Trong 3 năm qua, đúng hơn là trong khoảng cách giữa nhức nhối và đau đớn, người dân không phải là bị chém nữa mà phải nói là bị “cắt cổ” bởi những cái giá gửi xe không khác gì là trấn lột.
Các điểm trông giữ xe tự phát “vẫn mọc lên như nấm sau mưa... không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà còn thi nhau chặt chém khách gửi xe với giá trên trời”- ghi nhận của VOV. Và thậm chí, VOV nói tới việc chặt chém đã trở thành “quen thuộc”.
Chiếc vé xe trong bức ảnh phía trên do báo Lao Động chụp lại của anh Nguyễn Hoàng Chiến vào đêm 31/12 vừa rồi ngay khu vực phố đi bộ Hồ Gươm. Và đây là lời anh: “Chiều nay, tôi và bạn gửi xe ở đây với giá 10.000 đồng/lượt. Tôi lấy xe đi ăn, quay lại gửi thì giá đã là 30.000 đồng. Mấy lần lên hồ Gươm tưởng đây là địa điểm gửi xe của nhà nước sẽ không đẩy giá. Ai ngờ trong vé thì 5.000 đồng mà khi trả tiền thì lại là 30.000 đồng/xe”.
Vậy là tư nhân tự phát “chém”, người nhà nước cũng “giơ dao”.
Chưa kể tình trạng ngành giao thông đặt điểm giữ xe thu tiền khắp nơi, thậm chí cả trong đường nội bộ của các khu đô thị với một mục đích duy nhất là tiền.
Năm ngoái, sau khi chính TP “điều chỉnh” vé gửi xe, ông Hoàng Huy Được – đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhìn nhận: những khảo sát, điều tra xã hội học làm cơ sở cho việc “điều chỉnh” giá vé gửi xe đã “không đánh giá được việc người dân bị bắt buộc vào tình thế không thể không gửi” và chính vì việc khảo sát không toàn diện như hiện nay khiến người dân đang phải gánh chịu mức phí cao khi gửi xe.
Là người từng “làm nóng” các phiên họp của HĐND TP, ông Được cũng khẳng định: Việc thu tiền vượt khung quy định, không chỉ thấy ở “bãi giữ xe dù” mà còn ngay cả bãi xe được cấp thẩm quyền cấp phép. Trong từng thời điểm khác nhau giá cao hơn mức bình thường, nhưng cao hơn gấp nhiều lần thì đấy là một câu chuyện đáng bàn. Bên cạnh đó, chính họ tự cho mình cái quyền nâng giá vé thì đấy trở thành chuyện “bắt chẹt” người gửi xe.
Cảm ơn sự đau đáu, đau đớn của người đứng đầu TP, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu chỉ đau đáu, đau đớn suông mà không gắn kèm các biện pháp quyết liệt, không gắn với trách nhiệm những người lãnh đạo địa bàn.
Ngoặc kép sau đây là nguyên văn lời ông Hoàng Huy Được: “Tăng phí gửi xe nhưng buông lỏng trong quản lý thì không chỉ người dân phải chịu chi phí cao mà quan trọng, niềm tin của người dân đối với người ban hành chính sách. Nếu người dân không còn tin vào người ban hành chính sách nữa thì đấy là vấn đề cần phải xem xét”.
Vị đại biểu HĐND cũng khẳng định ông từng đi thực tế nhiều lần thì thấy việc kiểm tra thưa thớt, cũng chẳng có bóng dáng của ai kiểm tra, trừ trường hợp các phương tiện đại chúng đưa lên nhiều thì mới có kiểm tra được một vài đợt xong rồi đâu vào đấy. Nếu mọi sự y như vẫn thì liệu sau 3 năm Bí thư sẽ còn phải nói như thế nào đủ để miêu tả cái nạn của dân?