Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về những kết quả nổi bật tạo sự chuyển biến trong năm 2020, cũng như suy nghĩ, trăn trở của mình về những vấn đề “nóng” cần giải quyết trong năm 2021 và giai đoạn tới.
Chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”
PV: Trước tiên, xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2020 vừa qua, đặc biệt là việc chuyển từ bị động trong ứng phó các sự cố môi trường sang chủ động phòng ngừa và kiểm soát để đảm bảo “phát triển xanh” bền vững theo quan điểm của Đảng và Nhà nước?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước tiên phải nói là trong 5 năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, ngành tài nguyên và môi trường đã đứng trước những thời điểm hết sức khó khăn, sóng gió. Các lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là môi trường luôn luôn có những điều hết sức bị động, bất ngờ.
Tại nhiều địa bàn khác nhau, ở nhiều dự án khác nhau, các sự cố môi trường thường xảy ra. Đáng chú ý nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như đất đai cũng thường xuyên đứng đầu trong top lĩnh vực nóng bỏng, có số lượng người dân khiếu kiện, khiếu nại rất đông. Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, còn xảy ra khai thác trái phép và thiếu hiệu quả trong sử dụng; quá trình khai thác cũng gây ra các vấn đề về môi trường như bãi thải.
Trong 5 năm vừa qua, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn và nghiêm trọng. Thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp cả nước như rét đậm rét hại, sạt lở, lũ ống lũ quét ở các vùng núi cao ở phía Bắc; hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn diễn ra liên tục ở Đồng bằng sông Cửu Long do tác động “kép” của biến đổi khí hậu cũng như việc sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong…
Nói như vậy để thấy các lĩnh vực mà ngành quản lý luôn đứng trước những vấn đề hết sức bị động, bất ngờ và lúng túng.
Cá nhân tôi là Bộ trưởng cũng như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều có tâm trạng hết sức lo lắng. Chính vì thế, chúng tôi đã tập trung, toàn tâm toàn ý để giải quyết các sự cố, giải quyết các vấn đề mang tính chất sự vụ để ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định đây là giai đoạn chuyển tiếp - từ giai đoạn cũ với chủ trương tất cả cho các vấn đề phát triển kinh tế, huy động tất cả các nguồn lực cho phát triển và xóa đói giảm nghèo nên các vấn đề môi trường nhiều khi còn chấp nhận đánh đổi; hay nói cách khác là nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên một mô hình là khai thác, sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên - sang giai đoạn mới, phát triển thân thiện với môi trường.
Thực tế là, từ năm 2016, chúng ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, Trung ương, Bộ Chính trị đã có những chủ trương để xây dựng chính sách mới theo hướng “phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường, phát triển kinh tế dựa trên phát triển chặt chẽ tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” nên đã đạt được những kết quả to lớn. Đây cũng là bài học hết sức quan trọng đối với công tác quản lý tài nguyên và môi trường, bởi nếu còn quan điểm, nhận thức là phát triển trước, xử lý môi trường sau thì bài toán về kinh tế sẽ phải trả giá rất đắt.
Công tác công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang chuẩn bị bài bản, đồng bộ các cơ chế chính sách.
Nhận thức của người dân về môi trường được nâng lên rất cao, nhờ đó đã xác định được các phương pháp quản lý, xác định mô hình về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế cacbon thấp và kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ hết sức chủ đạo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn. Tức là thay đổi từ kinh tế “nâu,” năng lượng “nâu” sang năng lượng “xanh” và kinh tế tuần hoàn bền vững.
Một bài học đã được tiếp thu là sự tham gia giám sát của người dân và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi các vấn đề đã nhận dạng được tác động sẽ đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi các dự án phải công khai thông tin để người dân - “tai mắt” của pháp luật phát hiện và giúp cơ quan quản lý kịp thời có giải pháp, xử lý. Đặc biệt, ngay từ khi làm quy hoạch phát triển, chiến lược và quy hoạch phát triển cần có sự tính toán để không xảy ra các sự cố môi trường trong tương lai.
Hãy chủ động phòng ngừa, đừng để trả giá đắt
PV: Bên cạnh những điểm sáng đã đạt được, năm 2020 cũng được đánh giá là một năm “bế tắc” với nhiều vấn đề “nóng” được người dân hết sức quan tâm, đó là vấn đề ùn ứ rác thải sinh hoạt đô thị, hay “cảnh báo đỏ” về ô nhiễm không khí... Qua “bức tranh môi trường” hiện nay, Bộ trưởng có điều trăn trở gì muốn chia sẻ?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là tôi còn rất nhiều điều trăn trở, bởi lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường vốn rất rộng lớn và để thực hiện trong một sớm một chiều là rất khó. Thực tế, công tác quản lý tài nguyên môi trường phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và mô hình phát triển của các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Tài nguyên là tài sản, nguồn lực của quốc gia nên nếu có thể nắm chắc, lượng hóa và hạch toán được như tiền bạc, cần phải điều tra, đánh giá kỳ công mới làm được.
Với các lĩnh vực tài nguyên môi trường, quan trọng nhất hiện nay là cần thực hiện một cách đầy đủ theo nền kinh tế thị trường. Tài nguyên là tài sản, nguồn lực của quốc gia nên nếu có thể nắm chắc, lượng hóa và hạch toán được như tiền bạc thì đòi hỏi cần phải điều tra, đánh giá rất kỳ công mới làm được. Hiện trên đất liền mới đánh giá được một phần, còn dưới biển hoàn toàn chưa nắm bắt được. Như vậy, khi nguồn lực này chưa đánh giá được thì chưa thể hạch toán, tính toán được.
Đáng chú ý là lĩnh vực đất đai, mặc dù chúng tôi đã nỗ lực rà soát, khắc phục, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực này cho phát triển kinh tế nhưng thực tế cũng mới chỉ làm được một phần. Hiện vẫn còn đó những vấn đề khiếu kiện, thất thoát đất đai, lợi dụng các chính sách đất đai chưa chặt chẽ để tham ô tham nhũng.
Hay như lĩnh vực biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn, hiện nay mặc dù đã nỗ lực cố gắng nhưng rõ ràng biến đổi khí hậu cực đoan đang ngày khó đoán định. Thực tế này đang đặt ra một gánh nặng hết sức lớn lên ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực khí tượng thủy văn vào những mùa mưa và bão lũ.
Thực tế trên đòi hỏi, một mặt chúng ta phải nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo, nhưng điều quan trọng hơn là phải đánh giá được tình hình, đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra những quy hoạch thích ứng để cảnh báo kịp thời hơn, chứ không phải là hàng năm cứ phải “bị động ứng phó.”
Việc giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn cần phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo bền vững lâu dài.
Hay như vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hiện nay, Việt Nam vừa là nguyên nhân nhưng cũng là nước phải gánh hậu quả từ thế giới vào mỗi mùa bão gió. Do vậy, để giải quyết được bài toán rác thải nhựa, không thể một quốc gia làm được, mà đòi hỏi có sự hợp tác lâu dài, có những định chế toàn cầu.
Nói như vậy để thấy với người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường - lĩnh vực mà mọi động thái đều liên quan đến người dân, cũng như quản lý nguồn lực rất lớn của đất nước (tài nguyên khoáng sản) thì việc giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn cần phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo bền vững lâu dài.
Để hóa giải được các vấn đề trên, tôi cho rằng cần phải giải quyết hết sức bài bản, từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là từ nhận thức của mỗi người dân, để lựa chọn mô hình phát triển; cũng như chuyển sang phòng ngừa là chính, còn khi đã xảy ra rồi mới khắc phục sửa chữa, tôi xin nói là rất “đắt” và rất khó.
Nhận thức đúng, chúng ta sẽ đạt được bước tiến lớn
PV: Như ông vừa chia sẻ, để hóa giải những khó khăn trên cần phải có sự chung tay, vào cuộc của các ngành và người dân, vậy với cương vị “tư lệnh” ngành, ông sẽ đưa ra những “kế sách” gì để bảo vệ môi trường năm 2021 cũng như giai đoạn tới?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đối với lĩnh vực môi trường, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, những chủ trương quan trọng cũng đã được đưa vào các Văn kiện được công bố tại Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta cũng đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022 nên đối với môi trường, có thể khẳng định là một trong 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững.
Người dân phải là người thực hiện, tham gia nhưng đồng thời cũng là người giám sát về môi trường.
Trên tinh thần đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lấy người dân làm lực lượng nòng cốt - người dân phải là người thực hiện, tham gia nhưng đồng thời cũng là người giám sát về môi trường.
Một yếu tố khác là thời gian tới từ chủ trương chính sách, định hướng đã có, chúng ta cần thể chế hóa các quy định; cũng như huy động được các bên, đặc biệt là làm sao nhận thức của mọi người cùng có sự thống nhất cao, để triển khai thực hiện.
Khi người dân đã có nhận thức đúng đắn, coi ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng như đại dịch COVID-19, từ đó đoàn kết, cùng ngăn chặn ô nhiễm môi trường như phòng chống COVID-19 thì đó sẽ là sức mạnh rất lớn. Nếu làm được như vậy, công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng thân thiện với môi trường thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến lớn.
Khi người dân đã có nhận thức đúng đắn, coi ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng như đại dịch COVID-19, từ đó đoàn kết, cùng ngăn chặn ô nhiễm môi trường, thì đó sẽ là sức mạnh rất lớn.
Riêng với địa bàn Thủ đô Hà Nội, việc xử lý các vấn đề “nóng” như rác thải sinh hoặt đô thị, ô nhiễm không khí là trách nhiệm chung của của các bộ, ban, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thành phố Hà Nội cũng đã có Luật Thủ đô, trong đó đã xác định rất rõ vai trò quan trọng của vấn đề môi trường. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ và gia tăng sức ép dân số hiện nay thì chắc chắn vấn đề môi trường sẽ ngày càng phức tạp hơn.
Vì vậy, với Luật Bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua, nếu Hà Nội quyết tâm cao hơn, nhất là thống kê được các nguồn thải như giao thông, xây dựng, nông thôn… từ đó giám sát chặt chẽ các nguồn thải và ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm, cũng như có sự ủng hộ, nhất trí của nhân dân Thủ đô thì những vấn đề “nóng” nêu trên sẽ hóa giải được, Hà Nội sẽ trở nên xanh, sạch và đẹp hơn./.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Trong 5 năm qua, số thu từ đất đai trên 950.000 tỷ đồng đã đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách. Riêng năm 2020, thu từ đất đai đã gấp 2 lần so với năm 2015; khoảng 230.000 hécta đất đã được chuyển sang để phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu hécta đất trước đây chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng để phát triển rừng; hàng trăm nghìn hécta đất trước đây ở các dự án chậm sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng đã được đưa vào phát triển nguồn lực hiệu quả.
Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%…