Aa

Nhà đầu tư ôm tiền gom đất Vân Đồn rớt giá, cẩn trọng "cơn sóng" mới

Thứ Bảy, 07/03/2020 - 11:23

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, nhiều NĐT đã ôm tiền gom các ô đất rớt giá. Nhưng theo một số chuyên gia, NĐT cần cẩn trọng với “bẫy” đất nền.

Ngày 17/2, Chính phủ đã có Quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2040. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn với 2.171,33km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.

Đất Vân Đồn bắt đầu ấm?

Vân Đồn được quy hoạch thành KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững...

Cũng theo Quyết định, đến năm 2030, Vân Đồn có dân số khoảng 140.000 - 200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000 - 140.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000 - 60.000 người. Nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 - 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050ha.

Ngoài ra, cấu trúc phát triển không gian khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển.

Ngay sau khi có Quyết định phê duyệt và tỉnh Quảng Ninh công bố Quyết định, thị trường bất động sản huyện Vân Đồn đang ấm dần lên. Sàn giao dịch bất động sản Thanh Tùng Vân Đồn cũng thừa nhận, từ giữa tháng 2, nhiều nhà đầu tư đã tham quan và tìm hiểu tính pháp lý các dự án nhộn nhịp hơn giai đoạn trầm lắng trước.

Qua ghi nhận của phóng viên trên các trang web chuyên về bất động sản và tìm hiểu một số sàn giao dịch ở Vân Đồn được biết, hiện tại đất vẫn chưa tăng giá, nhưng nhà đầu tư từ các tỉnh đã gom các ô đất rớt giá từ trước đó.

Đơn cử như một mảnh đất có diện tích 87.5m2 nằm trong Khu đô thị Phương Đông có mức giá 22,5 triệu đồng/m2, lô liền kề 20, 21, 22, 08 trục đường 32m có giá 32 triệu đồng/m2.

Hay một thông tin bán đất nền dự án tại xã Hạ Long, gần biển, gần các khu đô thị và dự án mới, diện tích 515,6m2, giá 23 triệu đồng/m2.

Còn đất nền biệt thự hướng Đông Nam quay ra biển đã có sổ đỏ diện tích 164,68m2 mặt tiền 9,6m khu đô thị Thống Nhất, đã có sổ đỏ, giá gần 5 tỷ đồng.

Theo giám đốc các sàn giao dịch ở Vân Đồn, có rất nhiều lý do để đầu tư ở đây, nhưng quan trọng nhất là Vân Đồn sẽ trở thành KKT sôi động, tiềm năng về du lịch rất lớn.

Các chuyên gia cảnh báo sau Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung, nhà đầu tư cẩn trọng với "cơn sóng" mới đất nền dự án ở Vân Đồn (Ảnh: Internet)

Cẩn trọng cơn sóng mới

Câu chuyện đất đặc khu khi mới có thông tin Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong sẽ trở thành đặc khu kinh tế hồi năm 2018 vẫn chưa nguội, khi các nhà đầu tư sốt sắng đầu tư, giá đất tăng lên từng ngày. Chỉ đến khi Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đặc khu và chính quyền các địa phương này chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng trái phép thì các cơn sốt đất tại Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong mới giảm nhiệt.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Vân Đồn vẫn là địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tránh sai lầm lần trước là không tham gia vào dự án không nằm trong quy hoạch phát triển; tránh rơi vào bẫy đầu cơ của các dự án mà các “cò” tung tin, làm trò, đẩy giá, thổi giá.

“Hãy nhìn vào dự án có bước đi vững chắc, uy tín, năng lực của chủ đầu tư, đừng tham gia vào dự án quá nóng”, ông Đính nói.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đất Vân Đồn từ Nhà nước đến tư nhân đầu tư theo một đề án có quy mô lớn, hoành tráng, nếu phát triển theo tầm hướng đó thì nơi đây rất tiềm năng, nhưng giá trị thật chưa thể cao như thời kỳ sốt đất, có những khu vực đẩy lên 50 - 60 triệu đồng/m2.

Về nguyên lý, giá trị bất động sản sẽ được gia tăng khi thực sự có đầu tư, tỷ lệ gia tăng tỷ lệ thuận với sự đầu tư phát triển. Còn đối với Vân Đồn, theo quy hoạch mới được đầu tư một số hệ thống kết nối giao thông như sân bay, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuy nhiên đầu tư sâu vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến từng khu vực chưa có gì, một số dự án đã được giao san lấp, làm hạ tầng nhưng chưa hoàn chỉnh.

“Như vậy, Vân Đồn mới có sự đầu tư hạ tầng chính, bản thân nội tại Vân Đồn chưa có sự đầu tư gì, một số doanh nghiệp đang khoanh dự án có thể tăng giá nhưng tăng chỉ ở độ nhỏ, không thể tăng vài chục phần trăm”, ông Đính nhấn mạnh.

Từ khi Vân Đồn được xoá bỏ lệnh cấm giao dịch, nhà đầu tư e ngại giao dịch ngoài dự án, mà vào dự án đúng quy hoạch. Chính vì lý do này, giới môi giới không chuyên và các “cò” đất làm chiêu trò tạo ra sự tranh mua, làm thị trường không đúng bản chất.

Phần lớn trong số đang giao dịch ở dự án trước đó tỷ lệ người có nhu cầu đầu tư lâu dài rất nhỏ, chủ yếu là các nhà đầu cơ muốn đẩy giá nhanh, tạo bước ngắn.

“Hiện nay chủ yếu là đầu cơ, người đầu cơ chiếm tỷ lệ lớn hơn người mua nhà đầu tư lâu dài, hoặc có nhu cầu sử dụng thật”, ông Đính cho biết.

Điều đó cho thấy, trước mắt giá đất Vân Đồn chưa thể tăng do nhiều nhà đầu cơ trước đó đã chưa rút chân được ra. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư dài hạn nên cẩn trọng, nếu không lại tiếp tục nằm trong “cơn sóng” sốt đất lúc nào không hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top