Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị góp vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng của nguồn vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,54 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn vốn FDI tăng chứng tỏ những tín hiệu tích cực đến với thị trường bất động sản Việt Nam. Việc thu hút được sự đầu tư từ nước ngoài, giúp chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn hàng bất động sản theo đó sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng.
Thị trường 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự xuất hiện những dự án có quy mô vốn lớn từ nước ngoài. Điển hình phải kể đến vào cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới để phát triển dự án thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh với quy mô lên đến 714ha.
Mới đây, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã đón giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Lotte Mall Hà Nội xây khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày tại Hà Nội với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD.
Đáng chú ý, dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,138 tỷ USD của một nhà đầu tư Nhật Bản là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn cam kết lớn nhất từ đầu năm đến nay, góp phần đáng kể vào kết quả thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm.
Những số liệu trên rõ ràng cho thấy, nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định là yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Đặc biệt, diễn biến của thị trường sẽ đem lại những hứa hẹn trên mọi phân khúc bất động sản.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho hay: “Hiện nay, chúng ta đã thấy xu hướng nhà đầu tư là người nước ngoài đầu tư mạnh vào bất động sản Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là các địa phương ven biển đã có nhà đầu tư từ Hong Kong, Singapore quan tâm và quyết định đầu tư. Đối với thị trường Hà Nội, rõ ràng nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc với nguồn cầu gia tăng. Đặc biệt, FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang tăng rất cao, đứng top đầu nên rõ ràng đây là nguồn cầu tiềm năng cho thị trường bất động sản”.
Nói về sự thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài, bà Hằng nhận định, tại khu vực phía Nam có đầu tư lớn về hạ tầng nên kỳ vọng, xu hướng sẽ thu hút nhà đầu tư trong nước nhiều hơn. Trong quý II/2018, khu vực phía Tây đặc biệt thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở các phân khúc văn phòng cho thuê, đi kèm là hạng mục trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, căn hộ để bán.
“Có thể nói, khu vực phía Tây đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, không chỉ dừng lại đối với nguồn cầu căn hộ nhỏ lẻ mà chúng tôi thấy họ sắp hiện diện ở nhiều phân khúc khác”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng cũng cho hay, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, họ thường quan tâm nhiều đến bất động sản tại trung tâm thành phố đã xây xong nhưng hiện tại họ cũng thay đổi khẩu vị không ở Hà Nội mà chuyển sang Hải Phòng, Bắc Ninh và phân khúc họ hướng tới vẫn là các phân khúc như căn hộ để bán, căn hộ dịch vụ./.