Theo công bố của Batdongsan.com.vn, nhóm "người chơi mới" tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam gồm các doanh nghiệp, quỹ đầu tư... đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường thông qua mua bán, sáp nhập (M&A). Họ thu mua quỹ đất của những doanh nghiệp bất động sản hoặc tự thành lập doanh nghiệp bất động sản để phát triển sản phẩm riêng.
Gia tăng M&A dự án
Mới đây, Tập đoàn bất động sản Gamuda (Malaysia) đã thông báo việc công ty con là Gamuda Land đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá trị hơn 7.200 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị này cũng trực tiếp sở hữu dự án hỗn hợp nhà cao tầng tại TP.HCM là Khu nhà ở Tâm Lực. Sau khi về tay Gamuda Land, dự án được thiết kế với 1.968 căn hộ riêng biệt, 12 căn hộ áp mái, 51 cửa hàng khối đế và 21 căn nhà phố thương mại.
Theo Tập đoàn Gamuda, việc mua lại Tâm Lực là cơ hội hiếm hoi giúp Gamuda Land gia tăng quỹ đất tại địa điểm đắc địa này và bổ sung nguồn căn hộ chất lượng cao khi rủi ro về phê duyệt quy hoạch và pháp lý được giảm thiểu đáng kể.
Ngoài ra, Tập đoàn Keppel (Singapore) cũng đang gia tăng hoạt động M&A dự án, với thương vụ được dư luận quan tâm gần đây là việc Keppel cùng Keppel Vietnam Fund (KVF) đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% cổ phần từ Công ty Khang Điền tại 2 dự án khu dân cư liền kề ở TP. Thủ Đức. Giá trị thương vụ chuyển nhượng này giúp Khang Điền thu về 3.180 tỷ đồng (khoảng 187,1 triệu USD).
Trước đó, Công ty CapitaLand Development, thành viên Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đã đàm phán mua một phần tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương hơn 36.000 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Vinhomes. Cụ thể, CapitaLand Development sẽ tham gia mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes. Đây là dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng có diện tích 294ha gần Hà Nội hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng.
CapitaLand cũng đã đàm phán một thương vụ khác trị giá 716 triệu USD để thâu tóm quỹ đất có vị trí đắc địa tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) với quy mô 8ha. Thương vụ này cũng chuẩn bị cho một công trình quy mô hơn 1.100 căn hộ khởi công năm 2024 và đưa vào hoạt động từ năm 2027.
Một thương vụ điển hình trong việc doanh nghiệp phải nhượng dự án bất động sản để "bán" nợ, đó là Công ty cổ phần Địa ốc No Va (Novaland) đã hoán đổi thành công số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại 2 công ty thành viên của Novaland cho đối tác là Dallas Vietnam Gamma Ltd. Trước đó, Novaland cho biết đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua 4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền, với tổng trị giá 4.620 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt) đã bán 89% vốn sở hữu dự án cao ốc 197 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) của công ty để thu về 285 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua lượng lớn cổ phần từ các doanh nghiệp bất động sản trong nước, để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
"Săn" dự án giá hời
Theo một chuyên gia bất động sản, các đối tác mạnh về tiền đang có động thái "săn" dự án để mua giá hời. Họ chủ yếu tham gia ở các dự án có đầy đủ pháp lý, tham gia cổ phần dễ dàng và dự án có nhiều tiềm năng.
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), cho biết hiện nay không chỉ riêng QCG mà hầu hết cả Việt Nam hiện đang gặp vướng mắc về pháp lý bất động sản. Công ty đã không giải quyết được dự án ở nội đô nào trong 3 năm qua 2021-2023. Trong quá trình chờ chính sách được tháo gỡ, công ty đã gặp gỡ nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng nhiều đối tác vẫn còn lo ngại do tình trạng pháp lý.
Tuy nhiên, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), số lượng M&A dự án bất động sản sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý 4/2023, thậm chí kéo dài sang quý 2/2024.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận.
Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.
Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Dòng vốn đầu tư vào bất động sản luôn sẵn sàng chảy vào thị trường, nhưng cơ hội tìm được một dự án tiềm năng lại đầy thách thức. Do đó, hầu hết nhà đầu tư muốn tham gia liên doanh, liên kết và M&A hơn là giao dịch bất động sản thuần túy./.