ này hiện nay vẫn chưa minh bạch, dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách.

Nhập nhằng, thiếu minh bạch

Các khuất tất trong quản lý quỹ 20% đất làm NƠXH chỉ được khơi ra khi kết quả giám sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025 của TP.HCM đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập. Riêng khoản thu 20% từ quỹ này cũng nhập nhằng suốt một thời gian dài.

Trong chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra một số dự án tại TP.HCM có hiện tượng hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển NƠXH bằng một khu đất khác không có trong quy định. Điển hình như các dự án Khu dân cư (KDC) và Công viên Phước Thiện (TP. Thủ Đức); dự án KDC Hoàng Nam (quận Bình Tân). Tuy nhiên, các trường hợp dự án này chỉ là bề nổi trong khi tình trạng mua và cho thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích diễn ra khá phổ biến. Trong 5 dự án NƠXH, cơ quan chức năng phát hiện 85 trường hợp người mua, thuê, thuê mua NƠXH có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua, bên cạnh đó có nhiều trường hợp sở hữu đất đai có dấu hiệu “lách luật”. Điển hình, qua rà soát cơ quan chức năng phát hiện dự án NƠXH cho thuê - KDC Lê Thành (quận Bình Tân) dù chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng đã bàn giao cho người dân vào sử dụng, như dự án NƠXH cho thuê - KDC Lê Thành chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao mốc giới, lộ giới… nhưng đã bàn giao cho người mua.

Chương trình phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố đặt mục tiêu sẽ phát triển 2.500.000m² sàn xây dựng NƠXH, tương đương 35.000 căn. Dù vậy, với nhiều các tồn tại, bất cập nếu không có giải pháp kịp thời và sự quyết liệt tham mưu của Sở ngành đối với UBND TP.HCM thì vấn đề nan giải trong quản lý nguồn quỹ NƠXH sẽ tiếp tục là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Tại TP. Thủ Đức, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt là chủ đầu tư dự án căn hộ New City Thủ Thiêm còn tự ý thay đổi thiết kế dự án từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại, trong đó đã chuyển nhượng cho người mua hơn 1.300 căn hộ. Một dự án sai phạm rõ ràng khiến UBND TP.HCM loay hoay tìm cách xử lý, mới đây đã chỉ đạo thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng dự án này nhưng lại chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng về giao đất. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.HCM phải có phương án giải quyết quỹ nhà tại dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Vấn đề “nóng” liên quan đến quỹ NƠXH của TP.HCM mới đây tiếp tục được HĐND thành phố vào cuộc giám sát, chỉ ra hàng loạt vấn đề bất cập trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025, nhất là tiến độ thực hiện rất chậm, trong nhiều năm chỉ đạt trong khoảng 60 - 70% so với kế hoạch, mục tiêu ban đầu. Một phần nguyên nhân, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, thực tế từ năm 2016 đến nay, Sở này chưa nhận được đề xuất nào của chủ đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước sử dụng nguồn vốn từ ngân sách TP.HCM để thực hiện. Do đó, Sở này chưa có cơ sở để tham mưu, đề xuất TP.HCM bố trí vốn. Nhưng đây mới chỉ là mặt nổi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng bản thân 20% tiền từ quỹ NƠXH hiện nay cũng chưa minh bạch, trong đó có sự nhập nhằng giữa hình thức thu bằng tiền và thu gộp cùng với thuế khi tính tiền sử dụng đất. Do đó HĐND TP.HCM đã yêu cầu Sở Tài chính thành phố báo cáo làm rõ nguồn quỹ này trong quá trình giám sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025.

Rà soát để quản lý nguồn tiền

Theo ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, về các tồn tại, bất cập trong quản lý quỹ NƠXH, Sở này đã chủ động tổ chức rà soát được 33 khu đất có thể làm NƠXH trong thời gian qua. Kết quả rà soát cho thấy có 14 khu đất đã giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã tham mưu, đề xuất để UBND thành phố có quy trình rút ngắn thời gian để đầu tư, xây dựng NƠXH trong thời gian tới, giải quyết các bất cập kéo dài trong thời gian qua.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là theo quy định, các doanh nghiệp, chủ đầu tư NƠXH dù đã thực hiện nghĩa vụ xây dựng căn hộ rồi bàn giao lại cho Nhà nước hoặc nộp tiền vào ngân sách nhưng hiện TP.HCM lại chưa xác định được số tiền này là bao nhiêu. Tại huyện Nhà Bè, đang có hơn 1,2ha/10ha đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ hơn 10 năm nay qua nhưng do không có ngân sách nên UBND huyện này cũng chưa thể đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp như quận 12 có dự án đã được thành phố chấp thuận cho Quỹ Phát triển nhà ở làm chủ đầu tư và được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 nhưng một số dự án lại nảy sinh thiếu vốn và nằm “phơi sương” từ nhiều năm qua.

Việc rà soát lại các dự án NƠXH là kế hoạch định kỳ, thường xuyên và phải thông qua giám sát kết quả giải quyết. Việc không thể xác định được nguồn thu 20% từ Quỹ NƠXH thuộc về trách nhiệm của Sở Tài chính nhưng chính Sở này cũng không nắm rõ được số liệu cụ thể. Lý do được ông Nguyễn Trần Phú - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM giải thích, nguồn thu này đang được gộp chung với tiền sử dụng đất của một dự án chứ không thành một khoản riêng nên việc xác định cụ thể số tiền là bao nhiêu rất khó khăn. Dù là bất cứ nguyên nhân nào, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM vẫn yêu cầu Sở Tài Chính và các Sở ngành liên quan phải rà soát tất cả dự án nhà ở thương mại có quỹ đất 20% làm NƠXH. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện chủ đầu tư nộp bằng tiền thì phải có báo cáo con số cụ thể để làm cơ sở tái đầu tư các dự án NƠXH, đồng thời minh bạch thu chi trước cử tri, nhân dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top