Đi dự một hội sách cách đây vài năm ở Công viên Thống Nhất. Thấy tôi đi ngang qua quầy sách của Nhà xuất bản Trẻ, nhà thơ Hữu Việt huơ huơ trên tay cuốn sách của tác giả Bình Ca, dày ự. Sách gì mà cồm cộp thế, tên tác giả thì lạ hoắc. Hữu Việt vồn vã, làm một cuốn đi anh, vừa ra lò đây, hay lắm, nhanh kẻo hết. Tôi lật giở vài trang, rồi hỏi, Bình Ca già hay trẻ? Anh ruột của em. Hữu Việt khoe đầy hãnh diện. Nói thật, tôi chơi với Hữu Việt đã lâu, đôi ba lần qua thăm nhà văn Hữu Mai, cha của anh, nhưng không hề biết gì về Bình Ca. Chỉ nghe loáng thoáng Việt có một người anh trai theo nghiệp quan trường. Chắc gã này đây, lại một dạng quan thừa lộc, giở giói văn veo thơ phú. Tôi thoáng nghi ngờ.
Cuốn “Quân khu Nam Đồng” tôi nhận hờ hững, đọc vì Hữu Việt, nhưng đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Cái khu gia binh trong truyện ít nhiều đều có trong ký ức của người Hà Nội. Câu chuyện của Bình Ca ập đến cả một trời ký ức lô xô. Những năm tháng đầu xanh tuổi trẻ, những ngỗ nghịch tuổi học trò với những trận đánh nhau bạt tử, cả tình yêu vụng dại ngây thơ… Nhiều lắm những kỷ niệm cứ xoay chong chóng tôi trong miên mải ký ức một Hà Nội yêu dấu. Lần đầu tiên viết sách mà văn của Bình Ca hay ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trong văn vắt, đằm thắm, mượt, lại bùng nổ mọi cung bậc cảm xúc.
Đọc xong, tôi viết ít dòng về “Quân khu Nam Đồng” trên trang cá nhân và đã nung nấu ý định chuyển thể câu chuyện thành kịch bản phim. Tôi đề nghị Hữu Việt cho tôi gặp Bình Ca. Phải mất kha khá thời gian, cuộc gặp mới được thực hiện. Lý do có nhiều, trong lúc đó tôi nghĩ, chắc thằng cha này “chảnh”, bởi “Quân khu Nam Đồng” nổi bần bật, luôn ở tình trạng “cháy” sách, phải tái bản liên tục. Ngay chuyện làm phim, Bình Ca cũng nhận được không ít lời đề nghị hấp dẫn. Vậy mà không ngờ lần gặp đầu tiên ấy, Bình Ca đã gieo vào tôi sự tin tưởng, quý trọng bởi anh thẳng thắn, lịch lãm và hiểu biết. Chúng tôi ngồi với nhau chuyện trò đến mấy giờ đồng hồ. Câu chuyện tâm đầu ý hợp trong sự giám sát của Bùi Huy Hội (cũng là người lần đầu tiên tôi gặp). Đến mức dù không uống được bia nhưng tôi quên phắt thú vui uống rượu của mình. Tôi và Bình Ca thỏa thuận miệng về những điều kiện chuyển thể tác phẩm. Sau đó vì lý do chưa tìm được nhà sản xuất nên “Quân khu Nam Đồng” vẫn yên vị chỉ là một giấc mơ không có hồi kết với thằng tôi nuối tiếc.
Cũng từ đó tôi cùng Bình Ca, cả Bùi Huy Hội nữa, trở thành bạn bè. Nghĩ cũng lạ kỳ cho thứ tình bạn bất chợt của đàn ông. Tiếp xúc với Bình Ca, tôi dần hiểu và lý giải được vì sao là cuốn sách đầu tay nhưng “Quân khu Nam Đồng” lại thành công đến thế. Thì ra gen văn chương từ người cha, nhà văn Hữu Mai, đã được truyền sẵn trong khí huyết Bình Ca. Nhưng điều này mới là quan trọng, mới làm nên “Quân khu Nam Đồng”, đó là cái vốn của một người có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp, có một quá trình sống hết mình và dĩ nhiên, đó còn là tâm hồn của một người cầm bút thực thụ, dù chưa một lần Bình Ca nhận mình là một anh viết văn...
Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình. Sinh năm Mậu Tuất. Tôi không biết nhiều về con đường hoạn lộ của anh, chỉ biết Bình Ca là một quan chức có nhiều thời gian lãnh đạo mảng văn xã của một tỉnh. Đôi lần đến nhà anh chơi, tôi cảm nhận được sự viên mãn trong gia đình của anh. Anh có hai cậu con trai, học hành, tự lập và thành đạt. Khi gặp chúng tôi, Bình Ca thường say mê kể về con.
Bình Ca nhiệt thành với bạn bè, đặc biệt là với những người “lính quân khu Nam Đồng” xưa, có những quan điểm rõ ràng về những vấn đề xã hội và hóm hỉnh, bình dị cùng một trí tuệ thiên bẩm được thực tiễn bồi đắp. Anh là một người bạn tin cậy của không chỉ mình tôi.
Con người Bình Ca còn rất nhiều góc khuất tôi chưa được biết. Anh nói rằng chỉ coi “Quân khu Nam Đồng” như là một cuộc chơi tình cờ, nhưng vẫn không giấu được những khát vọng đam mê về những gì sắp đến của chữ nghĩa.
Mới đây, Bình Ca lại ra một cuốn sách mới mang tên “Đi trốn”, viết về những học sinh một thời trường Nguyễn Văn Trỗi. Cuốn sách cũng lập tức gây sốt với bạn đọc. Như vậy là Bình Ca không tình cờ đến với văn chương. Điều đó chính là một sắp đặt của số phận…