Aa

Nhà ở xã hội: Trông người lại ngẫm đến ta

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 23/02/2019 - 20:00

Tại hội thảo đầu kỳ Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về mô hình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại các nước trên thế giới với mong muốn có thể tham khảo mô hình, chính sách để có thể áp dụng phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, ở các nước trên thế giới, các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở mức tối thiểu cho người có thu nhập thấp, người nhập cư (điển hình như tại Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Pháp...) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt là chính sách tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án. Đồng thời hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê nhà ở xã hội phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau.

Điển hình, Hàn Quốc có 5 loại hình “căn hộ công” cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền đặt cọc khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm, 30 năm, 20 năm, 5 - 10 năm). Ở Singapore, mỗi năm, Chính phủ nước này lại có một đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường. Người mua nhà của những dự án này sẽ phải đợi khoảng 3 - 4 năm thì dự án mới hoàn thành. Tuy nhiên, họ có thể lựa chọn cách khác là mua những căn hộ cũ với giá thỏa thuận trực tiếp từ chủ nhà. Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới. Ở Việt Nam, người dân chỉ được hưởng chính sách nhà ở xã hội 1 lần duy nhất. 

Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai.

Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai.

Chia sẻ kinh nghiệm của nước mình, ông Kim Nam Jung, Viện nghiên cứu đất đai hạ tầng Hàn Quốc cho hay: “Tại Hàn Quốc, nhà ở được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Trong đó, nhà cho thuê được xây dựng theo mô hình công trình công cộng sẽ được tài trợ bởi chính quyền địa phương, trung ương hoặc Quỹ nhà ở quốc gia. Giá thuê của những căn hộ này dưới mức thị trường với thời hạn thuê từ 5 năm cho đến 50 năm. Bên cạnh đó, có nhóm nhà ở cho thuê nhưng là công trình tư nhân, được xây dựng từ quỹ tư nhân, có giá thuê không ổn định và thường thời hạn chỉ 5 năm. Một nhóm nữa là nhà cho thuê được mua với thời hạn từ 5 đến 10 năm, sử dụng vốn tư nhân. Với các loại hình này, Hàn Quốc đều có chính sách bảo vệ người thuê, mua lại nhà cho thuê nếu chủ sở hữu mất khả năng thanh toán, thu hồi tiền ký gửi cho thuê”.

Ông Kim cũng cho biết nước này dùng khái niệm nhà ở công cộng cho thuê đối với nhà ở dành cho người thu nhâp thấp. Khái niệm này giống với khái niệm nhà ở xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, người thu nhập thấp ở Hàn Quốc được phân chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm được hưởng những chính sách khác nhau về nhà ở. Song về cơ bản, Hàn Quốc sẽ cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp dưới dạng nhà cho thuê trong 10 năm, hết thời hạn 10 năm có thể bán cho người dân dưới dạng nhà ở cho người thu nhập thấp. Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng mua nhà.

Cũng chia sẻ về mô hình nhà ở xã hội, cụ thể tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Chính phủ và TP.HCM có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển quỹ nhà ở xã hội nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở. Việc phát triển loại hình này còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai. Cụ thể, ngoài loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các loại căn hộ có diện tích nhỏ từ 25 - 30m2 với giá bán 300 - 400 triệu đồng/căn và và nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ chủ đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội, cũng như hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà chưa ổn định”.

Chính ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn hạn chế do nguồn vốn, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhất là quỹ đất, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa chú trọng phát triển, đặc biệt là tâm lý của người mua là sở hữu thay vì thuê và một số chính sách phát triển nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện (hoàn thành bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, tương đương 4.085.000m2 sàn nhà ở) được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top