Trung sĩ là quân hàm bậc giữa của hạ sĩ quan, gồm hạ sĩ, trung sĩ và thượng sĩ. Đây là cấp bậc quân hàm khi rời khỏi quân đội sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường K (Campuchia) của chàng thanh niên Hà Nội có tên là Xuân Tùng. Và như một định mệnh, cuốn sách đầu tay ở loại thể hồi ức “Chuyện lính Tây Nam” của anh đã đặt cố định bút hiệu nhà văn Trung Sĩ. Một bút danh kỳ lạ và đậm chất lính đã trở nên thân quen với giới sáng tác và độc giả chỉ bằng duy nhất cuốn hồi ức này.
Tôi đọc “Chuyện lính Tây Nam” sau khi tác giả cho ra mắt ít lâu. Cuốn sách được độc giả và chính giới sáng tác đón nhận một cách nhiệt thành. Thói quen của tôi, ngoại trừ sách tác giả tặng, là luôn tìm đọc những cuốn sách gây dư luận. Một đặc điểm của sự tiết kiệm thời gian khi tìm đọc những cuốn sách thiết thực.
“Chuyện lính Tây Nam” cuốn hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên. Một người lính tham gia chiến trường K sau mấy chục năm, một ngày có lẽ vì những ám ảnh trận mạc quá lớn, đã đặt bút viết lại những gì xảy ra ở cuộc chiến tranh ấy về bản thân mình, đồng đội mình. Những dòng hồi ức không màu mè, trần trụi với đủ đầy các góc cạnh sự thật, tạo ra những cảm xúc cộng hưởng cực mạnh.
Vốn là một người lính tham gia chiến tranh trước 1975, tôi cảm nhận rõ rệt từng hơi thở cuộc chiến của Trung Sĩ và đồng đội của anh. Vẫn là sự ác liệt chết chóc nhưng không chỉ có thế, đó còn là những dòng suy nghĩ thật “người” bình dị với sự sống, cái chết. Là những cảnh huống chiến trận, những đói khát gian khổ, những cảnh sinh hoạt lính tráng và cả những cung bậc trạng thái tình cảm của người lính trong rất nhiều tình huống của chiến tranh.
Trung Sĩ là trai Hà Nội, tuy lần đầu viết sách và không hề có bất cứ ý niệm văn chương nào, nhưng nền tảng kiến thức của một học sinh Hà Nội ham đọc, có hiểu biết về thời cuộc và được sinh trưởng trong một gia đình truyền thống là tư sản phố thị, nên tác giả nhập cuộc có vẻ thật dễ dàng. Khó bắt gặp một trang viết gượng ép nào, mà hoàn toàn là những bung phá của ngôn ngữ của sự thật chiến tranh, của cảm xúc người viết. Thật khó hình dung về một người viết mới, những trang văn của Trung Sĩ mang dấu ấn của chữ nghĩa chuyên nghiệp, giàu hình ảnh và cách kể tài hoa với những ngắt đoạn cực kỳ hấp dẫn và những chốt kết đậm tính triết luận về thế cuộc, về đời sống, trong hình hài nhân sinh giản dị như chính cuộc sống. “Chuyện lính Tây Nam” hoàn toàn chinh phục được một người đọc khó tính và có kinh nghiệm là tôi.
Cũng cần nói thêm, ở thời điểm “Chuyện lính Tây Nam" ra đời, trước đó đã xuất hiện một loạt hiện tượng văn học phi hư cấu là những cuốn sách của các tác giả từng là lính kể lại chuyện chiến trận của mình. Tôi đặc biệt ấn tượng với “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, một người lính chiến đấu ở chiến trường C (Lào) và “Quảng Trị 1972” của Nguyễn Quang Vinh, viết về mặt trận Thành Cổ năm 1972. Cả ba tác giả trên đều là những lính chiến thực thụ viết về chính cuộc chiến đấu của mình, không tô vẽ, hư cấu và có lẽ mục đích của họ không nhằm cho văn chương mà chỉ là giải tỏa những bức xúc, ám ảnh về một thời đã trôi qua chưa xa, dù đó là một khoảng cách lớn của thời gian.
Tôi vốn là người trọng tài. Với những tác giả như Trung Sĩ, tôi luôn có nhu cầu tìm gặp chuyện trò, trao đổi. Nhưng có vẻ lần này tôi đã không gặp may. Trung Sĩ thoắt ẩn, thoắt hiện và tung tích rất khó kiếm tìm. Thời gian nhãng đi khá lâu, khi cái ý định kia trong tôi dần mai một, thì một lần trong trận xem đá bóng Việt Nam ở nhà một người bạn mạn Bờ Hồ, tôi gặp Trung Sĩ.
Nói thật, dân văn chương gặp nhau tương đối khó hòa nhập bởi cá tính khác biệt nhưng nếu họ đã là lính thì mọi khoảng cách xóa nhòa rất nhanh. Tôi tiếp cận Trung Sĩ ở cuộc rượu bóng đá một cách không thể hòa đồng hơn. Hai cuộc chiến tranh nhưng thế hệ lính như Trung Sĩ với tôi đều không có nhiều khác biệt, nhất là những ký ức về Hà Nội.
Vài ba lần hẹn hò, gặp gỡ, chúng tôi có thể tự tin để trao gửi tâm tình bè bạn. Tất nhiên đó còn là những tìm hiểu đọc về nhau trên facebook, trên báo chí. Trung Sĩ cho đăng tải nhiều đoạn hồi ức chiến trận cũng như những ký ức về Hà Nội rất sống động. Những thằng lính đã qua sống chết có những trọng thị nhau rất khác người. Như rất nhiều thanh niên Hà Nội nhập ngũ, chàng trai Xuân Tùng mang theo nhiều tài lẻ. Sinh sống trong một gia đình bố là bác sĩ, mẹ là cô giáo dòng dõi con nhà tư sản từng hiến tặng tài sản, biệt thự trong cải tạo tư sản công thương, nên cậu bé Xuân Tùng được dạy dỗ và đặc biệt là được đọc nhiều sách từ nhỏ.
Về điểm này tôi nghĩ quan trọng nhất trong hành trang của mỗi nhà văn chính là kiến thức thu nhận được từ những cuốn sách từ thơ ấu. Có lẽ vì thế nên ngôn ngữ của “Chuyện lính Tây Nam” đặc biệt sắc nét, mang tính công phá lớn, rất phù hợp với một cuốn sách về chiến tranh.
Tiếp xúc ít nhưng tôi nhanh chóng nhận ra khả năng của Trung Sĩ ở nhiều khía cạnh. Cái chi tiết đập vỡ cây đàn ghi ta trong “Chuyện lính Tây Nam” nói lên khả năng đàn hát của người cựu binh gốc Hà Nội này. Tùng uống ít rượu nhưng vui hết mình bằng những bài hát về Hà Nội. Thú thực, ngồi với anh, được nghe lại những bài hát đám lính trẻ dạo nào cùng nhau đàn hát sau buổi hành quân, thậm chí sau một trận đánh khói bom vương khét, thấy nôn nao xúc động lạ thường. Gặp Trung Sĩ, dần dà tôi được lý giải vì sao chỉ bằng một cuốn sách, tên tuổi anh đã được ghi nhận.
Trí nhớ của tác giả này vào hàng cực siêu. Điều này rất dễ nhận ra trong các chi tiết nhỏ nhất của những người lính tham gia chiến trận và những kỷ niệm về Hà Nội. Sự lưu trữ thông tin ăm ắp cộng với năng lực thể hiện ngôn ngữ của nhà văn “trẻ” này, tôi tin, nếu Trung Sĩ tiếp tục dấn thân vào nghiệp văn, anh sẽ trưởng thành và gặt hái những kết quả tốt đẹp.
Mới đây nhất, Trung Sĩ gọi điện hẹn đến nhà tôi. Những tưởng chỉ là gặp gỡ giao lưu thông thường như cái cách chúng tôi vẫn thể hiện, nhưng không, anh mang đến tặng tôi cuốn sách mới còn thơm mùi mực in. Tôi cầm cuốn sách thứ hai vừa ra lò hoàn toàn không ngạc nhiên. Những trích đoạn của cuốn sách này đã được Trung Sĩ cho đăng tải trên Facebook, trên một số tờ báo. Lại là một cuốn hồi ức. Có thể gọi như thế, nhưng cũng có thể coi đó là một cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện. Tôi mở rượu đãi Trung Sĩ, nói loanh quanh dăm câu ba điều về cuốn sách.
Chỉ có thế về một cuốn sách tặng, nhưng tác giả về rồi, tôi cắm mặt vào cuốn sách. Vẫn là một Hà Nội cũ của tôi và những người Hà Nội. “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” in khổ to dày dặn với 270 trang viết. Một thời Hà Nội cứ thế hiện dần lên sống động. Viết về Hà Nội, đã có nhiều tác giả thành danh viết. Ngay các nhà văn đương đại cũng hình thành một đội ngũ đông đảo. Có thể kể đến Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến...
Tôi cũng có đôi cuốn tạp văn viết về Hà Nội. Nhưng cách viết của Trung Sĩ hoàn toàn khác. Đa số các tác giả viết về Hà Nội thành từng bài nhỏ riêng biệt. Một thú chơi, một món ăn, một kỷ niệm phố phường hay những địa danh lịch sử. Nhiều lắm, mỗi một góc nhìn, mỗi tác giả có cách kiến giải về Hà Nội của riêng mình.
Câu chuyện của “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” có cấu trúc khác hẳn. Nó là một câu chuyện dài liền mạch về Hà Nội, trong đó có xuất thân gia đình, dòng họ, có tuổi thơ sơ tán đi học, có những ngày cực nhọc bao cấp khốn khó. Và người viết về cái Hà Nội cũ ấy là một cậu bé cũ của Hà Nội năm nào cực kỳ tinh nhạy.
Tôi đã rất tâm đắc về ít dòng nhận xét của nhà văn Bình Ca in ở cuối sách: “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” đưa bạn đọc lên con thuyền ký ức, trôi về một thời khó khăn, vất vả, ấu trĩ nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp trong không gian ngập tràn tiếng cười, nỗi lo toan và cả những hoài nghi, trăn trở. Để ghi lại chân xác những khoảnh khắc đó phải có một tình yêu sâu nặng với Hà Nội...”.
Tình yêu sâu nặng với Hà Nội, đúng thế. Cậu bé Xuân Tùng và người lính Trung Sĩ, bây giờ là nhà văn có cái bút danh lạ lùng này không thể viết về những năm tháng chiến tranh của đời mình, dân tộc mình và một Hà Nội cổ kính ngàn năm nếu không có một trái tim mẫn cảm và một tình yêu được hun đúc bằng những trải nghiệm thật quý giá. Trong cảm xúc mãnh liệt về Hà Nội vừa được cộng hưởng từ cuốn sách tôi đã không thể kìm nén viết một vài nét chân dung nhà văn Trung Sĩ./.