Aa

Nỗi sợ tháng “cô hồn": Mua bán BĐS ế ẩm, có môi giới “đá" thêm chạy Grab

Thứ Bảy, 08/08/2020 - 11:15

Do điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi cộng với quan niệm về tháng "cô hồn" nên tâm lý khách hàng vẫn tránh mua nhà vào tháng 7 âm lịch. Giao dịch bất động sản được dự báo sẽ trầm lắng vào tháng này.

Vừa nhen nhóm phục hồi lại “sấp mặt" vì khó khăn

Các báo cáo công bố đều cho thấy, hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản hiện chứng kiến mức giảm sút lớn trong các giao dịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên trong quý II đã có phần nào được hồi phục.

Do điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi cộng với quan niệm về tháng cô hồn nên tâm lý khách hàng vẫn tránh mua nhà vào tháng 7 Âm lịch.
Do điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi cộng với quan niệm về tháng cô hồn nên tâm lý khách hàng vẫn tránh mua nhà vào tháng 7 âm lịch.

Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực. Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục.

Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại.

“Hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quý trước và có những tín hiệu lạc quan, tích cực, có thể nói, đến nay thị trường bất động sản đang dần từng bước khôi phục lại sau thời gian giãn cách xã hội và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng phát triển”, Bộ Xây dựng nhận xét.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2020, các sàn giao dịch bất động sản chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trong quý II, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch bất động sản đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại.

Tính đến thời điểm này ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%

“Như vậy, sau đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 thì số lượng sàn giao dịch bất động sản hoạt động gần như không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng”, Bộ Xây dựng nhận xét.

Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 mới bùng phát kể từ tháng 7 tại Đà Nẵng lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước thì thị trường bất động sản quý 3 lại được nhận định không mấy tiêu cực. Chưa kể như hàng năm, quý III sẽ có tháng Ngâu hay còn gọi là “cô hồn".

Các chuyên gia cho rằng, nếu dịch bùng phát mạnh, các địa phương tiếp tục triệt để việc giãn cách thì thị trường bất động sản sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái tạm dừng. Trạng thái "ngủ đông" này có thể “đáng sợ" hơn vì sức lực doanh nghiệp đã hao kiệt do làn sóng dịch Covid-19 lần 1.

Theo thống kê của Vndirect, trong quý II, ngành bất động sản cũng sụt giảm lợi nhuận đến 29,3% so với cùng kỳ do khó khăn trong việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ và mở bán.

Chưa kể, các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng việc suy thoái kinh tế dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh.

Đặc biệt tháng 7 âm lịch lại là tháng có lễ xá tội vong nhân, dân gian gọi là tháng cô hồn nên nhiều người cũng kiêng mua nhà vào tháng này. Vì vậy, giao dịch bất động sản tháng này bao giờ cũng trầm lắng.

Sợ doanh số sụt giảm, doanh nghiệp lo sốt vó

Nói với PV, ông Vũ Sinh Nhật - Sàn giao dịch bất động sản Housing Xinh cho biết, giao dịch bất động sản trong tháng Ngâu thường bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Người ta quan niệm tháng Ngâu là tháng “cô hồn”, tháng 7 là tháng “thất bát”... nên hay kiêng kỵ mua những tài sản lớn như nhà cửa, bất động sản đầu tư”, ông Nhật nhận xét.

Theo vị này, nếu có sôi động chủ yếu là đi xem, còn quyết định mua thường nhiều khách hàng chọn thời điểm sang tháng 8. Thông thường hàng năm thời điểm từ tháng 8 - 11 âm lịch giao dịch mua bán bất động sản sẽ sôi động.

Theo chia sẻ ông chủ sàn môi giới này, thường mức sụt giảm trong tháng “cô hồn" có thể lên tới 70 - 80%. “Những phần trăm còn lại giao dịch chủ yếu là đặt cọc”, ông Nhật nói.

Ông Nhật cũng cho biết, để không ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung ra các "chiêu" khuyến mãi nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, như chiết khấu, giảm %, tăng tính hấp dẫn về giá bán.

Về câu chuyện nhiều môi giới "chơi dài" những tháng Ngâu, ông Nhật cho biết, cũng tuỳ từng người. Theo vị này, nếu là đội ngũ chuyên viên tư vấn, họ thường tận dụng thời điểm này đi học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, tìm thêm các sản phẩm. Còn đối với các môi giới đơn thuần, đặc biệt những người không sâu sát với nghề, không có nhiều kinh nghiệm, ít khách thì có người "đá" thêm chạy Grab hoặc làm việc gì đó khác lúc thời gian rảnh.

“Tuy nhiên con số này nhỏ thôi, cá biệt vài trường hợp chứ không phản ánh số đông", ông Nhật chia sẻ.

Ông Nhật cho biết, năm nay cộng thêm ảnh hưởng Covid-19 nên khả năng thị trường còn trầm lắng hơn nhiều so với mọi năm. Mặc dù vậy, vị này vẫn lạc quan cho rằng, dù thị trường có khó khăn đến mấy thì nhu cầu về nhà ở vẫn lớn, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ sớm phục hồi trở lại.

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản cũng cho rằng, do điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi cộng với quan niệm về tháng cô hồn nên tâm lý khách hàng vẫn tránh mua nhà vào tháng này. Vì người ta quan niệm căn nhà gắn bó lâu dài nên thà kiêng một chút thừa còn hơn, với quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Vì vậy giao dịch nhà đất tháng này thường trầm lắng.

Nhận định về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020, ông Bùi Văn Doanh nói: Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến bất động sản du lịch và shophouse, còn nhà ở, nhất là căn hộ chung cư cũng ảnh hưởng nhưng không nhiều.

"Covid-19 tác động rất lớn đến kinh tế, nhưng chính vì thế mà vàng và bất động sản lại là kênh trú ẩn cho đồng tiền. Vì vậy nếu tình hình dịch kéo dài thì thị trường bất động sản cũng sẽ có khả năng dần dần hồi phục trong những tháng cuối năm", ông Doanh nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top