Aa

Bài 5: Nhà hàng Bình Xuyên và sự nghiêm minh của Chỉ thị 23

Thứ Sáu, 30/10/2020 - 07:47

Trong khi TP.HCM đang nỗ lực triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU, thì việc cho tồn tại nhà hàng Bình Xuyên xây dựng không phép chẳng khác nào thách thức cả hệ thống chính trị, trong việc lập lại trật tự xây dựng.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Chưa có cơ sở pháp lý chấp nhận đơn cứu xét

Như đã phản ánh trong bài Nhà hàng “xây lụi” lớn nhất TP.HCM xin hợp thức hóa sai phạm, Khu ẩm thực Bình Xuyên có địa chỉ tại số C3/18 ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, với diện tích gần 25.000m2, được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất ao. Mặc dù chưa được cơ quan Nhà nước giao đất để đầu tư thương mại, dịch vụ nhưng chủ sử dụng đất đã cho xây dựng nhiều công trình quy mô như nhà hàng, khu bếp, khu vực chờ, khu tiếp tân, khu vệ sinh. Vi phạm này kéo dài từ năm 2003 cho đến nay.

Sau khi có kết luận của Thanh tra TP.HCM, chính quyền huyện Bình Chánh đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 210 triệu đồng, đối với ba hành vi vi phạm về trật tự xây dựng; sử dụng không đúng mục đích được cấp phép; không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng và tự ý thay đổi mục đích chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, buộc tháo dỡ nhà hàng và trả lại đất lấn chiếm. Tuy nhiên, mới đây, ông Trần Duy Nhã, chủ nhà hàng Bình Xuyên đã gửi đơn xin cứu xét lên chính quyền, bày tỏ nguyện vọng xin cho phép nhà hàng được tiếp tục hoạt động cho đến khi dự án triển khai.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Luật sư điều hành tại KAV Lawyers cho rằng, trong vụ việc này, Thanh tra Thành phố đã chỉ ra những sai phạm cụ thể của Khu ẩm thực Bình Xuyên. Theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm thì cần phải được xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng và bình đẳng.

 

Khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên, Bình Chánh, TPHCM.

Còn theo luật sư Phạm Thị Thoa, Công ty Luật Apolat Legal, khả năng đơn cứu xét được chấp thuận là rất thấp vì hành vi vi phạm của nhà hàng Bình Xuyên là quá rõ ràng. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý nào để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đơn cứu xét và cho phép nhà hàng Bình Xuyên được phép tồn tại như hiện trạng.

Đừng biến Bình Xuyên thành “quả đấm” vào Chỉ thị 23

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 23-CT/TU, Kế hoạch số 3333/KH-UBND và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực. So với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, bình quân số vụ vi phạm trên một ngày đều giảm. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện (15/7/2019 - 15/9/2020), tổng số công trình vi phạm là 1.322, tỷ lệ giảm 63,5%, chỉ còn bình quân 3,1 vụ/ngày.

Đây là những thành quả đáng ghi nhận, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy, liên quan đến việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Việc cả hệ thống chính trị TP.HCM nỗ lực và thực hiện tốt việc lập lại kỷ cương, trật tự xây dựng đã và đang được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá rất cao. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu lúc này cho tồn tại sai phạm tại nhà hàng “xây lụi” lớn nhất TP.HCM? Điều này chẳng khác nào chống lại nỗ lực lập lại trật tự xây dựng của cả hệ thống chính trị TP.HCM?

Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TPHCM, thượng tôn pháp luật là vấn đề cần được xem trọng. Do đó chủ nhà hàng Bình Xuyên phải chấp nhận các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng đối với các sai phạm của mình. Nếu không, các trường hợp khác sẽ xem đây là án lệ, dẫn đến việc quản lý trật tự xây dựng sẽ phức tạp và hỗn loạn, sử dụng đất đai không theo quy định và quy hoạch.

“Hành vi vi phạm cần có biện pháp xử lý chứ không thể cứ vi phạm rồi xin xứu xét, duy trì hiện trạng. Như vậy sẽ không đảm sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật, chưa kể có thể xảy ra tình trạng “nhờn luật”, luật sư Kiều Anh Vũ có cùng quan điểm.

Luật sư Phạm Thị Thoa nêu quan điểm, nếu chính quyền địa phương tạo cơ chế, cho nhà hàng Bình Xuyên tiếp tục tồn lại hoạt động đến khi dự án treo triển khai đồng nghĩa với việc chính quyền đang tiếp tay và cổ vũ cho những hành vi sai phạm đang xảy ra tại địa phương. Dẫn đến tình trạng các chủ dự án đầu tư, công trình xây dựng xem thường pháp luật.

“Hơn thế, việc sử dụng đúng mục đích của đất, quản lý trật tự xây dựng là vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch đô thị của thành phố. Các công trình xây dựng trái phép này thực hiện không theo bất kỳ kế hoạch, quy hoạch nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, mỹ quan của toàn thành phố. Đồng thời, quyền lợi và chất lượng cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi các sai phạm này”, luật sư Phạm Thị Thoa nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top