Aa

Bất động sản 24h: Nhà đầu tư ồ ạt rao bán đất, đại gia “săn“ biệt thự ở tỉnh

Thứ Tư, 15/06/2022 - 11:45

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản; Nhà đầu tư ồ ạt rao bán đất, đại gia "săn" biệt thự ở tỉnh... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, các doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản, chứng khoán phái sinh... trừ một số trường hợp.

Ngày 16/6, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội biểu quyết thông qua với 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đó, luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 với một loạt thay đổi theo hướng siết quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng không được đầu tư kinh doanh trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, trừ trường hợp mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư ồ ạt rao bán đất, đại gia "săn" biệt thự ở tỉnh

Trong tháng 5 vừa qua, lượng quan tâm và giao dịch mua bán loại hình đất có dấu hiệu chững lại.

Dữ liệu thị trường bất động sản tháng 5 của một trang thông tin bất động sản cho thấy, nguồn cung bất động sản cho thuê đang thể hiện tốc độ phát triển khá chậm so với nhu cầu. Cụ thể, lượng đăng tin cho thuê bất động sản toàn quốc trong tháng 5 giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, và giảm ở hầu hết loại hình bất động sản. Chỉ riêng nhà mặt phố cho thuê tăng 36%. 

Trái ngược với bất động sản cho thuê, các sản phẩm bất động sản bán trong tháng 5 vừa qua lại ghi nhận xu hướng gia tăng nguồn cung nhưng giảm nhu cầu tìm kiếm so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Minh bạch về đất khi cổ phần hóa

Việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất đang là "nút thắt" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân trục lợi.

Điển hình như vụ việc tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Tân Thuận. Vì vậy, nên tách giá trị đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Quản lý hơn 1.200ha đất, diện tích lớn nhưng đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ đã đảm bảo các điều kiện để tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn theo lộ trình. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chính vì việc áp dụng thuê đất hàng năm nên không ảnh hưởng đến xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa.

"Tất cả diện tích đất doanh nghiệp đang thuê làm gì thì phải trả tiền đất hàng năm, theo giá đất, theo lộ trình 5 năm phê duyệt 1 lần, như vậy sẽ hài hòa", ông Khổng Mạnh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ, cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội siết chặt quy định đấu giá đất: Tránh tạo ra thị trường "ảo"

TP. Hà Nội vừa áp dụng quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBNND của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước (tiền đặt cọc) bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Cụ thể, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày, cơ quan thuế Hà Nội gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá.

Thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lãi suất cho vay bất động sản rục rịch tăng

Không phải tất cả các dự án phát triển bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng, mà chỉ có những dự án bất động sản có tính chất đầu cơ, thậm chí là có tính chất lũng đoạn giá… mới khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Quan điểm của NHNN từ trước đến nay nay vẫn theo tinh thần là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… Cụ thể đối với bất động sản, các đối tượng cần kiểm soát chặt chẽ là tín dụng vào những lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở những phân khúc lớn lớn như xây dựng resort nghỉ dưỡng; những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí là có tính chất lũng đoạn giá… thì phải kiểm soát rất chặt chẽ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top