Aa

Nhà phố du lịch: “Gà đẻ trứng vàng” chưa được danh chính ngôn thuận

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 23/04/2020 - 06:00

Nhà phố du lịch được xem là một trong những loại hình tiềm năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, trong các văn pháp luật dường như lại đang "lãng quên" loại hình này.

Dòng sản phẩm được kỳ vọng sinh lời hấp dẫn

Nhà phố du lịch (shoptel) được xem là điểm đến tiếp theo hút đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định đây là bước phát triển cao hơn của shophouse, khi kết hợp hình thức kinh doanh khách sạn với nhà hàng, quán cà phê, bar, spa, cửa hàng tiện lợi… Có thể hình dung shoptel là nhà phố nhiều tầng. Trong đó tầng 1 - 2 là cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng… Các tầng còn lại chia thành tổ hợp phòng khách sạn mini.

Nếu shophouse đặt ở mặt đường thì shoptel thường đặt ở khu phố đi bộ, phố chính, phố trung tâm đắc địa nhất của các khu du lịch biển để xây dựng. Đây là những nơi tập trung nhiều du khách ưa sôi động, thích khám phá.

Hơn nữa, không thể phủ nhận, sự tăng trưởng vượt trội của du lịch Việt Nam với doanh thu ngoại tệ khủng là đòn bẩy tăng giá cho các loại hình bất động sản mới tại các thành phố du lịch.

Hầu hết các sản phẩm nhà phố du lịch, nhà phố thương mại hiện nay đều đặt tại các dư án khu du lịch ở các thành phố nổi tiếng về du lịch

Ngoài thành phố lớn, các trung tâm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc... cũng xuất hiện nhiều dự án nhà phố du lịch với quy mô đa dạng. Trong đó, những sản phẩm nhà phố ven biển nằm trong các quần thể dự án lớn, của các chủ đầu tư uy tín, được đầu tư đồng bộ có lợi thế hơn.

Dù số lượng nhà phố du lịch ven biển hiện tại chưa nhiều, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng diện tích các dự án nhưng giới đầu tư nhận định đây là sản phẩm nhiều tiềm năng phát triển, khả năng tăng lợi nhuận cao.

Bởi hầu hết các sản phẩm nhà phố du lịch hiện nay đều đặt tại các dư án khu du lịch ở các thành phố nổi tiếng về du lịch biển như Sun Plaza Grand World của Sun Group tại Hạ Long (Quảng Ninh)... Một nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm chia sẻ: “Đầu tư bất động sản ở các thành phố du lịch hiện nay đã có thêm lựa chọn là nhà phố nằm trong tổ hợp du lịch hay các khu đô thị mới. Với một dự án tốt thì ở gần bất cứ vị trí nào, nhà phố cũng có tiềm năng bởi 3 điểm mạnh vừa để ở, vừa để nghỉ dưỡng và có thể kinh doanh sinh lời”.

Tại báo cáo tâm điểm thị trường bất động sản du lịch mới nhất, ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành của CBRE Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Để tiếp tục duy trì tăng trưởng tại các thị trường trọng điểm, các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh việc mở rộng tại những vị trí địa lý mới, các chủ đầu tư cũng cần tích cực trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch mới. Nổi bật hơn hết là hình thức shophouse/shopvilla ven biển (nhà phố/biệt thự ven biển”.

Shoptel Aqua City Hạ Long

Đại diện CBRE cũng cho biết, một số dự án nổi bật thu hút khách và nhà đầu tư trong thời gian qua có thể kể đến Royal Park FLC Hạ Long, Malibu Hội An, NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm… Các chủ đầu tư sản phẩm này hiện đa số là những tên tuổi hàng đầu trên thị trường, giúp đảm bảo khả năng hấp thụ của các dự án hiện hữu.

Khả năng hấp thụ sản phẩm thuộc loại hình tương tự shophouse ven biển đạt gần 90%. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel), nhờ đó đã thu hút nhiều đối tượng mua là những nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng.

Pháp lý cho nhà phố du lịch bị lãng quên?

Các căn hộ du lịch (condotel) đến thời điểm hiện tại đã được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, sản phẩm nhà phố du lịch đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa được "danh chính ngôn thuận". Khi nào cấp sổ đỏ cho nhà phố du lịch vẫn là câu hỏi đang được đặt ra rất nhiều. Giới chuyên gia cho rằng, trước làn sóng bất động sản mới, yếu tố pháp lý vững chắc là điều kiện quan trọng khiến nhà đầu tư rót vốn shoptel.

Tuy nhiên, sau nhiều năm rơi vào vòng luẩn quẩn, các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chỉ mới được công nhận chính thức dưới góc độ pháp lý. Đáng chú ý là tên gọi mang tính “quốc tế” shoptel vẫn chưa được giải mã rõ ràng về nội hàm khiến cơ quan quản lý, nhà đầu tư “bối rối”. Đáng chú ý là trong văn bản mới nhất hướng dẫn cấp sổ đỏ cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới cũng không có tên “nhà phố du lịch” hay “shoptel”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ mới đề cập đến loại hình “căn hộ du lịch, biệt thự du lịch”, chưa bao gồm loại hình “nhà phố du lịch”.

Ông Châu cho hay, bởi trên thực tế còn có loại hình “nhà phố du lịch”, hoặc còn gọi là “boutique du lịch”, hoặc “shoptel” trong các khu du lịch nghỉ dưỡng, cũng được bán cho khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp).

Theo ông Lê Hoàng Châu, văn bản “Quy chuẩn xây dựng” của Bộ Xây dựng chỉ quy định loại hình “căn hộ lưu trú” là “căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp”, trong lúc, “căn hộ du lịch” tại các khu du lịch nghỉ dưỡng thường được xây dựng thành một tòa nhà cao tầng riêng biệt.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ xác định phương thức xem xét cấp “sổ đỏ” cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, chưa quy định cấp “sổ đỏ” cho “nhà phố du lịch” trong khu du lịch nghỉ dưỡng.

Đối với “căn hộ du lịch” khi chủ đầu tư bán cho khách hàng thì cần phải được xác định diện tích thuộc sở hữu riêng, diện tích thuộc sở hữu chung, có thể áp dụng tương tự như cách tính sở hữu riêng theo pháp luật về nhà ở đã quy định, vì văn bản “Quy chuẩn xây dựng” của Bộ Xây dựng chỉ quy định cách tính diện tích sử dụng “căn hộ lưu trú ” theo kích thước thông thủy.

Trong Điều 48 Luật Du lịch quy định 8 loại cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có “căn hộ du lịch, biệt thự du lịch”, nhưng chưa quy định “nhà phố du lịch” cũng là loại cơ sở lưu trú du lịch.

Từ những phân tích trên, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 để hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho nhà phố du lịch trong khu du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Châu cho hay: “Hiệp hội nhận thấy nội dung hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho nhà phố du lịch hoàn toàn phù hợp với các căn cứ pháp luật đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường viện dẫn tại Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020. HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện “Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư” xác định khái niệm “căn hộ du lịch”, thay thế khái niệm “căn hộ lưu trú ”và giải thích khái niệm “căn hộ du lịch” là “căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, hoặc tòa nhà độc lập phục vụ mục đích cho thuê lưu trú”.

Đồng thời, lãnh đạo HoREA đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy định cách tính phần diện tích “căn hộ du lịch” thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung, tương tự như cách tính đối với căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở, để làm cơ sở cấp “sổ đỏ” cho người mua “căn hộ du lịch”.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xem xét đề xuất bổ sung loại hình “nhà phố du lịch” vào Điều 48 Luật Du lịch để thống nhất quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top