Aa

Nhà ế kỷ lục, giá bất động sản Hong Kong lao dốc

Thứ Hai, 23/10/2023 - 11:03

Quý III/2023, tại Hong Kong (Trung Quốc) có gần 20.500 căn nhà mới bị bỏ trống, nhiều nhất trong 20 năm qua. Các doanh nghiệp bất động sản phải áp dụng chính sách bán hàng chiết khấu cao.

Theo Bloomberg, kinh tế ảm đạm và lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp bất động sản Hong Kong phải giảm giá bán nhà mới. Người mua nhà ngày càng thận trọng, các cuộc đấu giá bất đống sản siết nợ dù giá thấp nhưng không có ai mua.

Dữ liệu của Công ty Centaline Property cho thấy, trong quý III/2023 tại Hong Kong có đến 20.483 căn nhà mới bỏ trống, nhiều nhất trong gần hai thập kỷ qua. 

Công ty CK Asset Holdings, thuộc sở hữu của tỷ phú Lý Gia Thành, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng chiến lược giảm giá bán tại dự án Coast Line II thuộc khu vực Yau Tong. Mức giá bán tại dự án này được cho là thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay và đã có rất nhiều người đăng ký mua. 

Việc CK Asset Holdings giảm giá bán không phản ánh bức tranh chung của thị trường. Nhưng đây là thông điệp gửi đến các doanh nghiệp cùng ngành rằng cần phải tính toán làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở và việc giảm giá nhà là điều không thể tránh khỏi. 

Người mua nhà xem mô hình dự án khu dân cư Coast Line ở Hong Kong vào tháng 8. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Roen Yeung, Phó Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu Công ty Centaline Property, cho biết hiện các nhà phát triển bất động sản định giá căn hộ thấp hơn từ 10% đến 20% so với mức giá đỉnh của vài năm trước.

Trước việc người dân vẫn rất thận trọng khi mua nhà, Công ty Centaline Property dự báo lượng giao dịch nhà mới trong năm 2023 giảm xuống còn 11.000 đơn vị, mức thấp thứ hai trong gần 10 năm qua. 

Ông Patrick Wong, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho rằng do nguồn cung còn nhiều nên các doanh nghiệp bất động sản đang áp dụng chiến lược bán hàng nhanh. 

“Khi các chi phí tăng cao, việc nắm giữ tài sản không mang lại lợi ích gì cho họ. Sẽ tốt hơn nếu họ sử dụng số tiền thu được để trả các khoản vay hoặc gửi ngân hàng lấy lãi”, ông Patrick Wong nói. 

Vào tháng 9, một doanh nghiệp bất động sản khác là K&K Property Holdings đã chào bán các căn hộ đầu tiên tại dự án Sutton với mức lỗ 10%. 

Nhà phân tích Mark Leung của UBS Group cho biết một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên cần huy động tiền mặt để trả nợ ngân hàng. Vì vậy, làn sóng giảm giá có thể lan rộng, tác động đến tâm lý thị trường. 

Khi Road King Infrastructure và Shenzhen Investment bắt đầu mở bán các sản phẩm tại khu Tuen Mun vào tháng 9, giá trung bình mỗi m2 tại đây thấp hơn 11% so với một dự án khác cùng khu vực mở bán nửa năm trước. 

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của hai nhà phát triển bất động sản nói trên lần lượt ở mức 61% và 48%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ rủi ro của các công ty lớn hơn ở Hong Kong. Đơn cử như vào tháng 6, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Sun Hung Kai Properties chỉ 18% 

Theo ông Patrick Wong, doanh nghiệp bất động sản Hong Kong đang mong chờ bài phát biểu về chính sách thường niên của Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu để có định hướng phát triển. 

Có thông tin cho rằng nhà chức trách sẽ cắt giảm thuế trước bạ cho người mua bất động sản và nới lỏng các chính sách hạn chế mua nhà được đưa ra vào đầu những năm 2010.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ một số loại thuế bất động sản, gồm thuế trước bạ 30% đối với người mua không có hộ khẩu thường trú và thuế 15% đối với người đã sở hữu nhà. 

Ngay cả khi bất cứ chính sách nào được công bố thì các nhà phát triển bất động sản Hong Kong vẫn phải đối mặt với giai đoạn đầy thử thách sắp tới. 

Phó Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu Công ty Centaline Property cho biết các chính sách mới có thể cải thiện tâm lý người mua nhà nhưng ông không nghĩ rằng thị trường sẽ chuyển biến tức thời. Các doanh nghiệp sẽ phải giảm giá nếu muốn tăng doanh số bán hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top