Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn nhiều lo ngại
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thông tin từ Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến 20/12, trong 705 huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã có 455 huyện hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với 46 triệu thửa đất. Toàn bộ các huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai. 325 huyện hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và 300 huyện xong cơ sở dữ liệu giá đất.
Như vậy cả nước hiện còn 405 huyện chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu giá đất và 380 huyện đang xây dựng dữ liệu quy hoạch sử dụng đất. Con số này cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và cơ sở dữ liệu giá đất nói riêng.
Vì thế, Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai đề nghị UBND các địa phương có giải pháp, hoàn thành hệ thống để kết nối, tích hợp với dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025.
Theo giới phân tích, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn đang chậm so với kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2025 và để tìm ra phương thuốc đặc trị, trước hết cần "bắt mạch" chính xác căn bệnh. Chia sẻ với báo chí, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai cũng thừa nhận nguyên nhân chậm tiến độ là do các địa phương chưa chủ động và quyết liệt trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực và hữu hiệu của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhìn nhận thực tế hơn, giới phân tích cũng cho rằng, một "tử huyệt" đang kìm hãm tiến trình số hóa đất đai. Đơn cử như không phải địa phương nào cũng "giàu có" như nhau. Nhiều huyện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, thiếu thốn đủ đường, từ kinh phí, nhân lực cho đến hạ tầng công nghệ thông tin. Họ giống như những người lính ra trận mà "lương khô" không đủ, súng ống lạc hậu, làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ?
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp "chinh chiến" trên mặt trận số hóa đất đai nhiều người còn "non tay". Trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ của họ chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng "lúng túng" trong quá trình thực hiện.
Đó còn chưa kể từ xưa đến nay, hồ sơ đất đai ở nước ta giống như một "ma trận" với đủ loại giấy tờ, sổ sách chồng chéo, mâu thuẫn, được hình thành từ nhiều thời kỳ khác nhau. Việc thu thập, cập nhật và xác thực dữ liệu trong "mớ bòng bong" này có lẽ còn cần rất nhiều thời gian.
Nhìn nhận về tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động Hà Nội cho hay thị trường đất nền vùng ven đang "nóng" với giá bị đẩy lên cao, tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh đó, việc thiếu một cơ sở dữ liệu đất đai đầy đủ, chính xác sẽ càng làm gia tăng rủi ro, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Ông Điệp lo ngại, sự chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay có thể khiến đề án này khó có thể hoàn thành đúng hạn và đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, bên cạnh đó là những hệ lụy tiêu cực đối với thị trường bất động sản.
"Việc thiếu thông tin đầy đủ, chính xác do cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thiện sẽ gây khó khăn cho việc lập quy hoạch, xác định giá đất, giá bất động sản trong tương lai", ông Điệp nhận định.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ
TS. Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, khẳng định rằng hệ thống cơ sở dữ liệu đóng vai trò then chốt trong việc quản lý nền kinh tế và điều tiết thị trường bất động sản.
Theo ông, nếu thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, các chính sách thuế sẽ khó phát huy hiệu quả, thậm chí có thể gây mất cân bằng và ổn định xã hội. Nguồn dữ liệu minh bạch từ phía Nhà nước là nền tảng để định giá bất động sản khách quan và chính xác, từ đó việc đánh thuế mới nhắm đúng đối tượng và đạt được mục tiêu điều tiết thị trường.
TS. Trần Xuân Lượng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin thu nhập và tài sản của người dân. Đây là điều kiện tiên quyết để quản lý nền kinh tế hiệu quả, và nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai từ lâu. Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu này để bắt kịp xu hướng chung và nâng cao năng lực quản lý kinh tế.
Để hiện thực hóa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, thị trường bất động sản và đẩy nhanh tiến độ, theo TS. Trần Xuân Lượng cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý. Cần thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng, bao gồm các quy định bắt buộc về niêm yết, báo cáo, cung cấp thông tin đất đai, bất động sản, đặc biệt là dữ liệu về giá. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo việc thực thi pháp luật.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm và năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là lực lượng trung gian. Cần đầu tư đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, biến lực lượng này thành "cánh tay nối dài" của Nhà nước trong việc thu thập, cung cấp dữ liệu thị trường.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ hiện đại. Coi việc thu thập, xử lý dữ liệu đất đai là một công trình nghiên cứu khoa học bài bản. Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) để điều tra, xử lý dữ liệu thứ cấp. Kết hợp với điều tra dữ liệu sơ cấp thông qua mạng lưới các điểm thu thập dữ liệu trên toàn quốc, theo mẫu thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cân nhắc ứng dụng công nghệ AI hoặc Blockchain để nâng cao khả năng quản lý dữ liệu bất động sản, lọc thông tin, đồng bộ dữ liệu về một nguồn, tạo thuận lợi cho việc theo dõi và xác định giá tiệm cận.
"Quản lý dữ liệu đất đai chính là quản lý tài sản quốc gia, một nhiệm vụ hệ trọng. Khi có dữ liệu chính xác, thị trường bất động sản sẽ trở nên công khai, minh bạch và công bằng hơn", TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.
Cần phải quyết tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai là một giải pháp then chốt để giải quyết những vấn đề còn bất cập trên thị trường bất động sản. Bởi cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường bất động sản. Hiện nay, tình trạng "hai giá" phổ biến tại Việt Nam, với giá mua nhà trên hợp đồng và giá giao dịch thực tế chênh lệch đáng kể.
Nguyên nhân là việc thu thập thông tin về thị trường, đặc biệt là giá bán, đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả những doanh nghiệp định giá đất lâu năm cũng "bó tay" trước thực trạng này. Thiếu thông tin minh bạch, rõ ràng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thổi giá, tạo sóng trên thị trường bất động sản.
Dù khó khăn Việt Nam vẫn cần phải quyết tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thời gian sớm nhất. Đây là nền tảng quan trọng để thị trường vận hành minh bạch, ổn định và bền vững, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng