Bất động sản vẫn là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền đầu tư
Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động khi nền kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Nhiều nhà quan sát cho rằng, giai đoạn này đang thấm thía câu nói - “Lịch sử luôn biết cách lặp lại chính mình”.
Bởi từ nửa cuối năm 2022, VN-Index đã có lúc trở về thời điểm 15 năm trước (năm 2007) khi giảm xuống dưới 1.000 điểm. Thời điểm năm 2007, kinh tế Việt Nam thăng hoa với GDP tăng 8,4%, thu hút FDI đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD và VN-Index bay cao trên ngưỡng 1.000 điểm. Nhưng chỉ sau đúng một năm, chỉ số này đã rơi thẳng đứng từ ngưỡng 1.000 điểm xuống chỉ còn 288 điểm, xóa sạch thành quả tích lũy của bao người.
Đến năm 2022, lịch sử của năm 2007 đã lặp lại. Sau những cơn hưng phấn tột độ khiến VN-Index xác lập cột mốc lịch sử hơn 1.500 điểm thì rất nhanh sau đó, thị trường đã tuột dốc và có lúc xuống dưới 1.000 điểm.
Nhiều người cho rằng, giữa bối cảnh biến động và khó lường như hiện tại, dòng tiền đang chảy vào kênh tiết kiệm. Tuy nhiên, với sự trượt giá của Việt Nam đồng cùng biên độ tăng lãi suất không ổn định, các ngân hàng chưa đủ để hấp dẫn người dân gửi tiền vào. Nhìn rộng ra, kênh đầu tư vàng cũng đang nhảy múa hết sức khó lường, ngoại tệ đầy rẫy rủi ro.
Vì vậy, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư khả quan, “vịnh tránh bão” cho dòng tiền đổ về nhờ đặc tính an toàn và giữ giá.
Mặc dù, thị trường bất động sản vẫn còn những lo ngại nhất định về thanh khoản nhưng giới chuyên gia cho rằng, vấn đề thanh khoản của bất động sản hiện nay chỉ là hệ quả nhất thời của việc điều hành chính sách tiền tệ, hoàn toàn không xuất phát từ các yếu tố nội tại của thị trường này.
Ngược lại, thị trường bất động sản Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng và duy trì lợi suất hấp dẫn như: Cung luôn không theo kịp cầu, giá trị ổn định và tăng đều đặn qua thời gian, chủ sở hữu không phải chịu thuế tài sản hay thuế ngôi nhà thứ hai…
Trong một báo cáo phát đi hồi tháng 7/2022, Savills Việt Nam đã nhấn mạnh, bất động sản luôn là kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai.
Xét về tỷ suất lợi nhuận, theo Dragon Capital, trong chu kỳ 5 năm, bất động sản có lợi suất 12,1%, cao vượt trội so với các kênh đầu tư khác như tiền gửi, vàng, USD và chỉ chịu xếp sau cổ phiếu (19,2%). Tuy nhiên nếu cầm trong 15 năm, lợi suất của bất động sản sẽ vượt cả cổ phiếu và gấp nhiều lần các kênh còn lại.
Giai đoạn hiện tại được đánh giá là giai đoạn chuyển giao chu kỳ của thị trường bất động sản nên việc gặp phải những khó khăn là không tránh khỏi. Song khi hoàn thành giai đoạn chuyển giao và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, bất động sản sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ và đáp ứng kỳ vọng lợi nhuận đầu tư của giới đầu tư hiện nay.
Phía Nam Thủ đô là điểm dừng chân lý tưởng
Mặc dù bất động sản đang là kênh đầu tư triển vọng, song việc lựa chọn địa bàn để rót tiền lại không hề đơn giản. Nếu mở bản đồ đầu tư, không khó để nhận ra nội đô các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã phát triển quá “nóng”, gần như không còn dư địa để đầu tư bất động sản nhà ở và thương mại.
Với các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… tình trạng cao giá đã diễn ra do xuất hiện nhiều đợt “sóng” đánh lên rất mạnh trong giai đoạn trước đó.
Như vậy, địa bàn đầu tư lý tưởng sẽ là những thị trường mới, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, định hướng phát triển rõ ràng, hạ tầng giao thông đang trong thời kỳ bùng nổ và đặc biệt là chưa có nhiều “sóng” giá.
Chiếu theo các điều kiện này, thị trường vùng ven các thành phố lớn đang nổi lên là sự lựa chọn hàng đầu. Trong đó, bất động sản phía Nam Hà Nội được đánh giá có nhiều triển vọng.
Nếu như trước đây, khu Nam được xem là “con ghẻ” của thị trường bất động sản Hà Nội, là bức tranh ảm đạm trái ngược hoàn toàn với sự nhộn nhịp và phát triển của khu Đông và khu Tây thì trong thời gian gần đây, khi Thanh Trì được quy hoạch lên quận, loạt các hạ tầng được đầu tư hiện đại, phía Nam Thủ đô đã có sự “trở mình” mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc sở hữu quỹ đất lớn trong khi các khu vực khác đang ngày càng khan hiếm cũng là một lợi thế khiến khu Nam trở thành “thánh địa” thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản.
Minh chứng cho điều này, vài năm trở lại đây, khu Nam Hà Nội đã có sự xuất hiện của nhiều các “ông lớn” địa ốc như Vingroup, Ecopark, Tân Hoàng Minh, MIK Group, Geleximco, T&T Group,… với nhiều dự án đồ sộ.
Giao dịch bất động sản thời gian qua cũng trở nên nhộn nhịp, lượt tìm kiếm trên các kênh quảng cáo tăng mạnh, giá bất động sản cũng theo đó có chiều hướng gia tăng.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay một số khu vực đã có mặt bằng giá tăng như Cầu Bươu có giá trên dưới 100 triệu/m2 đặc biệt có những vị trí mặt đường lên đến 150-180 triệu/m2, Kim Giang 80-90 triệu/m2, quanh tuyến đường Phan Trọng Tuệ dao động từ 90 - trên 100 triệu triệu/m2, Tân Triều dao động trên 100 triệu/m2…
Tuy nhiên, đây chưa phải mức giá quá cao so với mặt bằng chung của thị trường bất động sản Hà Nội nên nhiều chuyên gia nhận định, tiềm năng tăng giá tại khu vực này vẫn còn rất tốt, đặc biệt là khi Thanh Trì chính thức lên quận.
Trong bức tranh chung đang dần khởi sắc, khu Nam lại càng tươi sáng hơn khi TP. Hà Nội quy hoạch xây dựng công viên Chu Văn An, phía Tây Bắc huyện Thanh Trì. Đây là dự án công viên có quy mô lên tới 55ha, nằm giữa 2 trục đường huyết mạch là Vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển) và Phan Trọng Tuệ (đường 70), bao gồm các hạng mục cảnh quan là cây xanh, hồ điều hòa và văn hóa là các khu tưởng niệm, bảo tàng.
Sự xuất hiện của dự án công viên đi kèm với việc xây dựng tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La dài 2,5km, rộng 53,5m đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các dự án mới nối tiếp nhau ra đời.
Dự báo trong tương lai gần, khu Nam Hà Nội sẽ là toạ độ dừng chân của rất nhiều các doanh nghiệp, nhà đầu tư địa ốc đổ về./.