Aa

Nhận diện bất động sản miền Trung trong năm 2022

Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Năm, 13/01/2022 - 16:00

Theo các chuyên gia, bất động sản miền Trung vốn dĩ có nhiều lợi thế và tương lai triển vọng tuy nhiên các doanh nghiệp bất động sản vẫn nên thay đổi xu hướng quản lý để thích ứng trong bối cảnh mới.

Triển vọng phát triển bất động sản miền Trung 

Chia sẻ tại diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” chiều 12/1, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Miền Trung vốn có lợi thế du lịch và nhiều tỉnh thành khu vực này đang phát triển mạnh du lịch. Đợt dịch vừa qua đã làm khu vực miền Trung cũng chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn tới hàng loạt dự án đứng im, không vận động”.

Ông Thiên cho biết thêm, trong vài tháng trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, khu vực miền Trung đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Chúng ta cũng đang có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho bất động sản nơi đây, cùng với tài nguyên du lịch của miền Trung là “vô đối” sẽ góp phần tập trung cho sự phát triển của khu vực này trong những năm tới.

Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”
Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”

Nhìn về tương lai phát triển của miền Trung, ông Trần Đình Thiên cho rằng, để phát triển khu vực này thành công thì miền Trung nên có hướng đi khác với các tỉnh thành khác. Nếu như miền Bắc, miền Nam ưu tiên phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp thì miền Trung nên tận dụng những vẻ đẹp của thiên nhiên, lấy du lịch thành hướng mũi nhọn phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, tại khu vực miền Trung, kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn trong tương lai, do vậy, các dự án bất động sản ở khu vực này phần lớn là phát triển về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là những dự án đô thị để phục vụ hệ thống hạ tầng, kinh tế du lịch ở các địa phương.

Theo ông Đính, trong xu hướng phát triển gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện rất nhiều tổ hợp du lịch lớn có quy mô, có nhiều chức năng đa dạng, thay thế cho những dự án nhỏ lẻ, những khách sạn hay những tòa condotel đơn độc trước đây.

Ngoài sự đa dạng về những sản phẩm như các đại đô thị du lịch ngoài Đà Nẵng, Nha Trang như đã nêu, thì hiện nay Quy Nhơn, Thanh Hoá, Bình Thuận cũng nổi lên những đại đô thị du lịch có chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư.

Cơ hội cho dòng vốn đầu tư vào bất động sản

Nói về thu hút đầu tư vào phát triển khu vực miền Trung, ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Trong những ‘đại bàng’ đậu lại ở đây đã có những ‘đại bàng’ thành danh. Miền Trung sẽ là nơi các 'đại bàng’ thành danh có điều kiện phát triển tốt hơn bất cứ nơi nào hết. Từ quan sát của tôi, nhận thấy rằng dường như đang có một cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư vào khu vực này, điều này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn trong tương lai".

Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho hay, trong năm 2022, với những lợi thế chính sách, chủ trương của Chính phủ thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đầu tư rất mạnh, kể cả đầu tư công, cũng như các “đại bàng” sẽ tăng tốc để tạo ra hệ thống hạ tầng tốt hơn, phục vụ cho ngành kinh tế du lịch ở khu vực miền Trung, nhằm khai thác tận dụng tốt nhất các lợi thế của vùng này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, năm 2022 sẽ là một năm tươi sáng đối với ngành bất động sản trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo mức 4,5 - 5%, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ giá và lãi suất mức tương đối ổn định, lạm phát năm 2022 mức 3,3% đi ngang.

TS Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV

Ông Lực cho biết, giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản đã và sẽ được kiểm soát. Bên cạnh đó, giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá bất động sản nhà ở còn tăng mức 5 - 9% theo từng địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm.

Về nguồn vốn vào thị trường bất động sản, ông Lực cho biết, năm 2021, nguồn vốn đối với thị trường bất động sản sẽ tăng khoảng 9%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ VNĐ, chiếm 19% tổng dự nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó là vốn tư nhân, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.650 doanh nghiệp vốn đăng ký 472.000 tỷ. Trong khi đó, vốn FDI tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản là 2,6 tỷ USD. Phát hành trái phiếu toàn ngành bất động sản tích cực, toàn thị trường phát hành 628.000 tỷ VNĐ tăng 36%.

Tuy nhiên, ông Lực cũng chỉ ra những rủi ro, thách thức với ngành bất động sản trong thời gian tới. Cụ thể, phương thức phòng chống dịch vẫn còn thiếu nhất quán, Chính phủ và Bộ Y tế đôi khi vẫn phải "tuýt còi" một số địa phương. Bản thân lĩnh vực bất động sản cũng có phân khúc đi ngang, có phân khúc đi lên… nhìn chung sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm.

Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thách thức khi còn thiếu khung pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới, cùng với đó là vấn đề dữ liệu, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn hạn chế.

Trước những tiềm năng và thách thức lớn, TS. Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động... Doanh nghiệp bất động sản cần phục hồi xanh, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số đón đầu xu hướng mới và thích ứng, quản lý rủi ro./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top