Aa

Nguyễn Hữu Thái Hòa và sự trăn trở về cơ hội 4.0 cho lao động Việt

Thứ Tư, 02/05/2018 - 06:00

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, người lao động Việt trong 4.0 không hề thua kém các nước nhưng họ đang bị đặt vào một hệ thống tổ chức và quản trị không hiệu quả với giá trị tri thức kém cộng với nhiều rào cản trong tiếp cận cơ hội từ làn sóng công nghệ này.

Trong bối cảnh làn sóng công nghệ 4.0 nổi lên mạnh mẽ, PV đã có buổi nói chuyện với ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, một trong những chuyên gia hàng đầu và người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin về chủ đề người lao động Việt trong bối cảnh mới.

PV: Theo ông, công nghệ 4.0 nói chung và tự động hóa nói riêng đã thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam như thế nào trong những năm trở lại đây?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Trên thế giới, công nghệ 4.0 và tự động hóa diễn ra dựa trên một nền tảng đã thay đổi khoảng 15 năm qua, bắt đầu từ sau năm 2000, đóng góp lớn vào nền kinh tế toàn cầu và đặt thế giới vào những giai đoạn phát triển khác đầy ẩn số như làn sóng Bitcoin, blockchain trong năm qua.

Tại Việt Nam, công nghệ 4.0 và tự động hóa đã và đang xâm nhập với chiều sâu sản phẩm dịch vụ lẫn bề nổi của truyền thông đại chúng. Hệ thống truyền thông của mình đã làm khá tốt khi đã có rất nhiều thông tin, diễn đàn, hội nghị, phát biểu chuyên gia về chủ đề này.

Tuy nhiên, ứng dụng 4.0 khi đưa vào kinh tế, kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế và có chiều sâu sáng tạo công nghệ thì còn rất kém. Chiều sâu chỉ đang thể hiện khá ít ỏi ở một số tập đoàn về công nghệ thông tin và viễn thông khi họ bắt buộc phải làm nghề như gia công phần mềm, ứng dụng, quản lí Internet, hệ thống bảo mật giống như FPT, VNPT hay Vietel.

Kể cả tại những đơn vị này khi tôi có cơ hội được làm việc nhiều năm trong ngành, sự thay đổi vẫn còn rất tụt hậu so với các nước trong vùng do còn nhiều rào cản về cơ chế của Nhà nước và của chính họ.

Cách mạng 4.0 vẫn đang vào Việt Nam nhưng lại mang nhiều tính đại chúng, phong trào và truyền thông nhiều hơn là hỗ trợ thực sự cho nền kinh tế, chưa đóng góp giá trị thực tế vào GDP. Tôi kỳ vọng trong 3 năm nữa, các ứng dụng 4.0 của một làn sóng trẻ sẽ chín mùi hơn và tạo ra giá trị tài sản.

Mặc dù vậy, trong 3 năm qua không thể không kể tới một số điểm sáng dưới góc độ công nghệ 4.0, ví dụ như việc phổ cập hóa Facebook hay thành công của một số doanh nghiệp, dù điều này rơi vào tay những doanh nghiệp nước ngoài như Uber, Grab. Họ vào Việt Nam nhờ hệ thống hạ tầng công nghiệp 4.0 của ta đã quá sẵn sàng, họ thắng rất nhanh và kiếm được rất nhiều tiền.

Ngoài ra, trong nước hiện đang có những nhóm bạn trẻ tận dụng công nghệ 4.0 để tạo ra tài sản nhờ bán lẻ kiểu thương mại điện tử.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cách mạng 4.0 trong nông nghiệp nói riêng, do phần lớn người lao động xuất thân từ nông dân và nền kinh tế xuất phát từ nông nghiệp?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Ứng dụng công nghệ 4.0 đối với người nông dân Việt Nam thì không chỉ khó khăn mà quá khó khăn. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nền kinh tế đã khó, vào công nghiệp hóa đã khó thì vào nông nghiệp còn khó gấp 2 - 3 lần bởi công nghệ này cần sự thay đổi tư duy tiểu nông và hội nhập vào tư duy toàn cầu rất nhanh cũng như việc sử dụng phần mềm, công nghệ phải thật linh hoạt.

Bản chất của nông nghiệp Việt Nam là phát triển nhỏ lẻ và manh mún. Đây là rào cản cực lớn trong việc đưa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp nói riêng.

Khả năng tiếp cận công nghệ 4.0 và tự động hóa của nông dân còn rất yếu và đòi hỏi sự quyết liệt từ Chính phủ trong khi Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và nhiều Bộ vẫn chủ yếu làm phong trào, không thực chất và có rất ít sản phẩm dịch vụ đi vào nông thôn.

Công nghệ 4.0 đang mang lại cơ hội và hy vọng rất lớn cho Việt Nam. Dù bức tranh chung còn nhiều điều tiêu cực, nhưng phải hiểu là bức tranh càng tối thì có nghĩa là cơ hội càng ngày càng lớn và chỗ nào càng kém thì cơ hội càng cao. Điều này có nghĩa là nếu ai đó làm được tự động hóa, làm được 4.0 trong nông nghiệp thì khả năng thắng rất cao.

PV: Trong tương lai, liệu ông có cho rằng, công nghệ 4.0 sẽ cướp đi việc làm của người lao động hay không?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Việc đe dọa là có nhưng thực chất, tác động của 4.0 và toàn cầu hóa là tác động tích cực. Tăng trưởng GDP và hiệu quả kinh tế của công nghệ 4.0 cao hơn các thời kì cách mạng công nghiệp khác từ 5 tới 10 lần vì tất cả quy trình, hệ thống được chạy nhanh hơn với tốc độ của siêu kết nối.

Điều này có nghĩa là nguồn lao động không mất đi mà chỉ tăng lên khi người lao động sẽ dịch chuyển mình đến siêu kết nối và học hỏi nhanh hơn.

Vấn đề tôi đặt ra ở đây là cái gì mình lo lắng sẽ cướp đi việc làm của mình thì phải dùng nó làm đòn bẩy để nâng tầm của bản thân lên.

Tôi lấy ví dụ về người lái xe ôm. Trước đây họ chỉ biết lái xe ôm, không hề có khái niệm về công nghệ, chỉ đón khách bằng cách ngoắc tay ngoài đường. Thế nhưng khi có Uber, Grab, để cạnh tranh, để cập nhật, để được đủ tiêu chuẩn lái xe thì phải biết dùng phần mềm.

Rõ ràng là có sự thay đổi về công nghệ khi họ biết dùng smartphone định vị, tìm khách, trao đổi với khách hàng để làm dịch vụ tốt hơn và rõ ràng, ngay cả người lái xe ôm của Việt Nam cũng đã tăng hiệu quả công việc lên nhiều lần, cho thấy tác động của công nghệ 4.0 là tích cực.

PV: Năng lực và năng suất lao động của Việt Nam hiện được cho là ở mức khá thấp so với các quốc gia khác, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, theo ông nguyên nhân từ đâu?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Theo tôi, lỗi hiện nay nằm ở tư duy lãnh đạo còn nặng giáo điều, lý luận mà thiếu thực tiễn, thiếu chuyên môn sâu của bộ máy dẫn dắt tại Chính phủ, các cơ quan đầu ngành, các hiệp hội của từng ngành và ở cả bộ máy lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân.

Tôi khẳng định rằng, người lao động Việt Nam không hề thua kém các nước, thậm chí là thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt hơn rất nhiều quốc gia khác nhưng họ đang bị đặt vào một hệ thống không hiệu quả. Rất nhiều nhà máy chỉ cần thay ban lãnh đạo bằng người Singapore, người Pháp, người Mỹ hoặc người nước ngoài thì tự nhiên kết quả lao động tốt hơn nhiều lần.

Những người đứng đầu trong mọi ngành nghề của Việt Nam hiện nay không chịu thay đổi tư duy, không cập nhật kiến thức và trình độ kém hơn mặt bằng phát triển chung.

Tôi thấy ở Việt Nam, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp lao vào giải quyết sự vụ, không có thời giờ để trau dồi và học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao bản thân. Rõ ràng chính những người lãnh đạo đang là một rào cản cực lớn chứ không phải là người lao động.

Khoa học công nghệ trong nền công nghiệp hiện nay không chỉ là máy móc, công cụ hay là sản phẩm. Người Việt Nam đang chỉ suy nghĩ về khoa học công nghệ và công nghệ 4.0 ở tầm rất thấp là tầng công cụ khi nhập máy móc, thiết bị, phần mềm về. Chúng ta cần suy nghĩ ở tầng cao hơn, đó là khoa học công nghệ 4.0 về quản trị như hệ thống quản lý người và nguồn lực ở cấp quản trị.

Đẳng cấp cao nhất của công nghệ 4.0 là khoa học công nghệ về sáng tạo. Trong mọi nhà máy của Toyota, của Samsung, các chỉ số R&D về cải tiến và sáng tạo liên tục được tăng cường trong khi ở Việt Nam, các doanh nghiệp thiếu hẳn điều này.

Đây là thách thức mà cũng là hy vọng, cơ hội lớn của chúng ta trong thế kỷ XXI.

Cám ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top