Aa

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ “nguyên nhân cơ bản“ làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 07/11/2023 - 06:09

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sự thay đổi trong chính sách sử dụng đất đai có tác động đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020 chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tiến hành cổ phần hóa thành công (đạt 28,4% theo kế hoạch). Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị phải thoái. Căn cứ theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng không đạt ở hai nội dung, đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; đồng thời thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Tiến độ cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2021 - 2025 đang rất chậm và không đạt được kế hoạch đề ra. Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022, 5 tháng đầu năm 2023, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 20/5/2023, đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 1 tập đoàn (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), 1 tổng công ty (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và 24 doanh nghiệp thuộc các địa phương (Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Thái Bình, Trà Vinh).

Trong cả năm 2022, cả nước chỉ ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, song chưa ghi nhận thêm doanh nghiệp nào được cổ phần hóa.

Về thoái vốn, năm 2022 ghi nhận thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị là 43,9 tỷ đồng thu về 179,2 tỷ đồng.

Trong cả giai đoạn 2021 - 2022, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 4.848 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (60.000 tỷ đồng).

Đánh giá chung về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, kết quả hạn chế, làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước; đáng chú ý là thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11/2023, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt ra câu hỏi: "Tại Nghị quyết số 2, Quốc hội đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra, đặc biệt cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều doanh nghiệp nhà nước có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm đối với thực trạng này?".

đại biểu quốc hội nguyễn mạnh cường
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất là khi các doanh nghiệp muốn mua các doanh nghiệp cổ phần hóa thì người ta nhìn vào cả khu đất vàng. Bây giờ, Nghị quyết 60 của Quốc hội và nghị định của Chính phủ quy định không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở. Cho nên rõ ràng không còn địa tô chênh lệch, mà không còn địa tô chênh lệch thì doanh nghiệp không mua các công ty mà nhìn vào các khu đất này nữa.

Thứ hai là, phương án sử dụng đất thì gần như cả chính quyền địa phương không phê chuẩn. Bởi vì phê chuẩn chuyển mục đích từ đất này sang đất kia thì bây giờ cũng khó khăn và có mục đích sử dụng đất như chuyển sang đất ở thì đã bị nghiêm cấm rồi.

Thứ ba, tính giá trị quyền sử dụng đất vào trong giá trị của doanh nghiệp hay là các giá trị tài sản khác thì cần phải thẩm định giá,... chỗ này cũng tạo rủi ro. Các phương án để cổ phần hóa là các bộ, ngành và các doanh nghiệp chưa trình cho nên chậm tiến độ trong vấn đề này".

Trước đó, trong thông báo phát đi hồi tháng 8/2023, Bộ Tài chính cho biết kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Trong 8 tháng đầu năm 2023, đã có 46 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế đến ngày 25/8/2023, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 11 đơn vị với giá trị là 62,3 tỷ đồng thu về 225,3 tỷ đồng.

lê minh khái phó thủ tướng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP

Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: "Chúng ta thấy rằng, kể cả nhiệm kỳ trước và nửa nhiệm kỳ này thì việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, rồi cổ phần thoái vốn cũng chậm. Ví dụ, giai đoạn trước chúng ta chỉ thực hiện được 30%, còn 10 tháng trong năm 2023 thì chúng ta thực hiện những kết quả rất khiêm tốn.

Nguyên nhân là do bất ổn của thị trường tài chính trong nước và đặc biệt là tác động của dịch làm cho công tác cổ phần hóa cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư bị hạn chế. Đặc biệt, đặc thù của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay là những doanh nghiệp còn lại rất khó khăn và là những doanh nghiệp lớn. Trong thời gian vừa qua, có những doanh nghiệp tổng công ty khi cổ phần hóa thì tham gia của xã hội không nhiều, có những doanh nghiệp xã hội hóa chỉ được có 1%, ví dụ như Genco1, Genco2 và Genco3. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay cũng tham gia cung ứng dịch vụ công ích, theo đó việc cổ phần hóa rất khó khăn, đặc biệt các trình tự, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này rất phức tạp, do đó cũng có chậm.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo và tiếp tục thực hiện chỉ đạo những giải pháp. Vừa rồi các vị đại biểu, thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc và chỉ đạo các ngành, các cấp để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, tiếp tục rà soát và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước".

Xét đề nghị của Bộ Tài chính về tình hình cơ cấu lại DNNN 8 tháng đầu năm 2023 và nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký văn bản số 1026/TTg-ĐMDN ngày 27/10/2023 có ý kiến như sau:

1- Các Bộ, ngành, địa phương, DNNN nghiêm túc, quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao dưới đây, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành theo quy định:

- Cơ cấu lại DNNN theo Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" (ban hành theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ).

- Sắp xếp lại, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 (ban hành theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ).

- Trình ban hành Danh mục và thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo đúng quy định tại Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.

2- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022, khẩn trương có văn bản trong tháng 10 năm 2023 đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các kế hoạch sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo quy định; tổng kết tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 01 năm 2024.

- Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2023, không để chậm trễ hơn:

+ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 359/TB-VPCP ngày 30 tháng 8 năm 2023.

+ Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2021 theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 385/TB-VPCP ngày 20 tháng 9 năm 2023.

+ Việc hoàn thiện báo cáo về việc hướng dẫn hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 (nếu thấy cần thiết) theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 298/TB-VPCP ngày 31 tháng 7 năm 2023.

3- Bộ Tài chính:

- Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022, khẩn trương có văn bản trong tháng 10 năm 2023 đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; tổng kết tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 01 năm 2024.

- Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 10 tháng 11 năm 2023, không để chậm trễ hơn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) các Nghị định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 4083/VPCP-ĐMDN ngày 04 tháng 6 năm 2023.

- Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại văn bản số 7656/BKHĐT-PTDN ngày 18 tháng 9 năm 2023), cập nhật đầy đủ số liệu các cơ quan, đơn vị chưa báo cáo. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất, hoàn thiện đề xuất về phương án điều chỉnh ngân sách liên quan đến nguồn thu từ bán vốn nhà nước theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, quy định tại Luật ngân sách Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ số: 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017, 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 và pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, bổ sung ý kiến của các Bộ, cơ quan địa phương liên quan theo quy định, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2023. 

4- Văn phòng Chính phủ đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top