Aa

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại ồ ạt rót vốn vào bất động sản Việt Nam?

Thứ Sáu, 10/08/2018 - 14:01

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại ồ ạt rót vốn vào bất động sản Việt Nam?; 2018 sẽ là năm kỷ lục của hoạt động M&A bất động sản; Lãnh đạo Vietcombank có trách nhiệm gì trong vụ Mobifone – AVG?; Nguyễn Kim thâu tóm 9 triệu cổ phiếu của SADECO;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại ồ ạt rót vốn vào bất động sản Việt Nam?

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường địa ốc Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Một trong những lý do để gia tăng nguồn vốn đầu tư là chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS theo hướng cởi mở hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, thị trường BĐS trong nước đang có lợi thế về chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng vững chắc và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm đến 50% dân số trong 10 năm tới. Do vậy, tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 8/8, nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá rằng đây là thời điểm chín muồi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lãnh đạo Vietcombank có trách nhiệm gì trong vụ Mobifone – AVG?

VCBS có vai trò quan trọng trong thương vụ Mobifone bỏ gần 9.000 tỷ đồng để mua 95% cổ phần AVG. Điều này có đồng nghĩa với việc lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank - công ty mẹ của VCBS phải có trách nhiệm chính?

Hồi tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về vụ việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Trong đó, chỉ ra sai phạm của Mobifone và các đơn vị liên quan trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Mobifone lựa chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) làm đơn vị tư vấn. Mobifone đã chuyển hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho VCBS trước khi phát hành HSYC, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu; cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy.

VCBS cũng thuê Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) xác định giá trị AVG, nhưng kết quả thẩm định giá của Hanoi Valu cũng không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Triển vọng FDI sẽ tới đâu?

Trong 10 năm qua, bất chấp những giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam nói chung, và thị trường bất động sản nói riêng, dòng vốn FDI vẫn luôn trong xu hướng ổn định và tăng trưởng, đóng góp nhất định vào sự phát triển của thị trường bất động sản. Thế nhưng, ở giai đoạn cuối của chu kỳ 10 năm, trước thông tin dự báo có thể xảy ra bong bóng bất động sản, triển vọng FDI vào thị trường này sẽ như thế nào?

Với các chính sách tiền tệ, dự kiến sẽ duy trì trung lập để hỗ trợ tăng trưởng, khi những dòng vốn FDI hàng trăm triệu đô la Mỹ sẵn sàng đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài Việt Nam, tổng vốn FDI đăng ký tích lũy tính đến cuối năm 2017 đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản nói riêng đạt 53,2 tỷ USD.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này cho thấy, bất động sản Việt Nam vẫn là “miếng bánh” được các nhà đầu tư nước ngoài yêu thích.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

2018 sẽ là năm kỷ lục của hoạt động M&A bất động sản

Theo báo cáo từ MAF, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,7%.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2017, FDI đăng ký tích lũy đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhận định về hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, quy mô M&A tại Việt Nam bây giờ đã bằng Indonesia, Malaysia, và sẽ vượt qua hai thị trường này trong thời gian tới. Năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Nguyễn Kim thâu tóm 9 triệu cổ phiếu của SADECO

Theo công bố của Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), ngày 8/6/2018, đơn vị này đã hoàn thành phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim).

Trước đó, ngày 2/8/2017, HĐQT SADECO đã tiến hành lựa chọn cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ. Đến ngày 12/12/2017, HĐQT SADECO có báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông về kết quả phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược. Theo đó, SADECO đã phát hành 9 triệu cổ phiếu (mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phiếu; giá phát hành: 40.000 đồng/cổ phiếu; hạn chế chuyển nhượng 3 năm).

Nguyễn Kim đã mua thành công 9 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của SADECO (34,61%). Cũng trong thương vụ trên, SADECO thu về 360 tỷ đồng, nâng tổng số cổ phiếu tại thời điểm ngày 12/12/2017 lên con số 26 triệu cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, hiện SADECO đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và được thành lập bởi nhiều cổ đông có nguồn gốc Nhà nước. 

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top