Theo ông Chung, phân khúc nhà ở giá rẻ và bình dân hiện chiếm tới 60-70% tổng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng/căn) rất khan hiếm.
80% người dân thành thị không thể mua nhà ở những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu và mức giá bán thấp nhất trên thị trường. Chỉ xét riêng loại nhà ở có giá phải chăng tại Việt Nam cung cao gấp gần 8-9 lần mức thu nhập của hộ gia đình trung lưu mỗi năm.
“Hiện nay, nguồn cung rất thấp mà cầu rất cao dẫn đến mất cân đối cung cầu. Doanh nghiệp tham gia phát triển nhà giá thấp không nhiều. Luật pháp hạn chế phát triển nhà diện tích nhỏ, nên nguồn cung loại hình này rất khan hiếm", PGS.TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã từng đưa ra một thông tin gây "sốc" khi ở Hàn Quốc, giá nhà của thị trường này gấp 5-7 lần thu nhập của người dân. Trong khi tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền, chứ không nói nhà cao cấp, đã gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của người dân.
“Như vậy, giá nhà của chúng ta là nằm ngoài khả năng của đa số người dân và đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, tính toán”, ông Châu nói.
Bà Nguyễn Hoài An - chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản của CBRE - cho rằng, so với các quốc gia phát triển, thông thường tỷ lệ này rơi vào khoảng 7 – 10 lần so với thu nhập. Việt Nam là nước đang phát triển song giá nhà lại gấp 20 - 25 lần là tỷ lệ khá cao.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dẫn chứng: thu nhập bình quân của người dân Việt Nam là 2.112 USD/năm, còn mức lương của người lao động Singapore là 44.352,55 USD/năm, cao gấp 21 lần so với Việt Nam. Trong khi đó, giá nhà ở của Việt Nam và Singapore không chênh lệch là bao.
Một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao là do cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế "xin - cho" và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính. Trong khi đó, giá đất liên tục được điều chỉnh tăng, tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp, đồng thời đẩy giá nhà lên cao.
Ông Lê Hoàng Châu phân tích, chủ đầu tư dự án đang phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, nên có thể nói doanh nghiệp gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai và gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. Vì vậy, chi phí này sẽ càng đẩy giá nhà lên cao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, giá đất đai đắt, các loại sắc thuế về đất đai khá cao và cách thu của Nhà nước chưa hợp lý, quá trình thủ tục hóa các dự án bất động sản khá phức tạp, cồng kềnh, thời gian thường kéo dài dẫn đến chi phí khá lớn.
"Tất cả những lý do này đã khiến giá nhà tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người dân", ông Đính nhận định.