Nhà mình ở làng!
Khi bắt đầu có tuổi một chút, độ ngoài ba mươi trở đi, tôi hay nhớ và nghĩ về làng, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hay nghĩ về làng, thì thấy làng mình đẹp, làng mình có ý nghĩa trong hành trình hình thành nên cái chất sống của mình. Không gian làng thôn quê mình đã bồi bổ thêm cảm xúc và suy ngẫm của mình về con người và đời sống từng trải qua.
Giữa đợt đỉnh dịch Covid-19 thứ nhất, tháng 4/2020, phải nghỉ giãn cách xã hội dài. Đang tính thế nào để thú vị hơn, chứ cứ neo mãi một nơi ở thành phố, bí bách lắm. Vừa hay, mới Tết âm lịch trước đó, tôi đã làm xong ngôi nhà ở làng. Lúc làm nhà thì chỉ nghĩ là để mình và con cháu về ở những ngày lễ tết, thăm thú họ hàng, rồi có khi sau này già thật rồi, thì mới về ở hẳn. Mà già, sống như một ông già, đối với tôi, cái típ luôn hướng ngoại, thích tụ tập, thì chắc còn lâu mới đến. Lúc bàn giãn cách xã hội, vợ bảo: “Thì nhà mình ở làng đấy, về đấy mà giãn cách, chả là hợp nhất lúc này sao!”.
Thế là về làng, ở nhà của mình ở làng. Nhà mới, có vườn, có ao. Mua thêm cái cục hòa mạng internet và sống sớm kiểu về hòa vào với làng. Hóa ra rất thích và rất hợp. Cứ thế mà ngẫm ngợi…
Khi bắt đầu có tuổi một chút, độ ngoài ba mươi trở đi, tôi hay nhớ và nghĩ về làng, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hay nghĩ về làng, thì thấy làng mình đẹp, làng mình có ý nghĩa trong hành trình hình thành nên cái chất sống của mình. Không gian làng thôn quê mình đã bồi bổ thêm cảm xúc và suy ngẫm của mình về con người và đời sống từng trải qua. Cũng từ khi bước vào độ tuổi ấy, tôi nghĩ đến sau này mình phải có ngôi nhà ở làng, không cần to nhưng phải có không gian riêng của mình, để mình và con cháu tụ về giữ ấm gốc rễ xóm thôn, họ mạc.
Từ ông nội tôi, bố tôi rồi đến tôi, như có cái máu lang bạt kỳ hồ, thêm những xô đẩy tình cờ, cứ liên tiếp xa quê, rời làng ra đi… Ông nội tôi, trong ký ức của tôi, râu tóc dài trắng như cước, nước da đỏ đắn, ánh mắt sâu thẳm hiền từ. Ngày ấy, trên núi Sơn La, ông thường ngồi nhâm nhi chén rượu tối, bế thằng cháu đích tôn trong lòng, cho cùng chấm mút chút đồ đạm bạc. Hồi trẻ ở làng, ông giữ chân phó lý, đã có một cơ ngơi… Thế rồi, do bản tính phóng túng của một bậc tài hoa, lại vì ghen ăn tức ở sao đó nữa, người ta lừa ông vào một vụ kiện. Ông lên huyện đường, thua kiện, phải viết văn tự bán cả cơ ngơi nộp phạt để khỏi bị gông lại. Có người vội báo về, bà tôi nháo nhào nhờ người leo lên ngắt mấy bẹ cau non, cha tôi cắt mấy buồng chuối xanh, và gom đồ đạc trước khi người ta kéo đến xiết đất xiết nhà.
Ông nội tôi thờ thẫn về làng, cùng vợ con tá túc ở nhà họ hàng rồi bầu đoàn lếch thếch đi ra vùng mỏ Vàng Danh kiếm sống… Từ tay trắng, ông bà tôi lại làm nên. Ban đầu là nhặt than, buôn hàng xén, rồi làm bánh kẹo bán, dần dần tích lũy, chuyển về Hải Phòng, mở được cửa hiệu. Cha tôi, khi đi khỏi làng mới là cậu bé mười hai tuổi. Đến năm 1945, cướp chính quyền, cha tham gia đội tự vệ thành. Pháp chiếm Hải Phòng, ông bà tôi gom tiền bạc, về lại làng, mua đám ruộng nhỏ ven sông, dựng ngôi nhà vách đất mái rạ và chạy chợ. Cha tôi tham gia dân quân vũ trang, rồi đi lên chiến khu, đi mãi…
Lại nói về cái cơ ngơi của ông bà nội tôi bị xiết kiện, tưởng rủi mà hóa ra may. Hồi kháng chiến, quân Pháp câu pháo cối vào làng, sau đó, máy bay bà già đem bom đến ném, đều rơi đúng vào đấy, nhà cháy, người chết. Chưa hết, sau 1954, nếu ông tôi vẫn còn là chủ, với chức phó lý thời trước, thì chắc bị quy thành địa chủ trong cải cách ruộng đất, hậu họa khó mà tránh.
Hòa bình lập lại, cha tôi về làm việc ở xã, lên huyện, rồi Hà Nội, năm năm sau mới lấy vợ và sinh ra tôi ở làng. Từ Hà Nội, cha lên Sơn La công tác, rồi đưa vợ con lên. Sau nữa, cha về thuyết phục ông bà bán nhà ở làng, lên sống cùng con cháu. Tôi nhớ, nhiều lần ngồi trong lòng, ông nội vỗ vỗ vai tôi, nói với bạn rượu: “Vì cây dây quấn, tại cái thằng đích tôn này mà tôi theo lên đây. Khéo chả còn được về quê cũ nữa”. Mà đúng thế thật, ông mất, dặn con cái đào sâu chôn chặt, nên mộ phần giờ vẫn nằm ở chân núi trên ấy.
Đi mãi, đời công tác trồi sụt, về già, cha tôi lại về làng, cất nhà trên mảnh đất be bé ông bà ngoại tôi sẻ cho. Cha nắm tay tôi, bảo: “Con cố tích cóp, mua lấy mảnh đất ở làng, làm nhà cho bố ở nhé”. Khổ, cha sinh tôi muộn, tôi chẳng kịp làm được điều ấy khi cha còn sống.
Không kịp làm khi cha còn sống, thì vẫn phải làm. Mà bỗng có cơ duyên sắp đặt sao đó, tôi mua được mảnh đất hơn ngàn mét vuông ở giữa làng. Cũng không đắt đỏ gì, chỉ bằng tiền mua một khoảnh đất bằng chiếc chiếu ở ngoại thành Hà Nội. Mua được rồi, lân la tìm hiểu gốc tích, thì hóa ra đấy chính là phần đất ông bà nội tôi ngày xưa bị ép bán đi. Và tôi đã cố gắng làm nên được một ngôi nhà đúng như những gì mình hình dung từ khi có chút tuổi.
Làng tôi có đủ các đặc trưng của làng Bắc Bộ. Có hệ thống miếu thờ bốn vị tiên công lập làng, có đền, đình, chùa, lầu với những câu chuyện về gốc tích. Làng tôi nhiều người học hành phương trưởng, công danh thành tựu, kinh doanh thành đạt, lại hiếu nghĩa với quê hương, nên tiền góp công quả của họ đã làm được nhiều công trình phúc lợi cho làng. Bà con và con cháu xa quê đi làm ăn lại cùng chung tay góp sức làm đường, xây trường, nên càng tạo thêm vẻ đẹp.
Người làng tôi tư duy phóng khoáng, khi làm nhà, vượt thổ thì chú trọng để đường đi. Các cơ ngơi trong làng thường có vườn rộng, ao sâu, ngõ to, ô tô vào tận sân… Làng tôi lại được hưởng thành quả của phát triển chung, công cuộc xây dựng nông thôn mới. Giờ về làng thênh thênh ba lối vào từ cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ… Mỗi năm, ngoài Tết nhất, còn có mấy lần tụ lễ hội chùa, thanh minh tảo mộ, lễ giỗ liệt sỹ 27/7, xe ô tô con cháu các nơi tụ về đỗ rộn ràng các ngõ, khói hương vấn vít, dập dìu tình cảm xóm thôn, họ mạc…
Có một ngôi nhà ở làng, rồi thêm chút chú trọng đầu tư tiện nghi để thành nơi nghỉ ngơi cuối tuần thư thái là một thú vị. Thời hiện đại này, mỗi dịp được nghỉ dài vài ba ngày nhân dịp lễ nào đó trong năm, trong các phương án lựa chọn nơi đi đến, thì về làng chơi, cũng là một hướng để những người trẻ tuổi tính đến. Nếu làng ấy lại biết vun đắp, tạo dựng, gìn giữ được những dấu tích người xưa, biết tạo nên một không gian văn hóa, không gian sống đầm ấm yên vui, cũng là một cách nối bền truyền thống. Chả nghĩ kích cầu du lịch ở tận những đâu đâu. Về làng cũng là một loại hình du lịch. Tiêu tiền cho mình trong những ngày nghỉ ở làng cũng là một cách làm giàu cho quê hương thật nhiều ý nghĩa.
Hiện giờ đang có chuyện đất canh tác ở vùng nông thôn Bắc bộ không mấy hiệu quả nữa, nhiều nơi còn bị bỏ hoang. Liệu các nhà quản lý, quy hoạch nông thôn mới có nghĩ đến việc dồn thổ đổi nhà, để mở làng rộng thêm ra, từ đó mà thu hút tiền đầu tư của những người làng đi xa làm ăn góp về dựng nhà ở làng. Như thế thì làng càng đẹp hơn, hiện đại hơn. Văn hóa, truyền thống làng quê được bồi đắp hơn thì con người càng bền gắn bó với tổ tiên, càng yêu quê hương đất nước của mình hơn.