Aa

Nhận diện điểm nghẽn thị trường tài chính

Thứ Năm, 21/09/2023 - 06:05

Cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, bổ sung vốn cho các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương.

 

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường tài chính là kênh dẫn vốn và phân bổ nguồn vốn một cách thông minh, có chọn lọc, từ nơi có nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi tới những nơi có nhu cầu và có khả năng sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn ở trong nền kinh tế.

Nhìn lại năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế - tài chính thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo. Bên cạnh những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, thị trường tài chính Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế và xuất hiện một số rủi ro. Vậy làm gì để đạt mục tiêu thị trường tài chính cung ứng vốn một cách an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo các chuyên gia, nếu xét theo thời gian sử dụng nguồn tài chính huy động hay chính là thời gian luân chuyển vốn, thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Trong đó, thị trường tiền tệ chủ yếu cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, còn thị trường vốn cung ứng nguồn vốn trung dài hạn.

Tuy nhiên thị trường vốn tại Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Hiện huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) gặp nhiều khó khăn. TTCK Việt Nam chưa hoàn thiện các tiêu chí thị trường để đáp ứng yêu cầu nâng hạng, chưa thu hút được dòng vốn lớn và ổn định từ thị trường quốc tế... Thị trường trái phiếu cũng chưa phát triển, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường TPDN tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển hơn trong ASEAN như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP) hay Thái Lan (25% GDP).

Trong khi đó, vai trò các quỹ tài chính nhà nước còn mờ nhạt và thiếu vắng các cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các sản phẩm tài chính mới và tiền đề cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế/khu vực…

TTCK Việt Nam hiện chưa hoàn thiện các tiêu chí thị trường để thu hút được dòng vốn lớn và ổn định từ thị trường quốc tế.

Sự hạn chế của thị trường vốn đã khiến ngành nặng lo vốn cho nền kinh tế dồn cả lên vai hệ thống ngân hàng, Không chỉ cung ứng vốn ngắn hạn, mà hiện tại nguồn cung ứng vốn tín dụng trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. Điều đó đã đẩy quy mô tín dụng/GDP tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, quy mô tín dụng/nền kinh tế đã ở mức cao so các nước cùng trình độ phát triển. Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, là mức cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. IMF cũng cho rằng việc tăng tín dụng/GDP đến một ngưỡng nhất định (khoảng 100%) có thể làm tăng rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáng quan ngại hơn là đại dịch Covid-19 bùng phát cùng những khó khăn từ kinh tế toàn cầu trong mấy năm qua đã khiến năng lực trả nợ của khách hàng bị suy giảm, rủi ro nợ xấu của các ngân hàng tăng. Trong khi đó, theo TS. Vũ Như Thăng, các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ, nhất là trong xử lý tài sản đảm bảo các khoản vay khi có nợ xấu. Từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực đến nay, nợ xấu theo TCTD báo cáo đã giảm dần mức 2,5% năm 2017 xuống mức 1,5% năm 2021, nhưng đã tăng trở lại lên trên 2% năm 2022. Bên cạnh nguyên nhân kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, các TCTD cũng gặp trở ngại trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Để cải thiện dòng vốn cho nền kinh tế, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, trước hết cần nâng cao hiệu quả phân bổ tín dụng; Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội. Kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản (thông qua điều chỉnh tăng hệ số quy đổi rủi ro đối với các ngành này trong điều kiện cần thắt chặt hơn nữa).

Cùng với đó là đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các đề án/phương án cơ cấu lại các TCTD yếu kém; Nhanh chóng sửa Luật Các TCTD để phù hợp với môi trường kinh doanh; Cần có lộ trình, thời hạn cụ thể trong việc thực hiện giảm tỷ lệ Nhà nước sở hữu cổ phần ở các TCTD...

Trong lĩnh vực chứng khoán, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến nâng hạng TTCK. Tiếp tục đẩy nhanh đưa vào vận hành hệ thống công nghệ KRX, triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm cho TTCK, triển khai các nghiệp vụ giao dịch trong ngày, cho vay cổ phiếu, bán khống cổ phiếu. Cùng với đó, cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, triển khai các sản phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu hết room, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh (bắt buộc đối với các doanh nghiệp niêm yết thuộc rổ VN30, HNX30), áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)…

Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, bổ sung vốn cho các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương để các quỹ tài chính nhà nước là “vốn mồi” thu hút các nguồn vốn khác để đồng tài trợ cho các dự án. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần có lộ trình về việc xây dựng thị trường tài chính với chính sách đột phá để thu hút các định chế tài chính từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top