Aa

Họa sĩ viết văn tay ngang

Thứ Sáu, 12/03/2021 - 07:00

Đỗ Phấn viết về Hà Nội nhẹ nhàng mà sâu thẳm. Có cảm giác, chỉ Hà Nội, khi đụng bút đến mới làm anh thăng hoa. Đỗ Phẩn tỉ mẩn trong nếp xưa của một gia đình phố thị, chi tiết từng món ăn, cái mặc, nếp nghĩ.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không thôi về những người tay ngang. Ấy là khi một nhà văn bỗng dưng có buổi đẹp trời mua toan, sắm cọ, căng giá vẽ để nhảy sang làm cái việc của họa sĩ là vẽ tranh. Rồi một ông họa sĩ nảy nòi viết như điên như dại để ra những cuốn sách mà chỉ bọn người bị giời đày là nhà văn mới phải chịu kiếp nạn ấy. Hiển nhiên họ là những người tài. Không tài sao được khi đã thành danh ở lĩnh vực của mình lại nhảy sang một lĩnh vực khác, chẳng hề sợ hãi. Và họ thành công mới khiếp chứ. Đỗ Phấn là một người như vậy. Xin được chua thêm rằng, họa sĩ viết văn có lẽ thành công hơn là nhà văn vẽ tranh để muốn mình thành họa sĩ.

Tôi thích gọi Đỗ Phấn là họa sĩ hơn. Trong cuộc nào cần giới thiệu, bao giờ tôi cũng trân trọng chức phận ấy của anh, dù rằng với văn chương, Đỗ Phấn đáng nể qua không ít tác phẩm. Đặc biệt với những gì anh viết về Hà Nội. Gọi chức phận là vì cả đời Đỗ Phấn đam mê với tranh. Tôi mù mờ về hội họa. Đứng trước những bức tranh, bao giờ cũng như người mù đi đường cần cây gậy dắt. Tôi mất định hướng, không hiểu và chỉ chăm chú khi trong người bất chợt có một cảm giác gì đó không thể cắt nghĩa. Ấy là lúc tôi biết rằng cái tranh đó tạo cho tôi cảm giác bất chợt kia, đã đánh thức được xúc cảm của một người mù không ánh sáng và anh ta cảm nhận được thế giới bằng những giác quan khác, trong đó bản năng là quyết định. Kỳ cục và lẩm cẩm nhưng sự thật là thế. 

Đỗ Phấn là họa sĩ đã từng có vài chục triển lãm cá nhân, cả trong và ngoài nước, sống và giàu có được bằng bán tranh thì dứt khoát những bức tranh đó không thể tầm thường. Nó đẹp ở chỗ nào? Giá trị ra sao? Màu sắc, bố cục, ý tưởng thế nào?... thì tôi chịu. Chỉ biết tôi mê tranh Đỗ Phấn.

Đỗ Phấn vẽ gì, tôi cũng thấy thích. Đến mức tôi quyết định phải có một bộ sưu tập tranh của anh. Tiền tôi không có để mua. Xin thì quý lắm bạn bè cũng chỉ tặng được đôi bức. Tôi bèn viết truyện ngắn để kiếm tranh minh họa của Đỗ Phấn. Không có tiền mua thì tranh minh họa là quý lắm rồi. Tôi không mấy hiểu vì sao nhiều họa sĩ nổi tiếng lại hay vẽ minh họa in báo. Trong nhiều năm, tôi âm thầm bắt tay với nhà thơ Đỗ Quang Hạnh, phụ trách tờ “Lao Động cuối tuần”. Tờ báo đó mỗi số đều có mục truyện ngắn, được trình bày màu rất đẹp, và có tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng như Trịnh Tú, Đỗ Phấn... Tôi sẵn sàng viết khi được Đỗ Quang Hạnh đặt hàng. Điều mà tôi rất ghét, ít chịu viết theo ý người khác. Chỉ với một điều kiện là Đỗ Phấn minh họa. Tất nhiên phần về tôi phải là bản gốc minh họa đó. 

Có chi tiết này tôi láu cá nghĩ ra để chiếm đoạt nhiều tranh minh họa của họa sĩ mình thích. Khi Đỗ Quang Hạnh sắp nghỉ hưu, tôi gạ Hạnh in cho một chùm truyện mini 7 cái trong một số báo với lý do để tôi và Hạnh chia tay nhau tờ “Lao Động cuối tuần” sau nhiều năm đằng đẵng cộng tác. Và tôi sung sướng nhận từ chính Đỗ Phấn 7 bức minh họa toàn về những con vật ngồ ngộ đẹp mê mẩn. Thằng cháu ngoại mới 5 tuổi thấy mèo, thấy chim, thấy đại bàng, chó sói, bèn nhót luôn hai bức mang về treo ở nhà…

Tôi đã có một bộ sưu tập tranh Đỗ Phấn vẽ minh họa cho truyện ngắn của mình. Những bức bột màu nho nhỏ, xinh xắn, lồng khung kính treo, đậm chất kỷ niệm, thành niềm vui vô bờ bến của tôi. 

Tôi không nhớ quen Đỗ Phấn từ bao giờ. Thi thoảng gặp nhau ở cuộc rượu, thấy hợp nết uống thì chơi. Bảo là thân cũng không phải. Dân văn nghệ Hà Nội chơi với nhau lạ lắm. Nó theo kiểu dắt dây. Đỗ Phấn thân với nhà văn Bảo Ninh. Hay rủ nhau “đánh mảnh”. Cũng bởi cái nết của Bảo Ninh ngại đám đông. Tôi thì ngưỡng mộ Bảo Ninh, cứ thấy ông chơi được với ai thì đích thị đấy là người đàng hoàng. Cứ thế tôi và Đỗ Phấn xáp lại gần nhau. Từ dạo Đỗ Phấn chuyển tay ngang lấn sân văn chương, tôi có gặp gỡ anh nhiều hơn ở những cuộc ra mắt sách. Tất nhiên sau những cuộc này phải là những trận nhậu tưng bừng.

Ấn tượng về người họa sĩ viết văn này khá đậm trong tôi. Đỗ Phấn viết nhanh và nhiều. Bút lực sung mãn và phong phú. Nhà văn ai làm chủ được con chữ dẫn dắt được nó dứt khoát văn sẽ hay một cách thanh thoát và sang trọng. Đỗ Phấn nằm trong số này. Chỉ qua chục năm viết văn, gia tài của Đỗ Phấn đã là hơn hai chục cuốn tiểu thuyết và tản văn. Trong khi cả đời viết văn của tôi chỉ được bằng một phần ba đầu sách so với anh. Dấu ấn nghề nghiệp rất rõ trong văn của Đỗ Phấn. Có một dịp nào đó tôi sẽ viết kỹ về tác phẩm của anh. Trong đó phần tôi thích và nể phục nhất là những trang văn viết về Hà Nội và những người trong giới hội họa. 

Không phải nhà văn gốc Hà Nội nào cũng viết hay về Hà Nội. Tiểu thuyết “Dằng dặc triền sông mưa” của Đỗ Phấn giành được giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Hà Nội. Đọc “Dằng dặc triền sông mưa”, cảm xúc của tôi dâng trào về một Hà Nội những năm tháng bom đạn với những nhân vật đồng lứa. Tôi đã viết cảm nhận liền một mạch khi đọc xong bản thảo và dùng chính những gì cốt thiết nhất từ cõi hồn tôi chắt ra từ những năm tháng ấy thành bài tựa của cuốn sách. 

Họa sĩ viết văn có thế mạnh tạo hình. Tôi cứ hình dung trí tưởng của Đỗ Phấn trước trang bản thảo luôn lô nhô những ảnh hình nhân vật cùng đời sống của họ. Ký ức tuổi thơ, một cuộc tình, những đổ vỡ... Nhân vật của Đỗ Phấn gần gụi với chính cuộc sống của anh. Đó là những nghệ sĩ bươn chải trong đường đời, là những con người bình thường lầm lụi kiếm sống, những gia đình trí thức của một Hà Nội quá vãng lẫn hiện tại.

Đỗ Phấn viết về Hà Nội nhẹ nhàng mà sâu thẳm. Có cảm giác, chỉ Hà Nội, khi đụng bút đến mới làm anh thăng hoa. Đỗ Phẩn tỉ mẩn trong nếp xưa của một gia đình phố thị, chi tiết từng món ăn, cái mặc, nếp nghĩ. Tôi thán phục trí nhớ của Đỗ Phấn. Anh viết sống động về tuổi thơ những cậu bé Hà Nội nhảy tàu điện và câu cá. Một quán rượu xưa tuổi đời cả nửa thế kỷ đến một gốc cây nơi từng hò hẹn mối tình đầu không bị lãng quên... Tôi có cảm giác anh là một nhà Hà Nội học vì những hiểu biết của mình. Có lúc tôi bí đề tài khi giữ chuyên mục Hà Nội trên một vài tờ báo. Những lúc ấy tôi thường đọc Đỗ Phấn. Cảm hứng đã đành nhưng những tư liệu ngồn ngộn về Hà Nội của anh tạo cho tôi vô vàn ý tưởng. Tư liệu tài tình ở chỗ không phải nó nằm trong khảo cứu, trong sách sử mà là những ký ức sống của anh, một người Hà Nội.

Đã có nhiều người viết về Đỗ Phấn. Tôi không làm theo cách của họ. Đỗ Phấn bao nhiêu tuổi, có những thành tựu gì? Hàng ngàn bức tranh. Cả trăm cái tẩu. Đồ cổ chất kho. Đồng hồ một đống. Một gia tài đáng mơ ước của không ít nghệ sĩ. Thậm chí Đỗ Phấn học hành ra sao, từng làm thày giảng đại học, bỏ ngang tất cả để vẽ tranh để viết trong tâm thế một người sáng tác tự do. Tác phẩm Đỗ Phấn có những gì? Tất cả, bạn muốn biết về Đỗ Phấn hãy cứ tra Google. Ở đó bạn sẽ có hết những gì cần biết. 

Với Đỗ Phấn, những điều trên không quan trọng. Kể cả danh phận họa sĩ hay nhà văn. Một Đỗ Phấn gầy guộc, chòm râu phơ phất trắng, mái tóc ngắn lốm đốm, mọi thứ đều già nua, đến cả bạn gái cũng già, chỉ riêng đôi mắt là trẻ trung, tinh anh. Đôi mắt lấp lánh tràn đầy sinh khí lẫn yêu thương. Một đôi mắt hóm hỉnh biết nói kể cả lúc say khi anh ôm đàn gào lên những khúc tình ca loạn nhịp. 

Tết con gà năm nào, Đỗ Phấn mang mấy bức tranh gà đã lồng khung đến quán rượu tặng bạn bè. Anh tặng tôi một bức treo nhà và bức lớn hơn dành để đấu giá bán tặng trẻ miền núi. Tôi đấu giá bức tranh trên Facebook. Lúc đến ngưỡng 25 triệu, Đỗ Phấn gọi điện cho tôi bảo” “Dừng đi ông. Tranh Tết của tôi chỉ đến giá ấy”. Tôi đã sững sờ vì cú điện thoại này. Ngay cả trong việc thiện nguyện, Đỗ Phấn cũng không muốn bức tranh vượt quá giá trị nó vốn có.

Và tôi chợt hiểu. Người biết bảo vệ đúng giá trị của mình đích thực là một nghệ sĩ. Vậy thôi Đỗ Phấn, họa sĩ viết văn tay ngang!./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top