Aa

Cái bóng của lợi nhuận ngân hàng 2018 quá lớn?

Thứ Ba, 27/11/2018 - 02:37

Năm 2018 chỉ còn hơn một tháng. Thời điểm này, các doanh nghiệp nói chung cũng như các ngân hàng thương mại nói riêng đã phải định hình dần kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh năm tới.

Báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại đã cho thấy, quý 3/2018 tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã thấp hơn so với cùng kỳ 2017, thậm chí giảm nếu so sánh riêng quý - Ảnh: Quang Phúc.

Báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại đã cho thấy, quý III/2018 tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã thấp hơn so với cùng kỳ 2017, thậm chí giảm nếu so sánh riêng quý - Ảnh: Quang Phúc.

Phải đến cuối tháng 1/2019 mới vào mùa công bố kết quả kinh doanh năm nay. Nhưng lúc này có thể khẳng định: 2018 là năm nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đạt kỷ lục lợi nhuận trong lịch sử.

Điểm quan tâm còn lại: liệu lợi nhuận các nhà băng nói chung đã đi vào vùng đỉnh hay chưa, kết quả 2018 có tạo nên cái bóng quá lớn cho năm 2019 soi vào?

Quan điểm của “Tây”, áp lực ở “Ta”

Hơn ba năm trước, VnEconomy từng trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Quốc Tế (VIB). Khi đó, quan điểm của cổ đông chiến lược nước ngoài (Commonwealth Bank of Australia - CBA) được đồng thuận, nhấn mạnh đến những bước đi chậm lại trong các chỉ tiêu tăng trưởng, tập trung củng cố nền tảng bằng gia tăng trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu, nâng cao hệ số an toàn vốn…

Sau những năm củng cố đó, đến nay VIB có các kỳ cập nhật kết quả kinh doanh với tăng trưởng, đặc biệt về lợi nhuận, tính bằng lần. Dù vậy, chắc chắn và thận trọng vẫn là quan điểm ưu tiên tại đây.

Một tổng giám đốc kỳ cựu trong ngành cũng chia sẻ, bên lề một cuộc chia tay cổ đông ngoại tại một ngân hàng thương mại khác. Nguyên do chia tay, tựu trung vẫn từ khác biệt trong quan điểm.

Theo vị lãnh đạo này, với các ngân hàng nước ngoài, những định chế tài chính nước ngoài trở thành cổ đông lớn, cổ đông chiến lược tại ngân hàng Việt, phần lớn họ có quan điểm hướng đến những bước tăng trưởng vừa phải, cỡ 5 - 7% tăng trưởng lợi nhuận mỗi năm đã là rất thành công. Họ đề cao sự chắc chắn và chiều sâu các yếu tố nền tảng, e ngại những bước tăng trưởng nóng tiềm ẩn rủi ro.

Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng Việt, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thường đặt ra ở mức độ hai con số, phổ biến cỡ "phải" 15 - 20% mỗi năm, thậm chí cao hơn.

Khác biệt lớn về chỉ tiêu, dẫn tới chiến lược và bước đi không hợp nhau, thậm chí dẫn đến xung đột quan điểm, mà mối quan hệ giữa cổ đông chiến lược nước ngoài với cổ đông lớn trong nước tại một số ngân hàng thương mại trước đây thiếu bền chặt, và có những cuộc chia tay…

Ngay cả tại thành viên có cổ đông nội chi phối lớn, lợi nhuận liên tiếp tạo kỷ lục mới hai năm qua, nhưng yêu cầu và áp lực tăng trưởng cao vẫn thường trực. Lãnh đạo cao cấp tại đây cho biết, đầu năm nay họ dự kiến đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng chỉ khoảng 10%, nhưng cuối cùng vẫn phải nới lên trên 20% để trình cổ đông.

Khi đó, vị lãnh đạo trên chia sẻ: "Sau khi vận hành xong nhiều đề án quan trọng, đặc biệt xử lý gọn và vượt trước thời hạn về nợ xấu, chúng tôi không ngại áp lực lợi nhuận. Nhưng vẫn phải thận trọng. Vì vậy ban đầu chỉ tính toán khoảng 10% tăng trưởng lợi nhuận năm nay thôi. Thế nhưng cũng có ý kiến băn khoăn. Chẳng lẽ lại thấp vậy, rồi so với các ngân hàng khác. Cổ đông người ta cũng đòi hỏi tăng trưởng cao, không lẽ tiềm năng và nội lực của mình chỉ đến vậy… Nên rồi cũng nâng chỉ tiêu lên".

Thực tế đang diễn ra. Dù còn hơn một tháng nữa mới hết năm, nhưng chắc chắn nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ có năm 2018 với lợi nhuận tiếp tục bùng nổ, với những kỷ lục mới và nhiều mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí 30 - 50%.

Nhưng, tốc độ đó có tiếp tục duy trì được trong năm 2019 hay không?

Không thể "khập khiễng" mãi

Không phải đến 2019, áp lực lợi nhuận đã nặng lên trong năm 2018 rồi. Bất thành văn, cũng đã có hiện tượng một số ngân hàng phòng thân bằng giấu bớt lãi từ trong năm 2017.

Tình huống đặt ra, họ để bớt lãi ở trích lập dự phòng, ở một số khoản mục phải thu mà chưa hạch toán vào lợi nhuận. Một mặt để dành cho năm tới, mặt khác hạn chế mức lãi năm nay cao mà tạo tham chiếu lớn áp lực cho tăng trưởng năm sau.

Áp lực cũng đã thể hiện rõ trong năm 2018. Báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại đã cho thấy, quý III/2018 tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã thấp hơn so với cùng kỳ 2017, thậm chí giảm nếu so sánh riêng quý.

Trùng hợp, quý III/2018 cũng là quý đầu tiên các nhà băng chịu ảnh hưởng từ chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, với thực tế hầu hết các thành viên không được nới như các năm trước.

Chủ trương đó dự kiến sẽ nối tiếp trong 2019. Có thể lường trước năm tới sẽ rất hạn chế những trường hợp có tăng trưởng tín dụng từ 20%, và tất nhiên càng rất khó để thấy tốc độ cỡ 25 - 40% như trước đây.

Tín dụng cũng chính là một chỉ tiêu điển hình trong sự "khập khiễng" với áp lực tăng trưởng lợi nhuận.

Trong một lần trao đổi giữa năm nay, lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Quân đội (MB) từng đặt ra so sánh. Có thể nói so sánh này mang tính quyết định cho triển vọng và kỳ vọng lợi nhuận các ngân hàng thương mại nói chung trong tương lai, nói là áp lực cũng được.

Đó là: tạm tính tham số chung cho một ngân hàng bình thường, trong điều kiện bình thường, tăng trưởng huy động cỡ 15 - 17%/năm, tăng trưởng tín dụng cỡ 14 - 16%/năm, tăng trưởng tổng tài sản cỡ 15 - 20%/năm, vốn tăng 7 - 10% hoặc thậm chí không tăng được, trong khi tăng trưởng lợi nhuận hai năm vừa qua 30 - 40 - 50%/năm.

Những cân đối đó "khập khiễng" lớn với tăng trưởng lợi nhuận.

Hai năm qua có những đóng góp đột biến ở nhiều thành viên từ thu nhập dịch vụ bảo hiểm, thu hồi nợ xấu, tăng thu dịch vụ, lãi biên cải thiện, tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm xuống do tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí từ thoái vốn hoặc bán công ty con…

Những khoản mục trên đang đi vào ổn định, bớt mức độ đột biến và bất thường. "Khập khiễng" với tăng trưởng lợi nhuận cao theo đó không thể kéo dài mãi. Trong khi với kỷ lục dự kiến đạt được, lợi nhuận năm 2018 sẽ tạo một cái bóng tham chiếu lớn cho tăng trưởng năm sau.

Tất nhiên, với các nhà băng, lợi nhuận không có đỉnh. Họ vẫn có chỉ tiêu tăng thêm tín dụng năm tới, có hướng dịch chuyển đóng góp của các mảng dịch vụ, có sự nổi lên của ngân hàng số dù chưa mở rộng với số đông, tùy thuộc vào nỗ lực và kết quả xử lý nợ xấu để hoàn nhập lãi… Và bao trùm vẫn tùy thuộc triển vọng kinh tế vĩ mô, môi trường thế giới.

Còn cụ thể, thị trường phải chờ đến tháng 4/2019, mùa đại hội đồng cổ đông để nhận những bản kế hoạch chi tiết.

Điểm chung có thể thấy trước lúc này, như trên, đó dự kiến sẽ là những bản kế hoạch thận trọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top