Aa

Có dễ vay vốn để “đảo nợ” ngân hàng?

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Ba, 19/09/2023 - 06:00

Với mức lãi suất ưu đãi được các ngân hàng “tung ra” trong thời gian qua, việc vay vốn để trả nợ tại các ngân hàng khác đang được cho là cơ hội lớn với những khách vay đang phải “gánh” mức lãi suất cao.

Các ngân hàng sẵn sàng tâm thế với “cuộc đua” hạ lãi suất cho vay

Kể từ ngày 1/9, Thông tư 06 có hiệu lực đã cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Đáng chú ý, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống xã hội. Do đó, khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để đảm bảo cho khoản vay như: Bất động sản, tiền mặt, tài khoản tiền gửi, tiết kiệm…

Có thể thấy, chính sách mới này có tác động lớn tới góc độ người đi vay khi cho phép họ có thể lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

Được biết trước đây, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng một khoản tiền để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng hiện nay, khách hàng có thể chuyển hồ sơ khoản vay đó từ ngân hàng A sang ngân hàng B.

BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn. (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã bắt đầu bước vào cuộc đua khi tung hàng loạt các gói lãi suất ưu đãi cho vay “đảo nợ”. 

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo sẽ có gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng và thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác. 

Với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu và sẽ có sự điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Vì vậy, khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm, nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay, với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Bên cạnh đó, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Cụ thể, BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại. 

Theo sau 3 "ông lớn" trong nhóm Big4 là các ngân hàng thương mại cổ phần, điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ. 

Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, ngân hàng này cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng. Đồng thời, phía MB cho biết khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới. 

Qua những gói lãi suất ưu đãi kể trên có thể thấy mức lãi suất cho vay để trả nợ hiện đang khá hấp dẫn và người dân có thể được hưởng lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khách hàng cần lưu ý về những điều kiện và các khoản chi phí phát sinh. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục chuyển tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ sang thế chấp tại ngân hàng mới sẽ mất không ít thời gian. 

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Thông tư 06 có hiệu lực cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác sẽ tạo điều kiện, mang lại lợi ích lớn đối khách hàng có nhu cầu vay vốn. 

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh. 

Thứ nhất, có sự thay đổi lớn về vị thế giữa người vay và ngân hàng. 

Thứ hai, bản thân các ngân hàng cũng phải tự thay đổi để có thể giữ lại lượng lớn khách hàng do đó sẽ tạo nên làn sóng “cạnh tranh lãi suất” theo chiều hướng giảm. Các ngân hàng đồng loạt đưa ra nhiều chương trình ưu đãi sao cho phù hợp mới yêu cầu của thị trường. Đồng thời, ngân hàng cũng cần giảm thủ tục cũng như các chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho người vay. 

Người có duy nhất một tài sản thế chấp đang rơi vào thế khó

Trên thực tế, sau khi các ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi này thì phần lớn khách hàng đều đang nôn nóng muốn được chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để giảm bớt số tiền trả lãi. 

Hầu hết khách hàng đang cho rằng, chỉ cần thông báo với ngân hàng mới khi muốn vay trả nợ ngân hàng khác là sẽ được giải ngân trả món nợ cũ, rồi rút tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để làm thủ tục thế chấp với ngân hàng mới. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp “đảo nợ” mới này “không dễ dàng như tính toán”.

Cụ thể, đối với người có hai tài sản thế chấp thì việc “đảo nợ” khá dễ dàng vì có thể thế chấp tài sản khác để vay tại ngân hàng mới với mục đích trả nợ khoản vay cũ, sau đó lấy tiền trả nợ và rút tài sản thế chấp kia về. Tương tự với người có sẵn tiền mặt cũng có thể trả nợ rồi rút tài sản thế chấp để đi vay tại ngân hàng khác. Nhưng với khách vay chỉ có một tài sản đảm bảo thì việc “đảo nợ” trở nên khá khó khăn vì ngân hàng không thể cho vay tín chấp một khoản tiền lớn trước rồi mới nhận tài sản thế chấp. 

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, tại nước ta, vay tín chấp vẫn ít và chủ yếu là cho vay thế chấp. Và các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

“Đây là cả một bài toán khó vì thực tế, nếu có khả năng vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì khách hàng đã thực hiện luôn chứ không đợi để vay vốn tại ngân hàng mới”, PSG. TS. Định Trọng Thịnh đưa ra quan điểm. 

Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, với chính sách này, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Khách hàng cũng không dễ dàng đảo nợ vì thủ tục và điều kiện để giải ngân khoản vay mới không hẳn dễ dàng. Vì trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngân hàng cho vay để trả nợ sẽ thẩm định rất chặt chẽ các điều kiện của khách hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng đều chủ động tìm cách hạ lãi vay để giữ chân khách hàng hiện hữu trước khi mở rộng thêm khoản vay mới, khách hàng mới.

Khách vay chỉ có một tài sản đảm bảo thì việc “đảo nợ” trở nên khá khó khăn vì ngân hàng không thể cho vay tín chấp một khoản tiền lớn trước rồi mới nhận tài sản thế chấp. (Ảnh minh họa: Vietnam+) 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khó khăn không chỉ dừng lại ở đó khi tại hầu hết ngân hàng, nếu tất toán khoản vay trước hạn, ngoài các chi phí phát sinh cho khoản vay mới, khách hàng sẽ phải trả thêm phí phạt trước hạn một tỷ lệ nhất định, từ 0,5 - 2% hoặc cao hơn, tùy từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu. Và như vậy nếu lãi suất có hạ thấp nhưng khoản nợ thực tế mà khách hàng phải “gánh” có khi còn “nặng nề” hơn.

Cùng với đó, khi muốn thực hiện vay vốn tại ngân hàng mới, khách hàng sẽ phải chịu nhiều khoản phí đi kèm như: Phí thẩm định tài sản, phí giải chấp sổ đỏ, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản và hợp đồng bảo hiểm mới... Điều này sẽ tiếp tục làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. 

Mặt khác để tiếp tục được phê duyệt vay, khách hàng đi vay cũng phải là khách hàng có tài sản bảo đảm tốt, lịch sử trả nợ đúng hạn, có nguồn thu nhập cố định đủ để có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất, hiện nay chúng ta đã có trung tâm dữ liệu của NHNN, cần có thêm quy định cụ thể, chi tiết để các ngân hàng có thể chuyển hoá các tài sản đảm bảo từ ngân hàng này sang ngân hàng khác một cách thuận tiện và dễ dàng hơn. Khi đó, việc “đảo nợ” giữa các ngân hàng mới đi vào thực tiễn cuộc sống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top