1. Cậu em bà con gọi điện nói, sắp tới sẽ làm căn nhà container trên mảnh đất mà ông bà cho, để chuẩn bị cưới vợ. Nhà nhỏ thôi, nghĩa là mua loại container nhỏ, giá chừng vài chục triệu đồng. Lắp máy lạnh, điện nước và các thứ sinh hoạt khác nữa, là ổn. Vừa rẻ vừa đẹp. Nếu cần thiết thì có thể thay đổi vị trí theo hướng cửa của từng năm rất dễ dàng. Hoặc năm nay thì nhà ở giữa vườn, nhưng sang năm thì nhà ở góc bên phải, năm tới nữa nhà góc bên trái và năm tiếp theo thì nằm ngay cổng ra vào. Nghĩa là sống trong 1 căn nhà cực kỳ tự do. Di chuyển tứ bề đều được. Chỉ có điều, trổ cửa sổ ra thì hơi mất thời gian, thêm nữa, trời nắng không sao, nhưng mùa mưa thì phải tính kỹ lắm để nước mưa khỏi tạt vô, nên cách giản tiện nhất là… nhà không có sửa sổ.
“Vậy suốt ngày vô nhà là bật đèn hay sao?”, mọi người đều thắc mắc câu hỏi này. Và câu trả lời nhận được là: Sự khác biệt luôn luôn là khác biệt.
Khi nấu ăn, sẽ mở 2 cửa chính, phía đầu và cuối, để gió lùa vào, vừa mát vừa đưa mùi thức ăn ra ngoài. “Tiện nhất của nhà không có cửa sổ là chẳng ai có thể dòm ngó”, chủ nhân trẻ này cho biết.
Cứ về nhà đóng cửa vào, ổn lắm. Nhà container đương nhiên phải lạ hơn với nhà xây bình thường rồi.
Tuy nhiên, sau khi vận hành một thời gian rồi thì thấy tốn tiền điện quá, do bật máy lạnh và quạt công suất lớn suốt ngày suốt đêm. Chứ không thì nắng nóng như mùa khô Sài Gòn, chui vô nhà container khi chưa bật máy lạnh, thì chỉ muốn xỉu vì ngợp.
Có lẽ, căn nhà này chỉ hợp cho cặp vợ chồng son, còn đang hứng khởi với nhiều sáng tạo. Còn khi đã có con nhỏ rồi, thì chắc cậu em sẽ suy nghĩ lại. Nhất là với chi tiết không có cửa sổ kia, thì căn nhà container khá tiện nghi cũng đã mất đi nhiều sự thi vị của sự quan sát và hưởng nắng gió thiên nhiên.
2. Cũng là nhà không có cửa sổ, nhưng nhìn thấy khắp nơi trên đường đô thị, đó là nhà phố. Những căn nhà không có tầm nhìn ở 2 bên và nhiều khi, phía trước và sau cũng bị bịt kín bởi nhiều nguyên nhân khác. Thậm chí, ban đầu cũng có nhiều căn xây balcony đầy đủ cả phía trước và sau, nhưng tấc đất tấc vàng, dần dần balcony cũng bị đập bỏ, miếng kiếng cường lực lớn được sử dụng để thay thế cả mảng tường, lấn ra phía ngoài.
Hai bên không có cửa sổ đã đành, mà đằng trước, đằng sau cũng không có cửa sổ nốt. Không khí trong nhà cứ chạy luẩn quẩn chẳng biết thoát đi đâu. Máy lạnh ở các phòng cũng được sử dụng tối đa.
Tôi luôn có cảm giác khi ở trong những căn nhà không có cửa sổ, con người ta dần dần sống khép kín, lạnh lùng và vô cảm. Đôi khi, người ta cũng chẳng thèm tọc mạch nữa. Vì đô thị thì nhà này sao biết được nhà kia. Ngày lễ tết cũng đâu có gặp nhau chúc tụng. Ngày bình thường thì đi làm từ sáng sớm tới đêm khuya rồi.
Cửa sổ, như một sự giao tiếp. Sáng sớm mở mắt nhìn qua cửa sổ, để nắng lọt vào phòng, những hạt bụi bay vẩn vơ, để còn thấy đời cần mình và mình vẫn quá cần tới đời. Chứ đóng hết lại mọi thứ rồi, sao có thể cho và nhận?
Bữa trước, tôi có coi một bộ phim nói về sự khao khát được hòa nhập với cuộc sống của cô gái trẻ sống ở nơi hoang vu ít người biết tới. Hàng ngày, cô nhìn các đám mây bay qua cửa sổ, khung cửa ấy nhỏ thôi và mây trên trời thì cũng không có gì quá đổi khác. Nhưng cô mang trong mình bao nhiêu khát vọng. Khát vọng được trải qua những giây phút đam mê hết mình với người tình chưa bao giờ biết mặt; khát vọng được ra khỏi căn nhà có ô cửa sổ nhỏ ấy, để hòa nhập với cuộc đời.
Một ô cửa sổ, trong căn nhà, đôi khi chứa đựng không chỉ là khát khao sống, mà thậm chí cả mạng sống. Bởi cô đơn thì không bao giờ là cảm giác dễ chịu chút nào!