Aa

Nhà đầu tư bối rối tìm kênh đổ vốn

Thứ Ba, 27/11/2018 - 06:01

Lãi suất tăng mạnh, nhưng tiền vào ngân hàng vẫn tăng chậm. Vậy tiền đang đổ vào ngoại tệ, vàng, chứng khoán hay bất động sản?

Tiền chảy đi đâu?

Bất chấp lãi suất huy động liên tục tăng, báo cáo tài chính của hàng loạt ngân hàng trong 3 quý đầu năm cho thấy, hầu hết ngân hàng rơi vào cảnh tín dụng tăng mạnh hơn so với tốc độ huy động vốn. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khối ngân hàng nhỏ, mà với cả các ngân hàng lớn. Đơn cử, Vietcombank huy động chỉ tăng 9%, trong khi cho vay tăng tới 15,5%...

Vàng và USD là hai sản phẩm có thể mang lại thành công cho nhà đầu tư nếu đầu tư dài hạn. Trong ảnh: Kinh doanh vàng miếng tại hệ thống cửa hàng của Công ty SJC. Ảnh: Đức Thanh. 

Vàng và USD là hai sản phẩm có thể mang lại thành công cho nhà đầu tư nếu đầu tư dài hạn. Trong ảnh: Kinh doanh vàng miếng tại hệ thống cửa hàng của Công ty SJC. Ảnh: Đức Thanh. 

Vậy tiền đã chảy đi đâu?

Nếu như năm 2016 - 2017, dòng tiền ồ ạt đổ vào tiền ảo, thì năm nay, thị trường chứng kiến sự xuống dốc thảm hại chưa từng có của thị trường này. Tương tự, thị trường chứng khoán sau một năm tràn ngập kỷ lục cũng bước vào xu thế giảm điểm.

Tuy nhiên, ngoại trừ tiền ảo, dòng vốn vẫn được đều đặn phân bổ vào các kênh đầu tư chính, như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù xu hướng bán đang áp đảo, song số liệu thống kê cho thấy, dòng tiền vẫn được nhà đầu tư giữ trên sàn để chờ cơ hội, thay vì rút về tài khoản ngân hàng.

Làn sóng găm giữ ngoại tệ không diễn ra rầm rộ, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, vài tháng gần đây, tình trạng “găm” USD đã bắt đầu trở lại ở một số nhóm đối tượng. Tình trạng này không đến mức căng thẳng. Với sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), USD mỗi năm chỉ tăng giá 2-3%, lợi tức thu về từ nắm giữ USD vẫn thua xa so với nắm giữ tiền đồng (lãi suất tới 7 - 8%/năm cho kỳ hạn dài).

Trong số các kênh đầu tư, bất động sản đã giảm dần sức hút trước nhiều yếu tố bất lợi. Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, từ những khó khăn của thị trường bất động sản năm 2018, năm 2019, nhiều phân khúc bất động sản có thể giảm giá.

Việc NHNN thắt chặt tín dụng vào bất động sản năm 2019, nợ xấu liên quan đến bất động sản khó xử lý và đang gia tăng, một số phân khúc bất động sản dư thừa nguồn cung… khiến nhà đầu tư rất e ngại khi rót vốn vào kênh này.

Thận trọng đầu tư vào những kênh dễ “đổ máu”

Năm 2018 là một năm khá u ám đối với các nhà đầu tư khi các kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao đều rất dễ “đổ máu”.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, nếu nhìn xa, USD và vàng là hai sản phẩm có thể mang lại thành công cho nhà đầu tư. Dù USD đang tăng ở mức vừa phải, song được xem là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, vàng sau 8 năm trầm lắng có thể sẽ lấp lánh trở lại khi các kênh đầu tư rủi ro khác gặp khó.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng thế giới rất khó dự đoán và nhiều khả năng vẫn khó tăng mạnh. Với thị trường Việt Nam, đầu tư vàng càng khó sinh lời với chính sách quản lý siết chặt của NHNN, nên đầu tư vàng không phải là lựa chọn tốt. Tương tự, tuy USD đang trong xu hướng tăng giá, song mức biến động 2 - 3%/năm như hiện nay cũng không mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh bất động sản, chứng khoán chứa đựng nhiều rui ro, TS. Hiếu cho rằng, lựa chọn an toàn nhất vẫn là gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Không thể phủ nhận, so với vàng, ngoại tệ, lãi suất tiền đồng đang tỏ ra vượt trội. Song thực tế, dòng vốn vào ngân hàng vẫn bị cạnh tranh mạnh mẽ với chứng khoán và bất động sản, dù đây là hai kênh đầu tư rủi ro nhất hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn, song nhu cầu mua nhà đất làm tài sản vẫn được người dân ưa chuộng và đây sẽ tiếp tục là kênh đầu tư chủ chốt trong năm 2019.

Tương tự, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, thị trường này sẽ phát triển ổn định hơn do nhu cầu của người dân và nhà đầu tư vẫn rất lớn. “Vốn ngân hàng đổ vào bất động sản bị siết chặt hơn, song tổng nguồn vốn vào thị trường này sẽ không giảm”, ông Nam nhận định.

Được biết, tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ trên 10% còn 6 - 7%, song số lượng tuyệt đối vẫn liên tục tăng (do tổng dư nợ toàn hệ thống tăng nhanh). Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối rót vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh mấy năm gần đây.

Dù đầu tư vào kênh nào, theo các chuyên gia, điều đầu tiên mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải ghi nhớ là phải rót vốn trên cơ sở hiểu biết về lĩnh vực đó, nếu đầu tư theo phong trào sẽ rất dễ thất bại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top