Đô thị xanh không chỉ có cây xanh
PV: Ông nghĩ sao về cách hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều cây xanh?
KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Cây xanh chỉ là một khía cạnh của đô thị xanh thôi. Ở nước ngoài, đô thị xanh được hiểu đúng nghĩa là đô thị sustainable (đô thị bền vững). Trong đó, cây xanh chỉ là một yếu tố thôi, còn lại chủ yếu là vấn đề môi trường, các yếu tố thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng…
PV: Vậy theo ông, đánh giá một đô thị xanh thì cần dựa vào những tiêu chí, yếu tố nào?
KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Thật sự thì ở Việt Nam hiện nay, đô thị mà thực sự có thể được gọi là đô thị xanh không có nhiều.
Trước hết là tạm đứng trên tiêu chuẩn đô thị có nhiều cây xanh đi. Từ thời Pháp, khi phát triển các đô thị thì Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang đều có thể xem là các đô thị xanh. Nhưng sau này, trong quá trình phát triển "nóng", đa số các thành phố trên có tình trạng "bê tông hóa". Ở nhiều nơi, không gian xanh quý báu lại được đem xây dựng các công trình nên thành ra đô thị không còn xanh nữa. Nếu còn sót lại thì cũng chỉ còn một số.
Giờ theo tiêu chí mới, đô thị xanh còn phải là đô thị bền vững, hàm chứa nhiều yếu tố. Đầu tiên là cây xanh, cũng trên nền cũ thôi. Thường ở các nước, khi soi chiếu yếu tố cây xanh trong khu đô thị xanh ngời ta đặt tiêu chuẩn ít nhất diện tích cây xanh trên đầu người cần đạt khoảng 10 - 25m2, tức cứ 1 người cần có ít nhất ngần đó mét vuông cây xanh. Nhưng đô thị ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn, thì tỷ lệ này không cao, đâu đó khoảng 2 - 3m2 thôi.
Kế đến là không gian mặt nước. Trong đô thị xanh, không gian mặt nước đóng vai trò quan trọng không kém gì cây xanh. Không những cung cấp nước tưới cho không gian xanh, mặt nước còn có tác dụng điều hòa khí hậu. Các đô thị xanh trên thế giới đa số có không gian mặt nước và đô thị tại Việt Nam cũng cần lưu ý yếu tố này.
Kế nữa là xanh bền vững - tiêu chí mới về đô thị bây giờ. Trong đó có nhiều tiêu chí lắm nhưng mình xem từng vấn đề. Ví dụ, với tiêu chí về lượng khí thải môi trường, việc tổ chức giao thông công cộng thay vì giao thông cá nhân để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, kẹt xe. Đây cũng là tình trạng chung của các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Thứ hai là vấn đề xử lý chất thải, nước thải - tiêu chí quan trọng mà không phải nhà phát triển đô thị nào cũng quan tâm đáp ứng và các đô thị xanh Việt Nam phải phấn đấu.
Tiếp đó, đô thị xanh đừng để bị "bê tông hóa" nhiều quá. Bê tông hóa một mặt tạo ra nguy cơ nước thoát quá nhanh dễ gây ngập lụt, nước không thẩm thấu xuống, mất nước ngầm gây ra sụt đất hay các vấn đề khác, mặt khác làm cho đô thị nóng lên. Chính điều này lại làm ảnh hưởng đến đô thị xanh.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề khác, ví dụ như quy hoạch nhà cao tầng như thế nào để đón được gió và ánh sáng vào mọi ngóc ngách của khu đô thị thay vì xây để chắn hết gió, nắng. Kể ra thì rất nhiều yếu tố, tiêu chí nhưng tựu chung lại đô thị xanh bên cạnh cây xanh thì phải đạt các tiêu chí về tác động môi trường ở mức tối thiểu, giúp giữ gìn được chất lượng của môi trường sống.
Cần có những đô thị xanh đúng nghĩa
PV: Góc nhìn của ông về những khu đô thị được mệnh xanh là đô thị xanh, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM?
KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Trước đây, Hà Nội và TP.HCM cũng có những đô thị xanh đúng nghĩa. Ở Hà Nội, khu đô thị Linh Đàm là ví dụ. Nhưng sau này, khi 12 tòa nhà mọc lên thì dự án này không còn xanh nữa. Do đó, muốn đánh giá dự án khu đô thị có xanh hay không cần phải đi xuyên suốt dòng đời dự án. Chứ một bản vẽ xanh hay chỉ giữ được không gian xanh cho một phân kỳ đang phát triển, thì chưa nói được gì hết.
Ở các đô thị này, khu nào hoàn chỉnh không gian công viên, mặt nước rồi là cứ phải giữ vậy luôn, công viên là công viên, nhà là nhà và các không gian xanh không bị "biến mất" trong tương lai để xây dựng công trình chen vào thì mới tốt.
Đô thị xanh là phải xanh từ quy hoạch đến xây dựng, đưa vào vận hành quản lý vẫn giữ được giá trị. Chứ còn trong quá trình phát triển lại có thay đổi thì rất tiếc, tôi nhắc lại câu chuyện của Linh Đàm. 10 năm về trước khu đô thị này vẫn xanh đẹp nhưng khi chồng cụm nhà kia lên là khác liền. Thành ra bây giờ, tôi nghĩ cần khuyến khích phát triển các đô thị xanh nhưng cần nhấn mạnh việc cam kết giữ giá trị xanh lâu dài như hiện tại và đừng thay đổi theo chiều hướng như các ví dụ kia.
PV: Theo ông, đến giờ, phát triển đô thị xanh ở Việt Nam đã làm được những gì, chưa làm được gì?
KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Suy cho cùng, muốn làm đô thị xanh thì vai trò quản lý của Nhà nước vẫn là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là đô thị đó không chỉ xanh trên bản vẽ mà phải xanh thực sự trong thực tế. Có những chủ đầu tư làm dự án đô thị xanh nghiêm túc, nhiều khu đô thị chỉ "xanh tạm thời" vì sau đó công viên "biến mất", hoặc sau thời gian thì thay đổi quy hoạch, xin chuyển đổi đất công viên thành đất xây dựng.
Do đó, theo tôi, muốn làm đô thị xanh, tất nhiên cần công tư hợp tác nhưng vai trò điều phối của Nhà nước là rất quan trọng, đặc biệt các vấn đề về cơ sở pháp lý để quản lý đô thị xanh. Chẳng hạn như khi phê duyệt đầu tư thì quy định một khu đô thị cần tỷ lệ cây xanh tối thiểu là bao nhiêu và phải đảm bảo suốt dòng đời dự án ra sao chứ không chỉ dựa trên bản vẽ rồi sau lại điều chỉnh giảm không gian xanh xuống.
Thêm một vấn đề nữa là vấn đề bền vững cho đô thị xanh, tác động môi trường và vì thế mà vấn dề quản lý tác động môi trường là cực kỳ quan trọng. Khách quan mà nói thì luật bảo vệ môi trường của chúng ta hiện nay vẫn còn có những kẽ hở. Nhà đầu tư nào làm đô thị xanh không có tâm sẽ tận dụng các kẽ hở đó để không làm tròn trách nhiệm. Môi trường mà bị tác động xấu thì mọi gánh nặng lại đổ lên ngân sách của Nhà nước, thiệt hại cho nền kinh tế.
PV: Vậy thách thức trong phát triển đô thị xanh là gì?
KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Ở các nước tiên tiến, khi làm khu đô thị xanh, người ta đề ra những luật lệ ràng buộc rất chặt chẽ.
Bạn tôi mua một căn nhà tại Mỹ trong khu đô thị không chỉ ký 4 - 5 tờ giấy là xong đâu. Hợp đồng dài cả 300 - 400 trang, quy định cực kỳ chi tiết, từ việc ứng xử ra sao với môi trường, đổ rác ra sao, trồng cây trên mái nhà, ban công, dọn dẹp bãi cỏ như thế nào…. Một mặt, người ta xây khu đô thị cho dân cư, mặt khác lại đưa vào hợp đồng những điều khoản để người dân có trách nhiệm giữ gìn cái xanh đó. Cả người xây dựng dự án và người mua nhà trong đô thị xanh đều phải có chung trách nhiệm.
Ở Việt Nam bây giờ, trong chuyện đô thị xanh thường người ta hay đặt nặng vấn đề xây dựng, nhưng lại xem nhẹ quản lý vận hành sau đó. Đô thị xanh phải thực sự đưa vào cuộc sống, xây xong cần quản lý ra sao, mọi thành phần sống trong môi trường đó có trách nhiệm như thế nào.
Cơ quan quản lý và nhà phát triển đô thị có trách nhiệm giữ gìn quy hoạch công viên là công viên, mặt nước là mặt nước, không cho cơi nới, vi phạm là phạt. Còn người dấn thì có trách nhiệm giữ xanh chính nơi mình đang sinh sống. Nước ngoài làm được đô thị xanh nhờ những điều đó. Họ tạo cơ chế để tất cả người dân, nhà đầu tư, cùng với chuyên gia tư vấn thiết kế, kiến trúc sư, nhà quản lý đô thị… cùng tham gia vào việc xây dựng, phát triển, giữ gìn đô thị xanh./.